Từ điện gió đến LNG và điện hạt nhân: PTSC thiết lập 3 trụ cột chiến lược
PTSC đặt mục tiêu chinh phục 3 trụ cột chiến lược: điện gió ngoài khơi, điện khí LNG và điện hạt nhân, hướng tới vai trò đầu tàu công nghiệp năng lượng Việt Nam.
Ghi dấu ấn với nhiều dự án trọng điểm
Trong 7 tháng đầu năm, vượt qua nhiều khó khăn tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực cơ khí dầu khí và dịch vụ kỹ thuật năng lượng. Theo báo cáo sơ kết, tổng doanh thu của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trong 7 tháng đầu năm 2025 đạt 100,7% kế hoạch quản trị, tương đương 50% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 129% so với kế hoạch 7 tháng, tương đương khoảng 65% kế hoạch cả năm. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh một số lĩnh vực năng lượng đang chịu ảnh hưởng bởi những biến động về chính sách đầu tư và tiến độ triển khai các dự án.

PTSC hoàn tất chế tạo và bàn giao toàn bộ 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho đối tác quốc tế mở đường cho việc làm chủ công nghệ, vươn tầm quốc tế của Petrovietnam - Ảnh: Petrovietnam
Đà tăng trưởng được duy trì nhờ sự tập trung cao độ vào các lĩnh vực thế mạnh, đặc biệt là cơ khí dầu khí, chế tạo thiết bị ngoài khơi và dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Việc triển khai đồng thời nhiều dự án lớn với tiến độ đảm bảo và chất lượng vượt yêu cầu là yếu tố then chốt giúp PTSC khẳng định uy tín với khách hàng và đối tác.
Trong lĩnh vực cơ khí dầu khí, các công trình trọng điểm như FSO mỏ Lạc Đà Vàng, FSO Lô B và dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Đây đều là những dự án quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng trong chuỗi phát triển mỏ và hệ thống hạ tầng năng lượng quốc gia.
Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, PTSC đã hoàn tất chế tạo và bàn giao toàn bộ 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho đối tác quốc tế, đồng thời tiếp tục triển khai các trạm biến áp ngoài khơi cho dự án Hai Long và các giàn OSS xuất khẩu sang châu Âu. Những dự án này không chỉ góp phần đưa thương hiệu cơ khí dầu khí Việt Nam ra thị trường quốc tế, mà còn thể hiện năng lực làm chủ công nghệ chế tạo công trình biển.
Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên của PTSC cũng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và hóa dầu, với nhiều hợp đồng bảo trì, chế tạo, lắp đặt được ký kết với các khách hàng trong nước và khu vực Trung Đông. Các dự án như Long Phú 1, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn hay các hợp đồng quốc tế của POS, PPS và PTSC M&C đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận toàn Tổng công ty.

Các đơn vị thành viên của PTSC cũng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và hóa dầu - Ảnh: Petrovietnam
Việc đồng loạt triển khai và bàn giao loạt dự án quan trọng cho thấy năng lực tổ chức thi công, điều phối nguồn lực và làm chủ công nghệ của PTSC ngày càng được củng cố, tạo nền tảng vững chắc để Tổng công ty bứt phá trong giai đoạn còn lại của năm 2025.
Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, PTSC đang đẩy mạnh đầu tư vào các hạng mục chiến lược nhằm chủ động về hạ tầng thi công và mở rộng năng lực cung ứng dịch vụ. Đáng chú ý, PTSC đang xúc tiến đầu tư hệ thống cẩu Goliath 1.200 tấn - thiết bị then chốt phục vụ chế tạo các cấu kiện siêu trường, siêu trọng cho công trình biển và điện gió ngoài khơi. Đây được xem là bước đi chiến lược giúp Tổng công ty từng bước làm chủ toàn bộ chuỗi thi công ngoài khơi, giảm phụ thuộc vào năng lực thuê từ nước ngoài.
Ngoài ra, PTSC đang tiếp tục triển khai mở rộng Khu dịch vụ cơ khí Dung Quất, đầu tư mua sắm tàu dịch vụ, hệ thống thiết bị cơ khí tự động hóa cho các dây chuyền tiền chế tạo. Các hạng mục này không chỉ đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án hiện tại, mà còn tạo nền tảng để Tổng công ty tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, điện khí và công nghiệp nặng.
Hiện thực 3 trụ cột phát triển bằng phương thức…tiên phong
Mới đây, lãnh đạo Petrovietnam đã có buổi làm việc với Đảng bộ PTSC về định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Tại buổi làm việc này, ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh, ba trụ cột phát triển mà PTSC đang đề ra gồm dầu khí - LNG, năng lượng tái tạo ngoài khơi và điện hạt nhân, cần được cụ thể hóa bằng ba nhóm giải pháp: củng cố, thống lĩnh và tiên phong.
Trên nền tảng ba trụ cột chiến lược mà PTSC đang theo đuổi, ôngLê Ngọc Sơn đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu củng cố năng lực cốt lõi, lấy dịch vụ cơ khí chế tạo làm trung tâm. Đồng thời, đồng chí đề nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng dịch vụ hiện hữu, phát triển hạ tầng phục vụ thi công, vận hành và bảo dưỡng cho các dự án điện gió ngoài khơi, cũng như đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp năng lượng tại các vùng trọng điểm.

Phát triển năng lượng tái tạo đang là một trong 3 trụ cột chiến lược của PTSC - Ảnh: Petrovietnam
Cùng với đó, PTSC được định hướng xác lập vị thế trụ cột, dẫn dắt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi - mũi nhọn chiến lược của giai đoạn tới; tiếp tục nâng cao năng lực thi công; bám sát các quy hoạch điện; chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nước; tận dụng tốt lợi thế mở rộng hoạt động dịch vụ sang lĩnh vực LNG, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư kho cảng và hạ tầng đang tăng mạnh.
Ở tầm nhìn xa hơn, đồng chí Lê Ngọc Sơn cho rằng, PTSC cần tiên phong chuyển đổi từ mô hình nhà thầu dịch vụ sang nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu.
Đối với điện hạt nhân, Tổng Giám đốc Petrovietnam nhận định PTSC có thể đảm nhận các hạng mục kỹ thuật phụ trợ, là lĩnh vực mà đơn vị có năng lực vượt trội. Bên cạnh đó, cần chủ động kết nối và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị mới như CCS/CCUS, hydro xanh, từ đó mở rộng hệ sinh thái dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững và đón đầu xu thế năng lượng tương lai.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng chính những thành quả mà PTST tạo ra thời gian qua lại tạo ra áp lực lớn cho giai đoạn sắp tới. Do đó, cần biến áp lực thành động lực – không chỉ ở cấp Tập đoàn mà tại từng đơn vị thành viên. Tinh thần xuyên suốt phải là chủ động và tự lực, thay vì trông chờ vào cơ chế hay nguồn lực hỗ trợ.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, ông Lê Mạnh Hùng xác định 6 nhóm nhiệm vụ chiến lược mà PTSC cần ưu tiên triển khai, bao gồm: phát triển các dịch vụ kỹ thuật phục vụ năng lượng mới; xây dựng năng lực tổng thầu ở tầm hàng đầu khu vực; đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp; hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu – phát triển; và tái cấu trúc, tích hợp toàn diện hệ sinh thái dịch vụ.
Với những bước đi bài bản, PTSC đang “tự thiết kế” cho mình một lộ trình phát triển độc lập, chủ động, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây không chỉ là thành quả của một doanh nghiệp, mà là sự khẳng định mạnh mẽ cho thương hiệu cơ khí dầu khí Việt Nam, có thể làm chủ, có thể vươn xa…