Tư duy 'chống rệp'

Ban quản lý ký túc xá một trường đại học lớn ở TPHCM có khoảng 200 phòng và 1.600 sinh viên lưu trú mới đây đã ra lệnh cấm sinh viên dùng nệm mà chỉ được nằm chiếu để …chống rệp(1). Cách làm này vừa không khoa học, vừa không hợp lý vì chỉ dùng chiếu chưa bao giờ là cách chống rệp hiệu quả và gây phiền phức cho sinh viên.

Tuổi thơ của người viết bài này có không ít đêm sống chung với rệp ở quê nhà. Trong nhà vừa có nệm, vừa có chiếu và có nhiều lúc bị rệp rất nhiều. Bất kể ngày đêm, khi vừa ngồi hay nằm xuống thì chỉ vài phút sau đã nghe phảng phất mùi hôi rất đặc trưng và lũ rệp xông ra chích hút máu ngay.

Dùng chiếu chưa bao giờ là cách hữu hiệu để chống rệp, mà ngược lại còn cung cấp thêm nơi ẩn náu an toàn cho chúng. Các kẽ hở nhỏ giữa các cọng chiếu là nơi rệp ẩn náu và đẻ trứng, hết sức khó diệt. Nếu như nệm bị rệp chỉ cần đem ra phơi nắng gắt giữa trưa là có thể làm chết trứng rệp thì với chiếu khó hơn nhiều, phải nấu nước sôi dội vào các đầu chiếu, nơi tập trung trứng rệp.

Không rõ khi đưa ra quy định không cho sinh viên nằm nệm, ban quản lý ký túc xá này có biết rằng chiếu là môi trường cho rệp làm ổ đẻ trứng tốt hơn nhiều so với nệm hay không.

Rồi hàng trăm, hàng ngàn tấm nệm của sinh viên đã mua, giờ không cho sử dụng phải xử lý ra sao? Sinh viên ký túc xá đều ở tỉnh xa, chẳng lẽ giờ đây phải đóng gói nệm gởi về quê, tiền cước gởi có khi còn cao hơn tiền mua nệm.

Cũng cần nhớ rằng, ký túc xá là đang cung cấp dịch vụ lưu trú có thu phí của sinh viên. Điều này đồng nghĩa với việc bên cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm làm sao để ký túc xá không có rệp trong phòng, chớ không phải đẩy trách nhiệm chống rệp qua bên sử dụng dịch vụ lưu trú bằng cách cấm sinh viên dùng nệm.

Cách làm này thể hiện một kiểu suy nghĩ hời hợt và lạm quyền không nên có trong môi trường đại học, nhưng đáng tiếc là lại “sống dai”. Cũng tại ký túc xá này, hồi năm 2005 đã từng cấm sinh viên lưu trú dùng đèn bàn và máy vi tính với lý do rất lạ lùng: có thể dẫn đến đánh nhau và coi phim sex.

Theo ban quản lý, việc sinh viên dùng đèn bàn dẫn đến cãi nhau, đánh nhau vì người muốn bật đèn để học, người muốn tắt để đi ngủ. Còn máy vi tính bị cấm vì “mang vào phòng ở ký túc xá sẽ làm hỏng sinh viên, phim sex sẽ tràn lan”, lý do được đưa ra khi trả lời báo chí(2).

Khoảng năm 2000, cơ quan người viết bài này bắt đầu trang bị máy vi tính để làm việc, một số nhân viên tranh thủ làm ở ngoài và mang dĩa mềm (floppy disk) vào cơ quan để copy file làm tiếp. Khi nhiều máy tính bị nhiễm virus, người kỹ sư tin học quản lý hệ thống đề nghị cấm dùng dĩa mềm.

Khi nghe điều này, vị giám đốc công ty trả lời: “lý do anh được tuyển vào làm ở đây là để mọi người có thể dùng dĩa mềm mà máy tính không bị nhiễm virus. Nếu chỉ cần cấm dùng dĩa mềm thì chúng tôi cũng có thể tự làm được”. Sau đó, mọi việc ổn thỏa với quy trình mới: tất cả dĩa mềm đưa vào công ty phải được quét virus trước khi sử dụng.

Có nhiều cách tiếp cận giải quyết khi phát sinh vấn đề nếu người quản lý chịu khó suy nghĩ. Cấm đoán chưa bao giờ là cách giải quyết tối ưu nhất cho nhiều vấn đề trong cuộc sống.

————-

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tu-duy-chong-rep/