Từ DIFF, nghĩ về một 'hệ sinh thái pháo hoa' đầy tiềm năng cho Đà Nẵng
Đã đến lúc Đà Nẵng cần nghĩ đến một 'hệ sinh thái pháo hoa', để Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- DIFF không chỉ là những màn trình diễn của ánh sáng ngắn ngủi trong hai tháng hè, mà còn mở ra cơ hội phát triển lâu dài về kinh tế xã hội cho thành phố bên sông Hàn.
DIFF gây tiếc nuối vì chỉ có thể giúp Đà Nẵng tỏa sáng vào mùa hè
Dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng tấp nập khách đặt trước cả tháng, trước khi diễn ra DIFF. Đây là bức tranh du lịch tích cực phổ biến, kể từ sau năm 2017, khi tập đoàn Sun Group đồng hành đưa cuộc thi pháo hoa DIFC 3 năm tổ chức một lần thành Lễ hội Pháo hoa Quốc tế thường niên- DIFF với quy mô hoành tráng kéo dài trong hai tháng, với 5 buổi trình diễn mỗi kỳ lễ hội. Rất nhiều dịch vụ du lịch giải trí, lưu trú, ẩm thực… được “ăn theo”, khi DIFF trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của cả du khách trong và ngoài nước. Nhưng, thị trường sôi động đó diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi, mang đến nhiều tiếc nuối cho cả các doanh nghiệp du lịch, hộ kinh doanh nhỏ lẻ lẫn người dân Đà Nẵng.
“Sau mỗi dịp Lễ hội pháo hoa, khu vực khán đài được dựng rất đẹp và hoành tráng lại tháo dỡ, bỏ lại một khoảng đất trống. Đó thực sự là một điều rất đáng tiếc. Việc kinh doanh của chúng tôi mỗi mùa hè hầu như chỉ dựa vào pháo hoa, để có thể gia tăng khách” – anh Nguyễn Văn Hà – chủ một nhà hàng bên bờ Đông sông Hàn, TP Đà Nẵng cho biết.
11 lần diễn ra Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) cũng là 11 lần thành phố biển Đà Nẵng trở thành tâm điểm du lịch giải trí đối với cả du khách trong nước và quốc tế. Nhưng, cũng giống như ánh hào quang ngắn ngủi của pháo hoa trên bầu trời, Đà Nẵng dường như chỉ thực sự tỏa sáng trong vài tuần của mùa hè. Sức cuốn hút của DIFF sau đó chỉ là dư âm, chứ chưa thể là một hiện hữu quanh năm để nhiều dịch vụ du lịch giải trí, thậm chí là bất động sản, nghỉ dưỡng dựa vào đó để phát triển.
Chị Nguyễn Thúy (Hải Châu – Đà Nẵng) chia sẻ: “Nếu có thể có một khán đài cố định được xây dựng đẹp mắt, gắn liền với quảng trường rộng rãi không chỉ tổ chức DIFF, mà còn tổ chức nhiều sự kiện lễ hội, âm nhạc quốc tế quy mô lớn quanh năm, thì tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội để kéo theo sự phát triển của nhiều tiện ích dịch vụ đi kèm như khách sạn, nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm…, Như vậy, du lịch Đà Nẵng sẽ không chỉ sôi động vào mỗi tuần DIFF trong tháng hè”.
Mở khóa “hệ sinh thái pháo hoa” bằng cơ sở vật chất
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng có thể được xem là điều kiện tiên quyết và tối thượng để một địa phương có thể trở thành điểm đến du lịch yêu thích của du khách cả trong nước và quốc tế. Tại Hà Nội, sân vận động (SVĐ) quốc gia Mỹ Đình được đầu tư quy mô vào năm 2023 là địa điểm tổ chức hầu hết các sự kiện thể thao, văn hóa, giải trí tầm cỡ tại Việt Nam. Ngoài phục vụ thể thao, SVĐ Mỹ Đình cũng chật kín 40.000 chỗ ngồi tại các sự kiện âm nhạc, giải trí quy mô lớn như Music Bank World, Kpop Concert, Asian Music Awards, hay tới đây là show diễn của ban nhạc Kpop đình đám Black Pink.
Từ Hà Nội quy chiếu về lễ hội DIFF tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng quy mô với khán đài cố định, quảng trường lớn là điều cần thiết. Theo đó lễ hội pháo hoa có thể được tổ chức kéo dài, thậm chí nhiều lần trong năm là điều hoàn toàn khả thi. Việc đầu tư cơ sở vật chất chất lượng cao không chỉ nâng tầm vị thế của Lễ hội pháo hoa quốc tế, mà còn có thể thành sân khấu của những đại nhạc hội tầm cỡ quốc tế, biến Đà Nẵng thành điểm đến của cả 4 mùa.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Tôi khẳng định rằng với kinh nghiệm tổ chức của thành phố, sự đầu tư của các doanh nghiệp, và sự hỗ trợ của các ban ngành, thì Đà Nẵng sẽ đáp ứng được các cơ sở hạ tầng với một yêu cầu về không gian đủ lớn”.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho DIFF rõ ràng không đơn thuần là “chuyện riêng” của lễ hội pháo hoa, mà nó sẽ kéo theo cơ hội phát triển cho nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm như lưu trú, vui chơi giải trí, ẩm thực…
Bà Nadia Shakira Wong, Giám đốc Công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000, nhà sản xuất sự kiện DIFF 2023 nhấn mạnh rằng pháo hoa là thỏi nam châm hút khách của ngành công nghiệp du lịch: “Trẻ con rất thích thú với pháo hoa. Khi trẻ con muốn đi xem pháo hoa thì bố mẹ và gia đình sẽ đi xem cùng, và gia đình cũng sẽ rủ thêm những gia đình khác để cùng đi.”
Bà cũng đánh giá rằng Đà Nẵng hoàn toàn có tiềm năng để trở thành thủ phủ pháo hoa dẫn đầu toàn thế giới nếu đáp ứng đủ 3 tiêu chí: hạ tầng, con người và cải tiến về công nghệ. “Việc xây dựng một hạ tầng đồng bộ cho lễ hội pháo hoa rất quan trọng. Nếu có thêm những nơi cho khách du lịch mua sắm, giải trí... thì du khách sẽ dành nhiều thời gian tại Đà Nẵng hơn”, bà Nadia nhận định.
Từ cơ sở hạ tầng của DIFF, hoàn toàn có thể tạo thành một hệ sinh thái du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, bất động sản, thậm chí có thể hình thành một “tiểu thành phố” vệ tinh mới cho thành phố Đà Nẵng nếu được đầu tư lớn và xứng tầm. Nếu làm được điều này, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có “hệ sinh thái pháo hoa”, thực sự khẳng định là điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á.
Phải chăng, đã đến lúc Đà Nẵng cần nghĩ đến một “hệ sinh thái pháo hoa”, để DIFF không chỉ là những màn trình diễn của ánh sáng trong khoảnh khắc, mà còn mở ra cơ hội phát triển lâu dài, rộng mở cho tất cả các ngành dịch vụ, đầu tư theo sau?