Từ đường tàu sân bay Bangkok nhìn về Việt Nam

Xe buýt, tàu buýt, tàu điện các loại, trong đó có tàu nối trung tâm thành phố Bangkok với sân bay, đã tạo thành một hệ thống giao thông công cộng khá hoàn thiện, giúp việc đi lại dễ dàng hơn trước. Riêng những con tàu nối trung tâm thành phố với sân bay còn góp phần vào việc phát triển địa ốc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan lên cao hơn nữa.

 Tàu điện trên không vẫn không góp phần giải quyết được nạn kẹt xe ở Bangkok.

Tàu điện trên không vẫn không góp phần giải quyết được nạn kẹt xe ở Bangkok.

Hệ thống giao thông công cộng dày đặc

Từ gần chín năm nay, mỗi lần qua Bangkok, tôi đều đi tuyến tàu điện City Line từ sân bay mới Suvarnabhumi đến trạm cuối Phaya Thai ở trung tâm thành phố dài 28,6 ki lô mét. Sau đó, lên tàu điện trên không Sky Train đi tiếp đến trạm Phrom Phong gần khách sạn tôi thường lưu trú.

City Line là tuyến tàu thường, dừng ở sáu trạm (không tính trạm đầu, trạm cuối), chạy hết 28 phút. Trên cùng tuyến, còn có tàu nhanh Airlink Express dùng chung đường ray trị giá 25,9 tỉ baht (khoảng 800 triệu đô la Mỹ, theo tỷ giá trung bình năm 2010), không ghé các trạm dọc đường, chạy hết 16 phút. Tuy nhiên, hiện nay, nó không còn chạy đến Phaya Thai nữa, mà chỉ đến trạm trước đó là Makkasan.

Theo tờ Bangkok Post, Airlink Express chỉ mới hoạt động lại gần đây sau một thời gian tạm dừng (từ tháng 9-2014) do ít khách - chỉ 400 người dùng mỗi ngày - và không có đủ toa tàu thay thế những toa phải bảo dưỡng.

Về giá vé, hiện giá tàu nhanh là 150 baht (khoảng 4,9 đô la Mỹ)/chiều, cứ nửa tiếng lại có một chuyến. Trong khi đó, tàu thường - chạy hầu như liên tục - có giá 45 baht/chiều suốt tuyến, hoặc từ 15-35 baht nếu xuống những trạm dọc đường.

Thủ đô của Thái Lan vẫn là một trong những thành phố có nạn kẹt xe trầm trọng nhất thế giới.

Đi Airlink Express thì đương nhiên dễ chịu hơn so với City Line vì ghế ngồi rộng rãi, ít khách, lại có chỗ để hành lý và nhà vệ sinh riêng cho từng toa. Cả hai loại tàu trên đều do hãng Siemens của Đức sản xuất, chạy bằng điện nên rất êm, chỉ nghe thấy tiếng ru ru của máy lạnh. Trạm sân bay của hai loại tàu đều nằm ở tầng hầm sân bay Suvarnabhumi, chỉ cần đi lên hai tầng trên là đến khu vực làm thủ tục bay. Hành khách không phải di chuyển nhiều.

Xe buýt, tàu buýt trên sông, tàu điện trên không cùng tàu điện ngầm (MRT), và tàu nối trung tâm Bangkok với sân bay tạo thành một hệ thống giao thông công cộng dày đặc, khá hoàn thiện, đã giúp cho việc đi lại ở Bangkok trở nên dễ dàng hơn trước.

Nhưng vẫn kẹt xe, tắc đường

Tuy nhiên, thủ đô của Thái Lan vẫn là một trong những thành phố có nạn kẹt xe trầm trọng nhất thế giới. Qua nhiều năm, Bangkok vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng này, đơn giản là vì ngày càng có thêm nhiều xe hơi lăn bánh. Tờ Bangkok Post cho biết chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm nay, số lượng xe hơi mới đăng ký ở Bangkok là 1.615.524 chiếc, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính tổng cộng thì Bangkok, với dân số khoảng 14 triệu dân (tính cả ngoại ô), đã có đến gần 10 triệu chiếc xe hơi các loại.

Người châu Á nói chung đều coi xe hơi là biểu tượng của sự giàu có nhìn thấy được. Nhiều người đã mua xe hơi khi hầu bao rủng rỉnh hơn. Đó là chưa kể đến việc giá xe đang mỗi ngày một rẻ đi. Và như thế, theo thời gian, lượng xe hơi ở các thành phố lớn như Bangkok hay TPHCM chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Trong vòng 20-30 năm tới, TPHCM có lẽ sẽ giống như Bangkok hiện nay nếu không tìm được cách hạn chế xe cộ. Dù thành phố đang dự kiến xây dựng bảy đường metro nhưng chưa chắc giải quyết được nạn kẹt xe.

Giao thông thúc đẩy tăng trưởng

Quay lại với hạ tầng giao thông của Bangkok, bên cạnh những trạm dừng tàu, hàng loạt chung cư cao cấp mọc lên. Nhờ hệ thống tàu điện này, trong đó có đường tàu sân bay, thị trường địa ốc Bangkok đã được mở mang và lớn mạnh hơn nhiều kể từ cơn khủng hoảng tài chính năm 1997. Mường tượng chuyện tương tự sẽ xảy ra với TPHCM - thực tế đã xảy ra rồi, các dự án chung cư đang đua nhau mọc lên dọc tuyến metro số 1 dài 19,7 ki lô mét nối Bến Thành với Suối Tiên.

Riêng đường tàu sân bay còn giúp cho thủ đô nước này bớt được chuyện dân cư tập trung cục bộ. Nhiều người Thái ở ngoại ô đi làm trong trung tâm bằng tàu chậm City Line với giá vé tháng chỉ 1.000 baht/50 chuyến, sau đó đi tiếp tàu Sky Train hoặc MRT đến nơi làm việc.

Hiện giờ, Chính phủ Thái Lan đang cho kéo dài đường tàu nhanh Airlink Express nhằm nối trạm Phaya Thai ở trung tâm Bangkok với sân bay cũ Don Muang ở cách đó 21 ki lô mét về phía Bắc. Theo kế hoạch, nó có thể được khai trương vào cuối năm nay.

Cũng theo kế hoạch, sẽ có thêm một đường tàu nhanh từ trạm Makkasan, trung tâm Bangkok đến sân bay U-Tapao, nằm cách đó khoảng 200 ki lô mét về hướng Đông Nam. Đây sẽ là sân bay quốc tế thứ ba của Bangkok, có thể đón đến 15 triệu lượt khách mỗi năm sau khi được nâng cấp. Hiện giờ nó chỉ đón một triệu lượt khách so với 96,5 triệu (thống kê của cuối năm 2018) của Don Muang và Suvarnabhumi cộng lại.

Cần phải nói thêm là đường tàu này sẽ chạy ngang qua Pattaya, thành phố du lịch biển nổi tiếng. Hiện giờ, từ Bangkok đi Pattaya bằng đường bộ mất đến gần 2 tiếng 30 phút, nếu không kẹt xe. Sau này, khi đường tàu nhanh hoàn thành thì thời gian di chuyển chỉ mất 40 phút.

Trong khuôn khổ dự án mới nói trên, còn có việc xây dựng những đường tàu nhanh nối liền cả ba sân bay Suvarnabhumi, Don Muang, U-Tapao lại với nhau nữa. Thông tấn xã Việt Nam dẫn báo NBT World cho biết tổng chi phí của toàn dự án với những con tàu tốc độ 250 ki lô mét/giờ là 225 tỉ baht (7,07 tỉ đô la Mỹ).

Việc mở rộng hệ thống tàu nhanh này chắc sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Thái Lan lên cao hơn. Nghĩ về Việt Nam, tuyến metro số 1 đã được phép kéo dài đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương) nhằm kết nối tốt hơn. Sau này, khi sân bay Long Thành thành hình, cũng nên có thêm đường tàu nối TPHCM với nó thì mới phát huy được hết hiệu quả.

Ngọc Trân

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292809/tu-duong-tau-san-bay-bangkok-nhin-ve-viet-nam-.html