Tự do… áp đặt

Mấy hôm nay, tổ chức khủng bố Việt Tân cùng bè lũ phản động, chống phá ở hải ngoại hớn hở ra mặt, liên tiếp đăng tải trên fanpage thông tin 'Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo'. Vẫn biết thân phận ăn nhờ ở đậu, độ nhật bằng các hành vi chống phá quê hương thì mỗi thông tin dạng này là miếng mồi ngon mà chúng luôn chầu chực chờ đợi, tuy nhiên với não trạng, nhận thức ấu trĩ đến mức không hiểu biết gì về sự thật khách quan ở Việt Nam, nhắm mắt nói bừa, đổi trắng thay đen đến mức này thì chả trách bản chất, bộ mặt thật phản dân hại nước hèn hạ của chúng ngày càng lộ rõ, bị cộng đồng coi thường, lên án…

Đồng chí Vũ Hoài Bắc- Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn

Mới đây, trang facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải bài viết “Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo” của tác giả Hồng Hà, trong đó có nội dung: “Trong thông cáo ngày 02 Tháng Mười Hai, 2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List). Hoa Kỳ khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu…”; “Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập. Gần đây nhất, ông Phan Văn Thu, tù nhân tôn giáo, người sáng lập Đàn Đại Đạo - một tổ chức Phật giáo độc lập được công nhận trước năm 1975 - vừa qua đời trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, được cho là do một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Năm 2022 có thể thấy nổi bật nhất là việc Việt Nam bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai - một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An...”. Cùng ngày, thông tin này đã được Đài Á châu Tự do (RFA), VOA Tiếng Việt, Chân trời mới media, BBC Tiếng việt… đăng tải trên các trang fanpage cùng các lời bình luận xuyên tạc trắng trợn về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với khoảng 1/4 số dân theo các tôn giáo. Tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều hướng thiện, chung sống hòa bình, không có xung đột đức tin và chiến tranh tôn giáo. Người Việt Nam được tự do lựa chọn theo hoặc không theo tôn giáo và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị tôn giáo. Ngay trong Bản Hiến pháp đầu tiên, năm 1946 của nước ta, tại Điều 10, ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”; Hiến pháp năm 2013 (Điều 24), đã công nhận: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…”, những điều khoản đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Một số bộ luật quan trọng của Việt Nam: Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 116); Luật Tổ chức chính phủ 2015 (Điều 17); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; Bộ luật Giáo dục 2019 (Điều 13, 20) đều ghi rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, mọi tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam có mặt 16 tôn giáo. Các cá nhân và tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo đều tăng hàng năm. Ngoài các tổ chức của Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin lành, Cao đài..., hàng trăm chi hội và điểm nhóm của đạo Tin lành đã được cấp đăng ký hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo với 26.689.748 tín đồ, trong đó có 57.716 chức sắc; 130.167 chức việc. Hầu hết các tôn giáo đều có các ấn phẩm như báo, tạp chí, trang thông tin điện tử để hoạt động.

Luận điệu xuyên tạc, chống phá của các phần tử phản động.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Công giáo có trên 131.000 tín đồ, chiếm trên 10% dân số; trong đó có 58 linh mục thường trú và làm mục vụ; gần 1.100 chức việc; có 41 giáo xứ thuộc hai giáo phận Hưng Hóa và Bắc Ninh; 123 nhà thờ, nhà nguyện. Đạo Phật có trên 92.700 phật tử, 167 tăng, ni chiếm 7,13% dân số sinh hoạt tôn giáo tại 324 chùa. Những năm qua, các tín đồ tôn giáo trong tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, đoàn thể phát động, thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới phồn thịnh.

Như nhiều lần Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước ta đã khẳng định, sự thật rõ ràng là Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Tất nhiên, cũng như các quốc gia tiến bộ, văn minh trên thế giới, để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, cộng đồng thì những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Đối tượng Phan Văn Thu và tổ chức “Tịnh thất Bồng lai” mà các tổ chức phản động, chống phá nhắc đến như “dẫn chứng” cho việc “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo” thực chất đều là những tội phạm đã được xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội. Năm 2013, Phan Văn Thu (đã qua đời trong trại giam) đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án chung thân với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Mới đây, ngày 22/1/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An mở lại phiên phúc thẩm xét xử vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đối với bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) và nhóm người từng ở tại nơi tự xưng “tịnh thất Bồng Lai” hay “thiền am bên bờ vũ trụ”. Tòa Phúc thẩm đã tuyên y án: Bị cáo Lê Tùng Vân bị phạt 5 năm tù, các bị cáo còn lại nhận án 3-4 năm với tội danh nêu trên.

Vấn đề dân chủ, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật cũng như phù hợp điều kiện phát triển kinh tế và lịch sử truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Và hơn hết, không bao giờ có kiểu tự do… áp đặt, lấy khuôn mẫu, ý chí độc đoán của quốc gia này “làm chuẩn” để có quyền chỉ trích, phán xét quốc gia độc lập, có chủ quyền khác. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các quốc gia khác về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ ngoại giao bình đẳng chứ không bao giờ có chuyện bị khuất phục, áp đặt theo ý đồ chủ quan của bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ hay tổ chức nào…

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/tu--ap-dat/189296.htm