Từ Đèo Cả đến Hải Vân: Những đường hầm kết nối các khu kinh tế

Theo kế hoạch, tháng 8/2017, CTCP Đầu tư Đèo Cả sẽ chính thức đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả, thông kỹ thuật hầm Cù Mông và xây dựng hầm Hải Vân 2, tiến tới đồng bộ ba hệ thống hầm qua đèo lớn nhất Việt Nam.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ khánh thành vào tháng 8/2017.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ khánh thành vào tháng 8/2017.

Tất bật trên ba tuyến hầm

Thời điểm này được đánh giá là giai đoạn nước rút của toàn Dự án Dầu tư xây dựng hầm Đèo Cả, trải dài từ hầm đường bộ qua Đèo Cả đến hầm qua đèo Cù Mông và kết thúc tại dự án mở rộng hầm Hải Vân. Đặc biệt, sau gần 5 năm triển khai, hầm đường bộ qua Đèo Cả đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để kịp khánh thành đưa vào sử dụng trong tháng 8 tới.

Điểm nhấn ở hạng mục hầm đường bộ qua Đèo Cả, dài gần 4.500 m, đã chính thức được thông vượt tiến độ đề ra từ tháng 6/2016, tạo cú hích tinh thần cho chủ đầu tư và tổ hợp các nhà thầu tham gia toàn dự án trong việc đẩy nhanh tiến độ, vận hành toàn tuyến dự án cán đích mục tiêu đề ra trong năm 2017 này. Cùng việc thông tuyến kỹ thuật hầm qua Đèo Cả, kết quả vận hành hiệu quả từ dự án này đã tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng chuyển sang đầu tư hầm Cù Mông.

Từ Đèo Cả, Cù Mông đến Hải Vân, một khoảng cách hơn 400 km, nhưng chung một dự án, cùng một chủ đầu tư và đặc biệt, cùng chung một khát vọng chinh phục những ngọn đèo, một khát vọng không chỉ dừng lại những con số kinh tế đơn thuần, mà còn mang đậm tính tính xã hội, với mong ước giảm thiểu những rủi ro không đáng có trên hành trình xuyên việt. Đồng thời, còn mang đậm tinh thần dân tộc Việt với khát vọng chinh phục, khát vọng làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn thông qua việc góp phần đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả nhìn nhận, giai đoạn hiện nay thật sự là một năm hết sức bận rộn đối toàn dự án, đồng loạt trên ba hạng mục hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân sẽ cùng tăng tốc hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Theo ông Mai, kế hoạch khánh thành hầm đường bộ qua Đèo Cả vào tháng 8/2017 đã được Hội đồng Quản trị Công ty thông qua, vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm là dốc toàn lực tập trung hoàn thiện bên trong hầm (thiết bị, vỏ hầm, nền hầm…).

Đối với hạng mục hầm qua đèo Cù Mông, mục tiêu sẽ thông hầm vào tháng 12/2017 trong khi tổng chiều dài hầm còn khoảng 2.000 m, vì vậy, các nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ để kịp kệ hoạch đề ra.

Kết nối vùng

Từ hầm Đèo Cả, Cù Mông đến Hải Vân, ba dự án cùng mang một hy vọng, cùng một mục đích, đó là tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng sâu hơn và thiết thực hơn, đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg về xúc tiến đầu tư, trong đó khẳng định vai trò của sự liên kết vùng trong xúc tiến.

Vấn đề đầu tiên là cơ hội giao thương giữa các địa phương có thuận lợi hay không và điều này phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng giao thông.

Tại các Hội thảo Vùng duyên hải miền Trung, từ TS. Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, khóa XIII) đến PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đều khẳng định rằng, để vùng duyên hải miền Trung phát triển xứng tầm thì nhất thiết phải liên kết. Việc liên kết có hiệu quả hay không tùy thuộc vào điều kiện từ liên kết hạ tầng, đến các cơ chế, chính sách phục vụ cho hạ tầng mềm. Song vấn đề đầu tiên vẫn là cơ hội giao thương giữa các địa phương có thuận lợi hay không và điều này phụ thuộc vào hạ tầng giao thông.

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên, nhắc đi nhắc lại sự cần thiết về khai thông các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Phú Yên, xem đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết các bài toán còn lại phục vụ cho sự phát triển kinh tế địa phương. Và đến thời điểm này, Bí thư Huỳnh Tấn Việt đã thở phào nhẹ nhõm khi mong muốn của ông và cả tỉnh Phú Yên đã trở thành hiện thực với việc “chinh phục” hai ngọn đèo Cù Mông, đèo Cả, vốn như hai tường thành chia cách tỉnh Phú Yên với bên ngoài trong suốt chiều dài lịch sử. Và chỉ vài năm nữa thôi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ tạo thành thế chân kiềng, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, thúc đẩy kinh tế để cùng phát triển.

Nhìn nhận về dự án hầm Cù Mông, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, trong chiến lược phát triển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định định vị được hướng phát triển thành phố trong tương lai là mở rộng theo hướng Đông Bắc hoặc hướng Tây. Hướng Đông Bắc tỉnh sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối KKT Nhơn Hội với sân bay Phù Cát. Hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19, huyết mạch được cho là cánh cửa của Tây Nguyên. Hiện tại, dọc Quốc lộ 1A đang được quy hoạch phát triển khá mạnh với ga Diêu Trì và cả vệt đô thị kéo dài đến chân đèo Cù Mông.

“Việc đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển của TP. Quy Nhơn trong tương lai về hướng Tây. Tỉnh Bình Định tin rằng, khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần mở toang cánh cửa cho Bình Định nói chung và TP. Quy Nhơn phát triển”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi ba hầm Hải Vân, Cù Mông và Đèo Cả hoàn thành, sẽ không chỉ góp phần rất lớn giải quyết vấn đề tai nạn trên những ngọn đèo, mà còn kiện toàn hệ thống hạ tầng giao thông Bắc - Nam, nhất là trong định hướng xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Điểm nhấn của 3 hệ thống hầm này chính là kết nối các KKT trọng điểm miền Trung, bao gồm KKT Chân Mây - Lăng Cô với Đà Nẵng, KKT Nhơn Hội với vùng kinh tế phía Nam, KKT Nam Phú Yên với KKT Vân Phong (Khánh Hòa).

Thời điểm này, nhân dân và chính quyền các tỉnh miền Trung đang ngóng chờ từng ngày những đường hầm sẽ được đưa vào hoạt động, giúp mở rộng cánh cửa giao thương và tạo điểm nhấn phát triển kinh tế vùng. Với những kỳ vọng đó, bên cạnh nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu, còn có sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, để giúp các dự án sớm đưa vào khai thác.

Sơn Châu

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/tu-deo-ca-den-hai-van-nhung-duong-ham-ket-noi-cac-khu-kinh-te-d64927.html