Từ Đường lên đỉnh Olympia tới những 'nhà đạo đức online': Có gì đáng nói? (kỳ I)

Ồn ào xung quanh Chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam năm 2020 và thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng có thật sự đáng tranh cãi?

Vòng nguyệt quế Chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã có chủ: Đó là thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (17 tuổi) đến từ Ninh Bình, người đã xuất sắc vượt qua ba nam thí sinh khác từ Quảng Trị, Đắk Lắk và Hà Nội.

Tuy nhiên, điều được “cư dân mạng” chú ý là cách thí sinh này bày tỏ cảm xúc chiến thắng: Một số cho rằng việc thí sinh này có hành động ăn mừng đặc biệt khi chương trình còn đang diễn ra là “lố”, “phản cảm”, đánh giá rằng chiến thắng của Hằng là “không xứng đáng”.

Có người còn khẳng định đây là lý do khiến Hằng bị “ra rìa” trong một bức ảnh ba thí sinh động viên, an ủi và bắt tay nhau khi phần thi kết thúc.

Nhân cơ hội này, nhiều người đã “tấn công” chương trình Đường lên đỉnh Olympia, gọi đây là “Đường lên đỉnh Australia”, khi các thí sinh đều nhận được học bổng toàn phần và chi phí để học tập và sinh sống tại trường đại học xứ sở chuột túi, với ít người trong số đó trở lại Việt Nam.

Nhân cơ hội này, nhiều người đã “tấn công” chương trình Đường lên đỉnh Olympia, gọi đây là “Đường lên đỉnh Australia”, khi các thí sinh đều nhận được học bổng toàn phần và chi phí để học tập và sinh sống tại trường đại học ở xứ sở chuột túi, với ít người trong số đó trở lại Việt Nam. Nhằm ra vẻ thuyết phục, một số còn viện dẫn ví dụ về Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (1913-1997) và giai thoại từ bỏ mức lương 22 lượng vàng tại Pháp những năm 1945 để theo chân Bác Hồ về cống hiến cho cách mạng Việt Nam non trẻ.

Thoạt nghe, những lập luận này tỏ ra hợp lý, song chỉ cần suy nghĩ một chút, người đọc sẽ dễ dàng thấy rằng chúng đều thể hiện góc nhìn phiến diện, áp đặt của một bộ phận các “nhà đạo đức online” trên mạng xã hội. Tại sao lại có câu chuyện như vậy?

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng không đáng phải chịu những lời mạt sát từ những "nhà đạo đức online' sau cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: Zing)

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng không đáng phải chịu những lời mạt sát từ những "nhà đạo đức online' sau cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: Zing)

Đầu tiên, con người có quyền bày tỏ cảm xúc cá nhân và việc thí sinh Hằng bày tỏ cảm xúc vui mừng khi từng bước tiến gần tới thành công sau 9 năm chờ đợi là hoàn toàn bình thường.

Có người cho rằng em nên tiết chế cảm xúc trên truyền hình, mà quên mất rằng em mới chỉ 17 tuổi, có cá tính mạnh và không hề muốn “diễn” cho khán giả xem trong cuộc thi về tri thức.

Thứ hai, liên quan đến bức ảnh bị “ra rìa”, góc và bối cảnh chụp đã khiến nhiều độc giả hiểu nhầm. Người dẫn chương trình Đường lên đỉnh Olympia Diệp Chi đã chia sẻ rằng trong các bức ảnh chụp cùng ba thí sinh sau khi chương trình kết thúc, Hằng không đội vòng nguyệt quế; các nhóm vẫn trò chuyện, vui vẻ như không có gì xảy ra.

Thứ ba, việc gọi chương trình là “Đường lên đỉnh Australia” và lấy ví dụ về cố Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa để so sánh là xúc phạm chương trình, bày tỏ góc nhìn phiến diện, khập khiễng.

Bản thân Giáo sư Trần Đại Nghĩa, trong quá trình học tập và công tác tại Pháp và Đức, đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm quý báu để áp dụng, đặt nền móng cho nền quốc phòng của cách mạng non trẻ.

Vậy việc các em lựa chọn môi trường học tập, sinh sống phù hợp để phát triển tối đa khả năng bản thân có gì sai?

Thêm vào đó, các em học sinh đã tập trung ôn luyện, dùi mài kinh sử để nhận thành quả xứng đáng là suất học bổng trị giá hàng tỷ đồng. Ra đi rồi ở lại hay trở về, đó là chuyện cá nhân của mỗi người giành vòng nguyệt quế.

Việc Australia chào đón các thí sinh xuất sắc của chương trình Đường lên đỉnh Olympia hằng năm sang học tập, làm việc và định cư vì thế càng chẳng đáng bàn.

Bản thân Giáo sư Trần Đại Nghĩa, trong quá trình học tập và công tác tại Pháp và Đức, đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm quý báu để áp dụng, đặt nền móng cho nền quốc phòng của cách mạng non trẻ. Vậy việc các em lựa chọn môi trường học tập, sinh sống phù hợp để phát triển tối đa khả năng bản thân có gì sai?

Thế giới đang bước vào thế kỷ XXI, kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0. Sự phát triển nhanh của các phương tiện giao thông khiến việc kết nối giữa người với người dễ dàng hơn. Các hoạt động đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, với tấm lòng hướng về quê hương, vì thế mà sôi nổi hơn bao giờ hết. Giáo sư Trần Văn Thọ và Giáo sư Trần Ngọc Phúc tại Nhật Bản, với dự án chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy thở loại nhỏ cho Việt Nam trong dịch Covid-19, là hai trong hàng triệu con cháu Lạc Hồng ở nước ngoài vẫn hàng ngày đóng góp tri thức và nguồn lực để xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-duong-len-dinh-olympia-toi-nhung-nha-dao-duc-online-co-gi-dang-noi-ky-i-124393.html