'Từ điển chính tả tiếng Việt' sai chính tả do phát âm và không hiểu nghĩa từ ngữ
Sau khi phân tích những lỗi thiếu chính xác trong hướng dẫn cách viết thành ngữ, tục ngữ, hoặc do không nắm được yếu tố cấu tạo từ trong cuốn 'Từ điển chính tả tiếng Việt' của GS.TS Nguyễn Văn Khang, ông Hoàng Tuấn Công tiếp tục chỉ ra lỗi sai chính tả do phát âm sai và không hiểu nghĩa của từ ngữ, yếu tố Hán Việt của cuốn sách này.
Những sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt, như: Sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt... Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn, và rất nhiều lỗi văn bản khác.
Để chỉ ra sai sót trong từ điển của GS.TS Nguyễn Văn Khang, chúng tôi sẽ căn cứ vào chính Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên, gọi tắt là Hoàng Phê), và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, có sửa chữa bổ sung sau khi GS Hoàng Phê thành lập Trung tâm Từ điển học Vietlex, gọi tắt là Hoàng Phê (Vietlex) để làm chuẩn. Ngoài ra, chúng tôi còn căn cứ vào nhiều cứ liệu trong hàng chục cuốn từ điển khác. Những mục không có bất cứ cuốn từ điển uy tín nào chúng tôi có trong tay viết theo dạng chính tả mà GS.TS Nguyễn Văn Khang hướng dẫn, sẽ được đánh dấu [K], sau mỗi phần trao đổi.
Sai chính tả do phát âm sai và không hiểu nghĩa của từ ngữ, yếu tố Hán Việt:
73-“chiêu: chiêu mộ không viết: triêu”.
Không ít người lầm tưởng chỉ có “chiêu mộ”, không có “triêu mộ”. Ví dụ “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) giảng: “chiêu mộ dt. Sáng và chiều”; “chiêu mộ đgt. Tuyển người làm một việc gì”. Sự thực, ngoài “chiêu mộ” 招募 (tuyển mộ), còn có “triêu mộ” 朝暮 (sớm chiều), như “tiếng chuông triêu mộ”.[K].
Như vậy, ở mục từ này, đáng ra Từ điển phải có phụ chú và chỉ dẫn cụ thể, ví dụ: “chiêu mộ” (tuyển mộ), không lầm với “triêu mộ” (sớm chiều)”, thì GS. TS. Nguyễn Văn Khang lại chỉ dẫn “không viết: triêu”. Nếu ai đó băn khoăn không biết nên viết “ba hồi chiêu mộ” hay “ba hồi triêu mộ”, khi giở sách và dùng theo chỉ dẫn của từ điển này sẽ bị sai.[K].
74-“soản: soản đoạt// không viết: xoản, soẵn, soàng”.
Viết đúng là “soán đoạt”, vì “soán” là chiếm, cướp:
-Hán ngữ đại từ điển: “soán: 1. dùng sức mạnh để mà cướp lấy; 2. chỉ bề tôi cướp ngôi vua.”[篡: 1. 用強力奪取; 2. 特指臣子奪取君位].
-Hoàng Phê (Vielex): “soán đoạt • 篡奪 đg. [cũ, id] xem thoán đoạt”. thoán đoạt • 篡奪 đg. [cũ] cướp ngôi vua. Đn: soán đoạt, thoán nghịch”.
75-“trí: đắc trí. không viết: chí”.
Viết “chí” mới đúng. Vì “chí” 志ở đây là chí nguyện, chí hướng:
-Hán ngữ đại từ điển: “đắc chí: 1. nói thực hiện được chí hướng và nguyện vọng; 2. chỉ dang lợi, khát vọng được thỏa mãn”.[得志: 1. 謂實現其志願; 2. 指名利欲望得到滿足].
-Hoàng Phê (Vietlex): “đắc chí • 得志 t. 1 tỏ ra thích thú vì đã đạt được điều mong muốn. “Nói xong, ông lý vỗ vào đùi bôm bốp, đắc chí lắm, sung sướng lắm.” (Vũ Trọng Phụng; 15). Đn: đắc ý, khoái chí. 2 [cũ] được thỏa mãn như hằng mong muốn. “(…) ánh trăng vằng vặc, sáng tỏ như ban ngày, chiếu thêm nét mặt những anh hùng đắc chí.” (Nguyễn Huy Tưởng).[K].
76-“sán: sán lạn, sán lợn. không viết: xán”.
Viết “xán” trong “xán lạn” 燦爛 mới đúng (ghép đẳng lập): “xán” 燦 có nghĩa là rực rỡ, chói lọi; mà “lạn” 爛 cũng có nghĩa là tươi sáng, rực rỡ. Còn “sán” với tự hình 疝 lại chỉ nhóm giun kí sinh thân dẹt ở người, động vật, hoặc chỉ bệnh sa đì, bệnh thoát vị bẹn, bệnh sưng hòn dái. “Hán ngữ đại từ điển” giảng: “xán lạn: 1. vẻ rực rỡ, tươi đẹp; 4. hình dung sự việc hoặc sự nghiệp huy hoàng, tốt đẹp.” [燦爛: 1. 明亮貌; 鮮明貌; 4. 形容事情或事業輝煌; 美好]. [K].
77-“sáng: sáng lạn không viết: sán”.
Điều kì lạ là ở mục “sán”, GS. TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn viết “sán lạn”, đến mục này lại hướng dẫn viết “sáng lạn”, đồng thời khuyên “không viết: sán” (rất nhiều mục từ chỉ dẫn kiểu tiền hậu bất nhất này). Điều đáng nói, là cả hai cách viết này đều sai. Hoàng Phê (Vietlex) giảng: “xán lạn 燦爛 t. rực rỡ, chói lọi. tiền đồ xán lạn”.
Dù không phải từ điển chính tả, nhưng Hoàng Phê đã có thêm chỉ dẫn như sau: “nên nói và viết là xán lạn, không nên dùng sáng lạn (sai khá phổ biến)”. Có lẽ GS. Hoàng Phê cũng không thể ngờ rằng, người từng là cộng sự của ông - GS. TS. Nguyễn Văn Khang - khi biên soạn từ điển chính tả, ngoài viết sai “sáng lạn”, còn thêm một kiểu sai nữa là “sán lạn”, đặt cạnh mục “sán lợn”.[K].
78-“sao: thôi sao. không viết: xao”.
Viết “xao” mới đúng. “Thôi xao” 推敲, nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥宿池中樹, 僧敲月下門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi 推 = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao 敲 = gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao 敲. Sau này “thôi xao” 推敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa.[K].
79-“siêu: siêu tán. không viết: xiêu”.
Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (như “hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…). Hoàng Phê (Vietlex): “xiêu tán 飄散 [phiêu tán nói trại] đg. [cũ] như phiêu tán. dân phải xiêu tán vì giặc giã”.[K].
80-“lãi: lãi xuất”.
Viết chuẩn là “lãi suất” (do “lợi suất” 利率 trong tiếng Hán). Theo đây, “suất” 率 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa tỉ lệ, mức. Hoàng Phê: “lãi suất d. Tỉ lệ phần trăm giữa lãi so với vốn”.[K].
81-“sử: sử kiện. không viết: xử”.
Viết “xử” mới đúng (xử 處 là yếu tố gốc Hán có nghĩa là phân xử). Việt Nam từ điển (Lê Văn Đức): “xử kiện • đt. Phân-xử một vụ kiện, định phần lỗi phải về ai và định tội-trạng: Quan ngồi xử kiện”.
82-“sử: sử nữ. không viết: xử”.
Viết ‘xử” mới đúng, vì “xử nữ”處女 mới có nghĩa là “Người con gái còn ở nhà với bố mẹ, chưa đi lấy chồng.” (Việt Nam tự điển-Hội Khai trí Tiến đức).
83-“sử: sử tử. không viết: xử”.
Viết “xử” 處mới đúng. Vì “xử tử” 處死nghĩa là xử tội chết, thi hành án tử hình. Hán ngữ đại từ điển: “xử tử: 2. xử tử hình; chấp hành án tử hình; 3. giết chết (phiếm chỉ)”. [處死[chǔ sǐ] 2. 判處死刑; 執行死刑 3. 泛指殺死]. Nếu “sử tử” 使死 được Từ điển dùng với nghĩa “khiến cho phải chết”, thì trong tiếng Việt cũng như tiếng Hán đều không có từ này.[K].
84-“sử: tình sử, xét sử. không viết: xử”.
Phải viết “xử” trong “xét xử” mới đúng. Trong tiếng Việt không có khái niệm “xét sử”.[K].
85-“sửu: tài sửu. không viết: sỉu”.
Viết “sửu” hay “sỉu” đều không đúng. “Tài xỉu” 大小 (đại tiểu) là một trò cờ bạc có tên đầy đủ là “đổ đại tiểu” 賭大小. Theo đây, “xỉu” là phiên âm của “tiểu” 小 (bính âm: xiǎo), nên phải viết “tài xỉu”.
86-“triết: khúc triết. không viết: chiết”.
Viết “chiết” mới đúng. Vì “chiết” 折 nghĩa là cong, “khúc chiết” 曲折 là quanh co. Hoàng Phê (Vietlex): “khúc chiết 曲折 t. 1 [cũ, id] quanh co, không thẳng. lựa lời khúc chiết để chối quanh. 2 [cách diễn đạt] có từng đoạn, từng ý, rành mạch và gãy gọn. lời văn khúc chiết”.[K].
87-“trung: “triết trung chủ nghĩa”.
Viết đúng là “chiếttrung chủ nghĩa”.
-Hán ngữ đại từ điển: “chiết trung: 3. chỉ dung hòa sự bất đồng ý kiến hoặc tranh chấp.” [折中: 3. 指調和不同意見或爭執].
-Hoàng Phê (Vietlex): “chiết trung • 折中 đg. [id] [phương pháp nghiên cứu hoặc giải quyết vấn đề] dung hòa, thường là một cách khiên cưỡng, các ý kiến khác nhau cho gọi là vừa phải. một ý kiến có tính chất chiết trung.”; “chiết trung chủ nghĩa 折中主義 t.có xu hướng, có tính chất chiết trung”.[K].
88-“trung: lang chung”.
Viết chuẩn là “lang trung” 郎中 (thầy thuốc, lương y; tên một chức quan; Không rõ vì sao mục “trung” lại thu thập “lang chung”?).[K].
89-“trưởng: trưởng bạ. không viết: chưởng”.
Viết “chưởng” mới đúng. Vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; “chưởng ấn” 掌印 = người giữ ấn tín. Hoàng Phê (Vietlex): “chưởng bạ 掌簿 d. [cũ] nhân viên trông coi sổ sách về ruộng đất của chính quyền ở làng xã thời trước. “Giấy má làm theo kiểu văn tự bán đất có chữ ký, có triện của lý trưởng chưởng bạ.” (Tô Hoài).[K].
90-“xa: xa trường. không viết: sa”.
Viết “sa” mới đúng. Vì “sa trường” 沙場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “sa trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường. Hoàng Phê (Vietlex): “sa trường • 沙場 d. [cũ] chiến trường. bỏ thân ngoài sa trường ~ người thì ở lại, kẻ đi sa trường”. [K].
91-“xa: kiêu xa. không viết: sa”.
Viết “sa” không sai. Vì ngoài “kiêu xa • 驕奢 t.[cũ, id] kiêu căng và xa xỉ. quen thói kiêu xa.”, còn có “kiêu sa • t.[người phụ nữ] đẹp một cách sang trọng và tỏ ra kiêu hãnh. vẻ đẹp kiêu sa.” (Hoàng Phê – Vietlex).
92-“xuất: khinh xuất. không viết: suất”.
Viết “suất” mới đúng (ghép đẳng lập): “khinh” 輕 = xem nhẹ; “suất” 率 = hấp tấp, không thận trọng:
-Hán ngữ đại từ điển: “khinh suất: nói năng hành động tùy tiện; không thận trọng, không nghiêm túc.” [輕率: 言行隨便; 不慎重, 不嚴肅].
-Hoàng Phê (Vietlex): “khinh suất • 輕率 t. thiếu thận trọng, không chú ý đầy đủ, do coi thường. còn lo ngại nên không dám khinh suất.” [K].
93-“xuất: thống xuất. không viết: suất”.
Viết “suất” mới đúng. Vì “suất” 率 có nghĩa là dẫn đầu, chỉ huy. Từ điển Hoàng Phê(Vietlex):“thống suất 統率 đg. [cũ] chỉ huy, đốc suất toàn quân đội”.[K].
94-“xuyên: xuyên giáp sơn”.
Chỉ có xuyên sơn giáp 穿山甲(tên chữ của con trút, tê tê), không có “xuyên giáp sơn”.[K].
95-“xứ: xứ bộ. không viết: sứ”.
Viết “sứ” mới đúng. Hoàng Phê (Vietlex): “sứ bộ 使部 d. [cũ] phái đoàn đi sứ thời phong kiến”). Nếu “xứ bộ” mang một nghĩa nào khác (kiểu như “xứ ủy”), thì phải có chỉ dẫn cụ thể để không nhầm với “sứ bộ” 使部. [K].
Như vậy, GS.TS Nguyễn Văn Khang đã bỏ qua bước tra cứu tài liệu, đưa ra chuẩn chính tả theo cảm tính, dẫn đến hàng loạt sai sót về từ và yếu tố Hán Việt. Những sai sót này đã có trong Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (xuất bản 2003), sau đó tiếp tục bê nguyên xi sai sót đó sang cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (2018).