Tự do là nền tảng hướng con người khát khao cống hiến
Bàn tròn 'Làm gì để phát huy vai trò của trí thức Việt Nam?' kỳ này là ý kiến của hai khách mời lĩnh vực giáo dục: Kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn là một gương mặt hoạt động xã hội xông xáo, tham gia sáng lập Tủ Sách Nhân Ái và mạng lưới Ngôi Nhà Trí Tuệ; và TS. Bùi Trân Phượng là cựu hiệu trưởng Đại học Hoa Sen.
Kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn:
Từ thôi thúc nội tâm đến hành động
Kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn là một gương mặt hoạt động xã hội xông xáo, tham gia sáng lập Tủ Sách Nhân Ái và mạng lưới Ngôi Nhà Trí Tuệ. Đây là hai mô hình hướng đến mục tiêu bồi đắp tri thức cộng đồng. Cuộc sống vẫn có những khoảng không gian mà cánh tay Nhà nước không thể vươn tới, còn thị trường không có động cơ để vươn tới.
Chia sẻ với Người Đô Thị về hai mươi năm hoạt động xã hội, ông Tuấn nói về những thôi thúc nội tâm ban đầu và ước muốn gieo mầm tri thức cho thế hệ đàn em. Ông nói:
Từ những ngày đầu tốt nghiệp đại học, trở về nhà, điều tôi thôi thúc tôi là làm sao giúp cho những đứa trẻ trong làng, trong xóm mình có cơ hội học lên cao hơn, không bỏ học, được đọc nhiều sách hay. Bởi sách, tri thức là nền tảng cho các em nắm bắt cơ hội phát triển.
Chặng khởi đầu dường như khá lặng lẽ, trong phạm vi dòng họ. Từ khi bắt đầu đi làm cách nay hơn 20 năm, tôi đã hình thành thói quen trích ra một phần lương hằng tháng lập quỹ khuyến học thường niên, định mức phần thưởng theo thành tích học tập. Học vấn là lối thoát của phần lớn trẻ em nông thôn. Ngoài nhà trường, trình độ còn được quyết định bởi năng lực tự học. Khuyến đọc bằng cách tặng sách, thường là những cuốn mà tôi đã nghiền ngẫm, tâm đắc.
“Thường” là bởi vì tôi không “tiêu hóa” được mảng sách thiếu nhi, kể cả những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển. Suốt thời thơ ấu, hầu như tôi không có điều kiện tiếp cận với tri thức ngoài sách giáo khoa. Sau nhiều năm, đời sống vật chất có bớt chật vật hơn nhưng về cơ bản, nông thôn vẫn khát sách như thuở nào.
Từ việc làm sơ khởi, tôi mở rộng hơn với những cuốn sách tặng thầy cô giáo cũ. Như viên đá dò đường, tôi nhận được phản hồi tích cực. Giáo viên thay đổi, học trò hưởng lợi. Cũng nhờ nhiều người đứng trên bục giảng tha thiết ủng hộ, tiếp lửa cho tôi triển khai ý tưởng nung nấu đưa sách vào trường học. Dù nguồn lực cá nhân giới hạn, nhưng rồi Chương trình Tủ sách Nhân ái cũng ra đời. Hoạt động nhân ái cần thêm những cánh tay tiếp sức.
Tôi chọn cách khuyến học, khuyến đọc với ước muốn góp phần giải quyết bài toán phát triển trong dài hạn, chuẩn bị thế hệ tương lai.
Tôi đúc kết nếu quy mô hoạt động nhân ái mà tăng lên thì hoạt động từ thiện chắc chắn sẽ được thu hẹp lại. Trong xã hội có chỗ này chỗ kia chưa phân biệt được hai khái niệm. Từ thiện giống như biếu người nghèo con cá, tức là ở cấp độ đơn giản nhất. Nhân ái thì sâu hơn nhiều, không chỉ tặng cái cần câu, hướng dẫn người ta cách câu cá, khơi gợi cho họ lòng ham mê muốn đi câu cá mà quan trọng nhất tạo động lực cho họ vươn lên trở thành một nhà nhân ái, trở lại đáp đền tiếp nối. Chu trình được lặp lại liên tục.
Tôi chọn cách khuyến học, khuyến đọc với ước muốn góp phần giải quyết bài toán phát triển trong dài hạn, chuẩn bị thế hệ tương lai. Hơn 3 năm hoạt động, chương trình đã huy động và trao tặng hơn 40 vạn cuốn sách. Từ mục tiêu ban đầu là nhà trường, Tủ Sách Nhân Ái còn đưa sách đến thư viện cộng đồng, nhà thờ, nhà chùa, nhà thương, nhà tù tại 53/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hoạt động của anh có gặp những trở ngại nào không? Ví dụ như sự kỳ thị của cán bộ chính quyền, hay quan niệm trong xã hội?
Cũng có đấy, tôi nhận thấy những điều tôi mong muốn 10 phần, thì mới chỉ làm được 6 phần. Cản ngại thứ nhất là niềm tin xã hội. Quá trình dài hơi đổ vỡ giá trị khiến niềm tin đòi hỏi thời gian thử thách. Theo thời gian, nhu cầu thực tế từ học sinh, giáo viên lớn dần.
Tác động tích cực từ dưới lên tạo ra chuyển biến ở cấp chính quyền địa phương. Nhưng tôi quan sát thấy, từ cú hích ban đầu của Tủ sách nhân ái, hay Ngôi nhà trí tuệ có tác dụng lan tỏa. Nhiều em học sinh đã chủ động tìm tòi sách vở, mở mang kiến thức của mình.
Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những nghi ngại. Một trong những trục trặc của “đúng quy trình” là cơ quan quản lý Nhà nước vận hành theo quán tính, lúng túng với không gian ngoài quy trình, tiềm ẩn rủi ro quy đổi trách nhiệm.
Rào cản sau cùng xuất phát từ bên trong. Số đông vẫn chưa chấp nhận hoạt động nhân ái là một cái nghề. Dù Tủ Sách Nhân Ái đã trở thành doanh nghiệp xã hội nhưng những anh chị em thành viên chủ chốt cũng như nhiều tình nguyện viện trong Tủ Sách Nhân Ái và Ngôi Nhà Trí Tuệ vẫn đóng góp rất nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc để duy trì và phát triển chương trình mà không hề nhận thù lao.
Nhiều người điều kiện kinh tế khá thì không sao nhưng một số bạn còn đó chuyện mưu sinh sẽ khá vất vả. Tuy nhiên, nhiều bạn đều nghĩ, nhận thù lao, hình ảnh những nhà hoạt động nhân ái có thể lập tức trở nên méo mó.
Anh Tuấn xác nhận có vài thành viên nhiều lúc cân phân trước quyết định rút khỏi vị trí điều hành doanh nghiệp, chấp nhận hy sinh thu nhập đáng kể nhằm toàn tâm toàn ý cho hoạt động xã hội. Nhưng thực tại, họ vẫn tiếp tục hoạt động nhân ái “ngoài giờ”.
TS. Bùi Trân Phượng:
Một nền giáo dục tốt là biết nuôi dưỡng và củng cố khát vọng tự do của con người
Để diễn giải danh từ “trí thức”, nên hiểu là những người có tư duy, suy nghĩ vì lợi ích tích cực của số đông trong xã hội. Đồng thời, họ còn là những người có đạo đức.
Phẩm hạnh giúp họ miễn dịch trước những cám dỗ tiêu cực, giữ gìn sự minh triết. Những người như vậy chưa chắc đã thuộc tầng lớp tinh hoa được “vua biết mặt chúa biết tên”. Thậm chí lĩnh vực hiểu biết của họ có thể còn hạn hẹp.
Trình độ không quyết định thái độ “làm người”. Ngoài nhu cầu sinh tồn, con người còn thực hành, chia sẻ những tư duy, giá trị có tính phổ quát hoặc bảo vệ những giá trị phổ quát đã được thừa nhận nhưng đang chao đảo trước thách thức từ cuộc sống, qua đó ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng chung quanh. Những người như vậy không đáng cảm phục sao? Không đáng noi theo sao?
Tất nhiên, giáo dục là điều kiện cần đối với việc hình thành “những người có ích cho xã hội”. Môi trường giáo dục tác động đến con người trong chừng mực nhất định, nhưng nếu nói con người là sản phẩm của chỉ mỗi nó thì không đúng.
Một nhận thức phiến diện khá phổ biến tập trung vào vai trò của nhà trường, bỏ qua những mảnh ghép quan trọng khác hình thành môi trường giáo dục.
Có trước và lâu dài hơn là giáo dục gia đình, nơi đứa trẻ sinh ra, lớn lên và có khi ngay cả môi trường học tập ở đâu cũng do cha mẹ quyết định. Tiếp đến là giáo dục xã hội cũng ít được chú ý. Con người lớn lên trong xã hội Việt Nam khác với Myanmar, Hongkong, Anh, Pháp… Nhưng con người không chỉ là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, mà còn là chính nó nhờ mảnh ghép cuối cùng: năng lực tự giáo dục.
Tôi xác tín rằng con người từ thời cổ đại đã có hai thuộc tính cá biệt và tự do, môi trường giáo dục không thể đúc khuôn bởi con người không phải miếng bọt biển, thẩm thấu mọi thứ từ môi trường chung quanh. Tiếp nhận, dung nạp thế nào là nhu cầu tự thân. Và một nền giáo dục tốt là biết nuôi dưỡng và củng cố khát vọng tự do của con người.
NĐT
>> Trương Trọng Nghĩa: Dòng sông và bờ bên kia
>> Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới
>> TS. Vũ Duy Thức: Ấn tượng trí tuệ Việt ở thung lũng silicon
>> Trò chuyện với người được Google “tam cố thảo lư”
>> Dương Ngọc Thái: Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley
>> Đặng Văn Lâm và niềm hạnh phúc lặng lẽ
>> Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều): “Giữ mình tự do làm điều mong muốn”
>> GS.TS Nguyễn Vân Nam: Chọn đường “không trải hoa hồng”