Từ đề xuất nghỉ lễ, nhớ về Sắc lệnh 22 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Sắc lệnh 22 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một năm, người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương?

Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/02/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thùy Anh

Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/02/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thùy Anh

Cách đây 78 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/02/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo (Sắc lệnh 22).

Sắc lệnh nêu rõ: Những ngày Tết, Kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo ấn định trong bảng đính theo Sắc lệnh này, sẽ được coi là những ngày Lễ chính thức.

Trong những ngày ấy, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực.

Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương trong các ngày nghỉ lễ chính thức.

Bảng kê những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo trong năm theo Sắc lệnh 22. Ảnh: Thùy Anh

Bảng kê những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo trong năm theo Sắc lệnh 22. Ảnh: Thùy Anh

Theo quy định tại Sắc lệnh này, một năm, người lao động có 18 ngày nghỉ, gồm 12 ngày nghỉ Tết, Kỷ niệm lịch sử và 6 ngày nghỉ Lễ tôn giáo.

Sắc lệnh số 22c NV/CC nằm trong Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa 1945-1946. Đây là tư liệu được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/01/2016 công nhận là bảo vật quốc gia.

Đề xuất tăng thêm các ngày nghỉ lễ

Sắc lệnh 22 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhớ lại trong bối cảnh mới đây, cử tri một số tỉnh đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tăng thêm ngày nghỉ lễ.

Cử tri nêu, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là ngày lễ lớn của đất nước, một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam. Do đó, cử tri đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Bộ luật Lao động năm 2019 quy định ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm là ngày nghỉ lễ. Đồng thời, toàn dân được nghỉ một ngày, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Cùng với đó, cử tri cho rằng, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2) là một ngày rất quan trọng, một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân ý nghĩa lịch sử, vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng, cử tri đề nghị trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào danh mục ngày nghỉ lễ.

Đặc biệt, cử tri đề nghị Bộ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng bổ sung thêm một ngày người lao động được nghỉ làm việc (hưởng nguyên lương) là ngày 05/9 hằng năm. Đây được coi là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, một phong tục đẹp của người dân Việt Nam nhằm chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ, thể hiện sự quan tâm của cha mẹ đối với con em và cộng đồng xã hội đối với giáo dục.

Thậm chí, cử tri cũng đề nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu bổ sung thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 02 đến 05/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Có nên tăng thêm ngày nghỉ lễ?

Đề xuất tăng thêm các ngày nghỉ lễ, đặc biệt là việc kéo dài thời gian nghỉ lễ dịp Quốc khánh tiếp tục thu hút sự quan tâm của người dân cũng như các chuyên gia và vẫn chưa hết “nóng” trên các diễn đàn.

Chị Thùy Dương - nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội - chia sẻ: Chị làm việc theo giờ hành chính. Nhà chị cách cơ quan khoảng 6 cây số. Ngày nào chị cũng ra khỏi nhà từ 6h30 để chở các con tới trường rồi đến cơ quan làm việc. 18h30, ba mẹ con chị mới về đến nhà. Lúc đó, chị mới bắt tay vào cơm nước, rồi ăn uống, tắm giặt, kiểm tra con học hành... 22h30, chị mới được nghỉ ngơi. Chồng chị làm việc trong ngành công an, tại một huyện ngoại thành, theo chế độ trực ban nên anh không hỗ trợ được việc đưa, đón con và cơm nước của gia đình.

Đợt nghỉ lễ 4 ngày sắp tới, chị Thùy Dương dự định về quê nội tại Nam Định 2 ngày, còn 2 ngày sang bên ngoại tại Hà Nội. Với chị Thùy Dương, số ngày nghỉ như vậy cũng chưa phải là nhiều và chị mong muốn có thêm ngày nghỉ để nghỉ ngơi, thăm hỏi người thân, gắn kết gia đình sau những chuỗi ngày tất bật công việc.

Tương tự, chị Thanh Huyền - quận Hà Đông, TP. Hà Nội cũng cho biết: Chị làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, quanh năm bận rộn và áp lực. Với 4 ngày nghỉ, ngoài việc sắp xếp 3 ngày đưa con về thăm ông, bà nội, ngoại, gia đình chị sẽ lên thành phố sớm trước 1 ngày để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị sách bút, trang phục cho con đến trường. Bởi vậy, chị rất mừng nếu nghỉ lễ dịp Quốc khánh tăng thêm 2 ngày, như vậy, gia đình chị có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho con trước thềm khai giảng.

Khác với chị Huyền và chị Dương, chị Bích Ngọc - quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội thường dành trọn những ngày nghỉ lễ để đi du lịch. Dịp Quốc khánh này, chị Ngọc sẽ cùng gia đình đi Hạ Long tham gia các lễ hội. Chị Ngọc cho biết, nghỉ lễ để kết hợp du lịch sẽ giúp các thành viên trong gia đình vừa tái tạo sức lao động vừa góp phần tăng thu cho ngành du lịch.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban chính sách - pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – cũng bày tỏ đồng tình với mong muốn của người lao động về việc tăng ngày nghỉ lễ.

Trước đó, khi góp ý sửa đổi Bộ luật Lao động, tổ chức Công đoàn đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ, ví dụ dịp Quốc khánh. Chẳng hạn, Trung Quốc cho nghỉ Quốc khánh 3 ngày, Việt Nam có thể cân nhắc nghỉ thêm đến ngày 05/9 tức ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Đề xuất tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp cũng là kiến nghị của đoàn viên công đoàn gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (tháng 12/2023) bởi số ngày nghỉ của Việt Nam hiện thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới 5-6 ngày.

Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng: “Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã nâng số ngày nghỉ lễ Tết từ 10 ngày lên 11, đảm bảo cân đối ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ lễ. Mặc dù ngày nghỉ lễ Tết của chúng ta thấp so với khu vực song đây chưa phải là thời điểm để đề xuất vì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội”.

Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày).

Số ngày nghỉ trong một năm của Việt Nam này thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày. Đơn cử, số ngày nghỉ lễ của Campuchia là 22 ngày, Philippines là 18 ngày, Trung Quốc là 17 ngày.

Thực tiễn cho thấy, khi thiết kế, xây dựng một chính sách, cơ quan soạn thảo thường phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực trạng cũng như đánh giá tác động nhiều chiều. Lẽ đương nhiên, việc sửa đổi Bộ luật Lao động hay quyết định tăng thêm ngày nghỉ lễ cũng không thể bỏ qua những công việc này.

Liên quan đến đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung từng hồi đáp kiến nghị của cử tri như sau: Thời gian nghỉ lễ, Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ, tác động kinh tế - xã hội, tác động đến người sử dụng lao động và người lao động…

Như vậy, tăng thêm ngày nghỉ lễ hay không? Lời giải cho câu hỏi này sẽ dựa trên nhiều yếu tố, cơ sở. Thiết nghĩ, phản hồi từ người dân và chuyên gia, nhất là nội dung Sắc lệnh 22 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được Bộ LĐTBXH - cơ quan thiết kế chính sách về lao động, việc làm - quan tâm như những kênh thông tin tham khảo hữu ích để có thêm cơ sở cho một quyết định đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân!

THÙY ANH - THÀNH ĐỨC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tu-de-xuat-nghi-le-nho-ve-sac-lenh-22-cua-chu-tich-ho-chi-minh-34224.html