Tư duy chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc, suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trên cương vị Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương (QUTƯ), nhận thức sâu sắc quan điểm kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đồng chí đã chủ trì, cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hết sức chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển toàn diện mọi mặt đất nước, đồng thời đặc biệt quan tâm phát triển lý luận, đường lối, chiến lược và chỉ đạo sắc bén hoạt động quân sự, quốc phòng (QS, QP), xây dựng Quân đội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) thời kỳ mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Là người đứng đầu Đảng ta và QUTƯ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu, tiếp cận đường lối, chiến lược QS, QP, sự nghiệp xây dựng và BVTQ bằng nhiều con đường. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc, đồng chí đã nêu lên nhiều vấn đề hệ trọng, đặt và gợi ý trả lời nhiều câu hỏi, như: Có cần thiết phải xây dựng tư tưởng về chiến lược quốc phòng và đường lối định hướng không? Tính chất chiến tranh trong tương lai sẽ như thế nào? Xác định đối tác, đối tượng ra sao? Quân đội nhân dân Việt Nam cần được xây dựng như thế nào? Bố trí thế trận quốc phòng, khu vực phòng thủ ra sao?... Tổng Bí thư nêu ra và chỉ đạo cụ thể, cặn kẽ, sâu sát, cho thấy vốn hiểu biết sâu rộng, tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta.
Chính những câu hỏi, vấn đề Tổng Bí thư đặt ra và gợi mở, chỉ đạo định hướng đã khởi động, khích lệ đội ngũ cán bộ chiến lược, nhất là cán bộ Quân đội say mê nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chủ trương, đường lối, chiến lược QS, QP đúng đắn, khoa học, thiết thực, khả thi. Hơn 13 năm trên cương vị Tổng Bí thư, Bí thư QUTƯ, có thời điểm đảm nhiệm cả chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh (QP, AN), đồng chí Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động QS, QP, giúp Đảng, Nhà nước ta ngày càng phát triển tư duy, tầm nhìn chiến lược sâu sắc và chỉ đạo sắc bén, hiệu quả công tác QS, QP, sự nghiệp xây dựng Quân đội, BVTQ.
Năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược BVTQ, đồng thời xây dựng Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI (năm 2013) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Cùng với các nhiệm kỳ đại hội Đảng, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng các văn bản, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội, xác định chủ trương, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, BVTQ; đồng thời chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược trọng yếu, thường xuyên của cách mạng nước ta.
Đặc biệt, từ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì chỉ đạo việc hoạch định đồng bộ các chủ trương, đường lối, chiến lược QS, QP, xây dựng Quân đội, BVTQ thời kỳ mới, trong đó nổi bật là ban hành Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; nghị quyết về phát triển công nghiệp quốc phòng, về tổ chức Quân đội, phòng thủ dân sự, đối ngoại quốc phòng, Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới (năm 2023) và nhiều chiến lược chuyên sâu khác trong lĩnh vực QS, QP.
Đến nay, Việt Nam có hệ thống chiến lược về QS, QP và BVTQ cơ bản, đồng bộ, là “cẩm nang giữ nước”. Kết quả này thể hiện rõ nét sự phát triển tư duy, tầm nhìn chiến lược, sự chỉ đạo sắc bén của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí luôn sâu sát, tỉ mỉ, thận trọng, dân chủ nhưng cũng rất quyết liệt và đầy thuyết phục trong chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc, tiến hành nghiêm túc quy trình nghiên cứu hoạch định, chuẩn bị nội dung; chủ trì và cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thảo luận, quyết nghị thông qua, ban hành đường lối, chiến lược về QS, QP và lộ trình xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại.
Trong chỉ đạo thực tiễn, Tổng Bí thư cũng luôn chủ động, quyết đoán, linh hoạt, rất sắc bén chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, đưa đường lối, chiến lược QS, QP vào thực tiễn cuộc sống, góp phần ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư duy, tầm nhìn chiến lược, chỉ đạo sắc bén của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với hoạt động QS, QP, xây dựng Quân đội, BVTQ có thể khái quát trên một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, phát triển tư duy về mục tiêu, nhiệm vụ QP, AN, BVTQ. Người đứng đầu Đảng và QUTƯ đã chỉ đạo nghiên cứu bổ sung lý luận, nhận thức ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc nội hàm mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới. Mục tiêu BVTQ không chỉ là vấn đề tự nhiên-lịch sử và vấn đề chính trị-xã hội mà còn có môi trường, lĩnh vực mới là không gian mạng, vũ trụ; vấn đề giữ vững chủ quyền biển, đảo, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; giữ môi trường hòa bình; đặt bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc là tối thượng, bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước. Bước đột phá trong Chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình. Đây là niềm trăn trở, là mối quan tâm lớn và tư duy chiến lược vô cùng sâu sắc của Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đường lối, chiến lược QS, QP, BVTQ.
Hai là, tư duy về BVTQ từ sớm, từ xa. Đây là đóng góp lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-người khởi xướng, phát triển lý luận, nâng tầm tư tưởng “ngăn ngừa, đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ” thành tư duy, quan điểm về chủ động BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy trên cơ sở kế thừa và phát triển bài học giữ nước của ông cha ta. Bổ sung nội dung chủ động thiết lập tuyến phòng thủ, tạo vành đai an ninh phòng thủ từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ để BVTQ. Đây là một điểm cốt lõi trong tư duy chiến lược của Đảng ta về đường lối, chiến lược QS, QP, BVTQ.
Ba là, tư duy, tầm nhìn về đối tác, đối tượng. Một số câu hỏi của Tổng Bí thư đặt ra với đội ngũ cán bộ tham mưu của Quân đội như: Tính chất chiến tranh trong tương lai sẽ như thế nào? Mặt trận nào, lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm? Đối tác, đối tượng ra sao?... vừa thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, vừa là sự định hướng, khởi đầu, khuyến khích đội ngũ cán bộ tham mưu của Đảng và Quân đội nghiên cứu, làm rõ. Bên cạnh đó, chính Tổng Bí thư đã tự trả lời các câu hỏi, làm tiền đề cho Đảng ta hoàn chỉnh quan điểm về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam như hiện nay.
Bốn là, xác định phương châm BVTQ, củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội. Tổng Bí thư đã chỉ đạo và nhất quán phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” và đưa tư tưởng giữ “trong ấm, ngoài êm”, “bốn không”, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cân bằng, hài hòa lợi ích với các nước; định hướng có kế sách ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa trở thành phương châm của Chiến lược BVTQ thời kỳ mới. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc ngăn ngừa bất hòa, bất đồng, nguy cơ bạo động, xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, hoạt động QS, QP, sự nghiệp BVTQ (bổ sung nguyên tắc lãnh đạo đối với sự nghiệp BVTQ). Theo Tổng Bí thư, đây là nguyên tắc cốt yếu nhất trong hoạt động QS, QP, quyết định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta. Bởi vì, Đảng không những đề ra đường lối quân sự, xác định phương hướng phát triển tiềm lực QS, QP của đất nước, xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và các chủ trương, giải pháp nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, mà Đảng còn lãnh đạo việc tổ chức hiện thực hóa quan điểm, đường lối xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.
Tổng Bí thư yêu cầu Quân đội phải tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc tình hình, diễn biến, biến động trên các hướng, các khu vực, nhất là những khu vực trọng yếu; thực hiện có hiệu quả "5 quyết tâm, 5 chủ động", làm tốt công tác dự báo, tham mưu chiến lược, phát hiện sớm, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương chỉ đạo ngăn chặn kịp thời, xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Năm là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Sự phát triển tư duy của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư đã bổ sung lý luận về sự kết hợp toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với QP, AN và QP, AN với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đây chính là điểm mới trong chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư và Đảng ta về sự kết hợp tổng thể, toàn diện tạo sức mạnh BVTQ. Đó là yêu cầu bắt buộc trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, là nguyên tắc tất yếu để xây dựng và bảo đảm thế và lực của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo ưu tú, nhà lý luận xuất sắc đã cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương chỉ đạo, định hướng, tạo nên những lý luận cơ bản, then chốt trong đường lối, chiến lược QS, QP, xây dựng Quân đội, BVTQ; đồng thời, Tổng Bí thư cũng là người quyết đoán, kiên trung, linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo trong chỉ đạo thực tiễn, đã để lại cho Đảng, Nhà nước, Quân đội ta những di sản vô cùng quý giá về tư duy, chiến lược, đường lối QS, QP, xây dựng Quân đội, BVTQ thời kỳ mới. Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư, Bí thư QUTƯ Nguyễn Phú Trọng là mẫu hình lý tưởng để cán bộ, chiến sĩ toàn quân cùng với toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo.