'Tự do' - Cùng Osho khám phá điều kỳ diệu của tự do

Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn kêu đòi tự do, luôn đấu tranh vì tự do. Nhưng tự do thật sự là gì? Chúng ta có thực sự tự do như mình vẫn nghĩ? Tất cả sẽ được giải đáp trong cuốn sách 'Tự do – Như chim tung cánh' của 'bậc thầy tâm linh' Osho.

Chúng ta bị nhào nặn để quên đi tự do

Nói về tự do, hẳn có không ít người cho rằng tự do là được làm điều mình muốn, sống theo cách mình muốn. Số khác thì định nghĩa tự do bằng việc hành động vượt khỏi những khuôn khổ của xã hội. Nhưng với “bậc thầy tâm linh” Osho, tất thảy những điều ấy không phải là tự do đích thực. Mong muốn “thoát khỏi” điều gì, hay “làm bất cứ điều gì mình muốn” chỉ là các dạng thức khác của nô lệ, bởi vì chúng vẫn bị điều khiển bởi các mong muốn, khao khát và tâm trí hỗn loạn. Trong cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” do First News – Trí Việt vừa ấn hành, Osho sẽ cùng bạn đọc khám phá ba chiều kích của tự do và những bước cần thiết để đi đến sự tự do đích thực.

Theo đó, chiều kích đầu tiên của tự do là về thể chất, tức là giải phóng con người khỏi những áp bức cụ thể như chế độ nô lệ, phân biệt giới tính, bất công xã hội… Osho cho rằng tự do thể chất nghĩa là “không có sự phân biệt giữa da trắng và da đen, không có sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, không có bất kỳ sự phân biệt nào liên quan đến cơ thể. Không ai trong sạch, không ai uế tạp; mọi cơ thể đều như nhau”. Đây cũng chính là nền tảng của tự do. Tuy nhiên, sự tự do về thể chất vẫn chưa đủ, để bước lên những tầm cao hơn, chúng ta cần có sự tự do tinh thần và tự do tâm linh.

Tự do tinh thần, theo Osho, là sự giải phóng khỏi các khuôn mẫu tư duy, các định kiến và niềm tin bị áp đặt từ nhỏ. Ông cho rằng xã hội mà chúng ta đang sống là “một sản phầm nhân tạo” – nơi mỗi cá nhân ngay từ khi sinh ra đã bị nhào nặn để tuân theo và phục tùng. Chúng ta được gắn liền với những từ ngữ như “xã hội”, “quốc gia”, “tôn giáo”... Chúng ta đã quen với những guồng máy tổ chức, cũng quen với luật pháp và cảnh sát. Để được tự do tinh thần, như Osho chỉ ra, ta phải vứt bỏ hết thảy những điều ấy, phải bỏ đi những niềm tin đã được gieo vào đầu, phải từ chối những chân lý từng được dạy để tự mình khám phá ra sự thật.

Hãy tự do như chim tung cánh

Nếu quan sát kỹ, không khó để thấy rằng dù đã phát triển hàng ngàn năm nhưng con người vẫn đang sống trong xiềng xích của chế độ nô lệ. Chúng ta tự ràng buộc mình vào những thứ hữu hình như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc cho đến những thứ vô hình như tình yêu, xã hội… Và điều đáng buồn là chúng ta tin rằng những xiềng xích ấy là trang sức, thậm chí vui mừng vì đã có nhiều “trang sức”.

Trong “Tự do – như chim tung cánh”, Osho dẫn dắt người đọc vào thế giới của thiền, không phải như một nghi thức tôn giáo hay một bài tập tâm lý, mà là một cách để trở về với bản chất thuần khiết của chính mình. Điều ấy được ông lồng ghép qua những hình tượng như lạc đà, sư tử và đứa trẻ; hoặc những mẩu chuyện, cuộc đối thoại ngắn...

Chính sự giản dị trong cách tiếp cận này khiến triết lý của Osho trở nên gần gũi nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Tuy nhiên, những quan niệm khác biệt của Osho cũng nhận về những phản hồi trái chiều. Có người cho rằng ông quá nhấn mạnh vào tính cá nhân mà xem nhẹ cộng đồng, và việc tìm kiếm sự tự do nội tại có thể khiến con người thờ ơ với các vấn đề xã hội. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy rằng Osho không phủ nhận tầm quan trọng của cộng đồng, thay vào đó, ông khẳng định rằng một xã hội tự do thực sự chỉ có thể tồn tại khi từng cá nhân trong đó đã vượt qua được sự nô lệ. Đây là một nhận định không chỉ đúng với thời đại của ông mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh hiện tại, khi con người ngày càng lạc lối trong guồng quay xã hội và đánh mất chính mình.

Với giọng văn sắc bén và đầy tính khai mở, “Tự do – như chim tung cánh” không chỉ dựng nên một bức tranh đầy triết lý về sự tự do mà còn dẫn dắt chúng ta bước vào cuộc hành trình khai phá bản chất thật sự của mình. Như lời Osho đã nhắn nhủ: “Tự do là trải nghiệm tối thượng của cuộc sống. Không có gì cao hơn tự do. Và từ tự do, nhiều bông hoa sẽ nở rộ bên trong bạn. Tình yêu nở rộ từ tự do của bạn. Lòng trắc ẩn cũng nở rộ từ tự do của bạn. Tất cả những gì có giá trị trong cuộc sống đều nở rộ trong trạng thái hiện hữu hồn nhiên, tự nhiên của bạn”.

First News - Trí Việt

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/tu-do-cung-osho-kham-pha-dieu-ky-dieu-cua-tu-do-post1142665.vov