Từ dòng sông trước nhà ngày thơ ấu
THANH THẢO
(Baoquangngai.vn)- Bây giờ, thử hỏi một người Việt khi đã già, đã từng chu du khắp nơi khắp chốn, rằng anh (hay chị) ấy nhớ gì nhất ở cái làng quê nhỏ bé nơi mình chào đời? Tôi tin, nhiều người sẽ nói mình nhớ dòng sông nhất, nếu làng mình có con sông chảy qua. Sông ấy nhỏ hay lớn không quan trọng, miễn là nó có trước mình, và nếu mình từng bơi lội trong lòng nước của nó, thì sẽ không bao giờ quên.
Sinh ra tôi đã có dòng sông nhỏ trước nhà rồi. Sau khi tôi chào đời ở bệnh viện thị xã Quảng Ngãi được 7 ngày, thì má con tôi được lênh đênh trên một con đò dọc, khởi hành từ bến Tam Thương (sông Trà) và đi về sông Vệ, rồi từ đó chuyển dần tới sông Thoa là con sông trước nhà tôi. Sông Thoa là một nhánh nhỏ của sông Vệ, nên con đò dọc thoải mái đưa má con tôi về tới trước cổng nhà luôn. Mới chào đời đã được lêu bêu trên sông nước, hỏi làm sao khi mới 6 tuổi tôi đã biết bơi rồi, và bơi khá giỏi. Cha tôi nói: Ở gần sông thì tập bơi cho trẻ con là cách tốt nhất để trẻ con tự bảo vệ mình. Suy nghĩ tích cực ấy còn đúng cho tới bây giờ, nhất là cứ mỗi mùa nắng hạ về thì tình trạng đuối nước xảy ra liên tục trong cả nước. Khi chưa có khả năng cứu được ai, thì biết bơi là cách tốt nhất để trẻ con tự cứu mình.
Năm tôi 6 tuổi, ở nhà chỉ có hai má con, cha tôi đi kháng chiến, nhưng má tôi rất yên tâm khi tôi hàng ngày vẫn cùng bạn bè bơi lội trên sông như nhà thơ Tế Hanh đã tả đầy cảm giác trong bài thơ bất tử “Nhớ con sông quê hương”:
“Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ”
Với một đứa trẻ con, tình yêu quê hương bắt đầu từ tình yêu sông nước giản dị mà mát mẻ như vậy. Con sông Trà Bồng của nhà thơ Tế Hanh quá lớn so với con sông Thoa trước nhà tôi, nhưng với tuổi thơ, sông nào gần nhất với mình là con sông thân yêu nhất.
Ngày kháng chiến chống Pháp, trên những con sông lớn chảy qua Quảng Ngãi chỉ có những bờ xe nước tự động quay, lấy nước tưới ruộng vườn. Sông Thoa của tôi nhỏ, không có bờ xe nước, nhưng mỗi mùa lũ lụt nước vẫn ào ạt đổ về, má tôi lại đứng trước bến nhỏ trước nhà để vớt củi, còn tôi chờ các bác hàng xóm kéo vó kéo nhá được cá nhỏ cùng tép riu để má tôi mua một vài chén, về kho rim cho tôi ăn cơm.
Sông Thoa không hoành tráng, nhưng quá dễ thương. Ngày ấy, nước sông rất trong xanh, đám trẻ chúng tôi thường bơi qua bơi lại hai bờ sông, coi như một trò chơi hấp dẫn.
Nhớ có lần, chuyện này tôi nhớ tới bây giờ, khi tôi bơi qua sông sang nhà cô Hai tôi chơi, lúc về, cô nói con mang rổ bắp tươi này về, má con nấu lên ăn với nhau. Bắp đầu mùa ngọt lắm. Tôi hớn hở mang rổ bắp khá nặng, vì lúc đó tôi mới lên 7 tuổi. Ra bờ sông, tôi tự tin đội rổ bắp lên đầu, lội xuống sông và bơi đứng, đó là cách bơi hợp lý nhất, theo tôi. Ngờ đâu, khi ra tới giữa sông, nước sông ngấm vào rổ bắp, rổ bắp chìm dần, dìm đầu tôi xuống lòng sông. Tôi cố vẫy vùng, nhưng không thoát. Làm sao? Lúc bấy giờ, chỉ còn một cách, đơn giản nhất mà hợp lý nhất: tôi hất rổ bắp khỏi đầu mình, và nhẹ nhõm bơi về nhà, kêu má tôi cùng bà con ra sông vớt bắp. Tới bây giờ, tôi vẫn tự hào về quyết định sáng suốt ấy của mình, chứ nếu cứ bám rổ bắp trên đầu, tôi chắc chết đuối luôn.
Tôi cũng không thể ngờ, nhờ biết bơi từ nhỏ, nhờ sông Thoa tận tình nâng đỡ khiến mình có kỹ năng bơi, nên khi lớn lên, vào bộ đội rồi đi chiến trường Nam Bộ, nơi sông lớn cùng kênh rạch chằng chịt, tôi chẳng bao giờ lo ngại. Mình bơi tốt mà. Khi vượt qua đồng Tháp Mười xuống chiến trường Mỹ Tho, suốt một tháng rưỡi tôi và đoàn công tác của mình đã vượt qua không biết bao nhiêu con sông, con kênh lớn, những con rạch nước sâu, và cả đồng Tháp Mười mùa nước nổi mênh mang những nước là nước, chúng tôi đều vượt qua yên ổn, an toàn. Và bất ngờ nhất là khi trở lại chiến khu, thì cơ quan tôi đã dời về đóng căn cứ ở cánh rừng già sát bờ sông Vàm Cỏ Đông. Ngày ấy, sông Vàm Cỏ Đông đã rất nổi tiếng qua ca khúc “Vàm Cỏ Đông”, lời thơ của nhà thơ Hoài Vũ đồng hương Mộ Đức Quảng Ngãi với tôi, và âm nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng là người quê Quảng Ngãi, bấy giờ đang sống ở miền Bắc. Bây giờ, tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao nhà thơ Hoài Vũ, một người từng nổi tiếng về thơ ở chiến trường Nam Bộ ngày đánh Mỹ, sau hòa bình ông vẫn làm thơ và là một trong những nhà thơ được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc, với nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng”, nhà thơ Hoài Vũ vẫn chưa được các Hội đồng xét giải thưởng văn học để mắt tới, dù ông đã ngoài 85 tuổi rồi.
Với tôi, con sông Vàm Cỏ Đông, nơi tôi được sống bên cạnh nó hai năm cuối cuộc chiến, là dòng sông quá thân thiết với tuổi thanh xuân của tôi. Từ dòng sông Thoa nhỏ bé trước nhà, tôi đã lớn lên để đi tới sông Vàm Cỏ Đông thời kháng chiến, trước khi rời sông Vàm Cỏ Đông về gặp sông Sài Gòn:
VÀM CỎ ĐÔNG
duyên nào đưa tôi đến dòng sông
Vàm Cỏ Đông mùa nước đổ
cả con nước quằn lên, hào hển thở
lục bình trôi quá tốc độ lục bình
đây là nguồn sông anh biết không
mặt sông bằng bỗng nhiên nổi sóng
những cú rướn thiên la địa võng
dòng sông con thuồng luồng khổng lồ
đòi phá vỡ hai bờ đòi giải phóng
nước chuyển màu bỗng tràn năng lượng
thuở hồng hoang gầm rú rợn người
những ngày đó thiệt tình tôi không dám bơi
chỉ xớ rớ trên bờ như đứa trẻ
nhìn dòng sông kiểu con thơ ngóng mẹ
bao giờ sông hiền lại đây trời!
hiền ngay đây hiền ngay đây thôi
chợt những ngày yên lắng
bìm bịp kêu chiều vàng đập cánh
lục bình trôi một tiếng thở dài
tôi đâu biết dòng sông hiền là khổ
tôi ở cạnh sông hai năm trong đời
hai năm cuối cùng cuộc chiến
mở radio thì bài ca hiển hiện
Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ tôi
cứ nghĩ mình còn ở đây dài dài
nhiều lúc lặng ngắm dòng sông thiền định
nhiều khi bực đám lục bình bướng bỉnh
cứ trôi lên trôi xuống hoài hoài
như không cần biết tới ngày mai
làm sao biết rồi ngày mai ấy đến
chúng tôi cuốn tăng võng
theo đoàn quân về Sài Gòn
từ ngày đó tôi xa Vàm Cỏ Đông
nhớ mẹ nướng cho con củ khoai đêm gió lạnh
nhớ bác Tám mời uống ly rượu mạnh
rượu nấu gạo nhà men rừng
nhớ anh Chín Thế bẫy con heo to quá chừng
cơ quan liên hoan mấy ngày chưa hết thịt
nhớ nhà thơ Chim Trắng
lặn lội tìm dòng sông chia sẻ với em mình
thơ là nơi kết nối ân tình
suốt đời tôi không xa Vàm Cỏ Đông
dòng sông cùng tôi xuôi số phận
bao nhiêu là lận đận
mãnh liệt như sông vẫn lâm khổ nạn
mỗi con nước nhạt nhòa ám ảnh
mỗi lúc mình quên sông lại nhắc bao điều
Vàm Cỏ Đông tên có nghĩa là yêu.