Tự động kiểm soát, ngăn chặn mua bán hóa đơn
Việc xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) sau mỗi lần bán lẻ xăng dầu thời gian qua đã được các cơ sở kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn tỉnh chấp hành, góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN); đồng thời tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ xảy ra tình trạng 'lách luật' mua bán hóa đơn, gây hệ lụy khôn lường.
Quan sát tại một số cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều người tiêu dùng mua xăng dầu không quan tâm đến nhận hóa đơn sau mỗi lần mua. Trong đó có không ít chủ phương tiện ô tô mua nhiên liệu trị giá vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng cũng chỉ cần nhìn số tiền báo trên cột bơm xăng trả tiền rồi lái xe đi luôn. Anh Nguyễn V.H, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho biết: “Mỗi lần đến cây xăng, tôi nói nhu cầu cần mua, nhân viên sẽ đổ xăng vào bình xe. Khi xong xuôi, tôi trả tiền, không để ý cửa hàng có xuất hóa đơn hay không”.
Dù quy định về xuất HĐĐT sau mỗi lần bán hàng đã được một số DN chấp hành song người tiêu dùng lại không quan tâm đến việc xuất hóa đơn hay không sẽ tạo “lỗ hổng” trong sử dụng, quản lý HĐĐT. Một chủ DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chia sẻ, hiện nay DN đã lắp thiết bị xuất HĐĐT cho người tiêu dùng khi mua hàng nhưng có một số khách hàng không lấy hóa đơn, nhân viên không tuân thủ quy định thì chủ DN khó biết được. Có thể xảy ra tình huống người này mua xăng dầu nhưng lại xuất hóa đơn cho người không mua.
Tình trạng đánh tráo hóa đơn hoặc mua bán hóa đơn dễ xảy ra, DN không kiểm soát được. Nguyên nhân là do cơ sở kinh doanh chưa có hệ thống giám sát từng lít xăng dầu được bán ra ở từng thời điểm và lượng xăng còn lại trong kho một cách tự động, cơ bản vẫn kiểm tra, đo đếm thủ công.
Để khắc phục tình trạng này, ông Dương Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN (Hiệp hội DN tỉnh) thông tin, hiện nay một số chủ DN đã đặt hàng đơn vị về việc xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động mua bán xăng dầu. Bằng công nghệ này, dù không ở cửa hàng nhưng chủ cơ sở, DN có thể nắm bắt mọi biến động về hàng hóa cũng như hoạt động bán ra, mua vào ở từng thời điểm.
Với cách làm đó, nhân viên buộc phải xuất HĐĐT khớp với thời điểm biến động nhiên liệu. Thông qua ứng dụng công nghệ, phần mềm vào quản lý, quản trị sẽ kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng mua bán hóa đơn, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trường Sơn
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tu-dong-kiem-soat-ngan-chan-mua-ban-hoa-don-postid411506.bbg