Tư duy chiến lược của Đảng trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972

Chiến thắng 'Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không' tháng 12-1972 minh chứng cho tư duy chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là: Giành thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán.

Tư duy chiến lược của Đảng thể hiện ở việc kết hợp nhuần nhuyễn công tác dự báo, nắm tình hình, phối hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao, buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”...

Sau năm 1968, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân hai miền Nam-Bắc đã vượt qua mọi khó khăn thử thách ác liệt, từng bước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược. Đầu năm 1972, ở miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh trên 3 vùng chiến lược, đồng thời tiến hành các hoạt động ngoại giao nước lớn hòng cô lập, ép chúng ta phải nhượng bộ trên bàn đàm phán. Nhưng với quyết tâm chiến lược, sau hơn 3 năm chuẩn bị, tạo thế, tạo lực, quân và dân ta mở các cuộc tiến công lớn và giành nhiều thắng lợi.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã đẩy chính quyền và ngụy quân Sài Gòn vào thế bất lợi; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, tháng 12-1972, Tổng thống R.Nixon hạ lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận.

Việc Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 ra miền Bắc đánh phá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ rất sớm. Với dự cảm của bậc thiên tài, ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “...phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”.

Trong buổi làm việc với Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (1).

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968 đến cuối năm 1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện phương án đánh trả một cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Do đó, chúng ta hoàn toàn chủ động về chiến dịch, chiến lược, không hề bị bất ngờ cho đến khi Mỹ thực hiện Chiến dịch “Linebacker II”.

Chúng ta đã sớm chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, trong đó Quân ủy Trung ương rất chú trọng công tác xây dựng lực lượng PK-KQ, huấn luyện bộ đội tên lửa, xây dựng kế hoạch tác chiến để đánh B-52. Lực lượng phòng không chủ lực của ta đã có những bước củng cố đáng kể về binh lực, hỏa lực, vũ khí, phương tiện, khí tài bảo đảm, được bố trí theo mục đích và tầm quan trọng của mục tiêu cần bảo vệ.

Nhờ đó, quân và dân ta đã đập tan cuộc tiến công chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc cuối tháng 12-1972, làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại.

Tư duy chiến lược của Đảng ta trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972 cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, để vận dụng tư duy chiến lược của Đảng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, chú trọng công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình; dự báo trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng có nhiều biến động, chiến tranh, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Quán triệt tinh thần đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó đặc biệt chú trọng công tác dự báo: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố, nhất là nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến và bất lợi.

Trên cơ sở đó, làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt, phải nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống phức tạp ở các vùng biển đảo, biên giới, các địa bàn chiến lược quan trọng. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh và bổ sung: “Thường xuyên cảnh giác, nắm chắc, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp nảy sinh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước có đối sách phù hợp, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống” (2).

Hai là, tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, hoàn thiện lý luận về chiến dịch, chiến lược làm cơ sở để bổ sung, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, chủ động ứng phó đấu tranh có hiệu quả với những kiểu chiến tranh mới.

Ba là, chú trọng công tác xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Đảng ta xác định, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh là vấn đề quan trọng, tạo nền tảng cho việc củng cố sức mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã đề ra phương châm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: Hải quân, PK-KQ, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển...” (3) để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Đối với nước ta, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân là nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi mọi nguy cơ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình, khi đất nước chưa lâm nguy. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, hướng tới xây dựng thế trận tổng hợp quốc phòng, an ninh chung.

Phương thức bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới là sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và phi vũ trang, thông qua đàm phán hòa bình; chủ động nâng cao khả năng tự bảo vệ, bảo vệ từ xa. Nội dung cốt lõi trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân là xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trên biên giới, biển đảo.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người quan trọng nhất” (4).

Trung tướng, PGS, TS PHAN XUÂN TUY, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân

------------

(1) Hồ Chí Minh, Biên niên những sự kiện và tư liệu quân sự, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.280

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. tr.277

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tu-duy-chien-luoc-cua-dang-trong-chien-dich-phong-khong-thang-12-1972-713226