Tư duy hiện thực và những ngẫu hứng mỹ cảm cho đời sống

Tôi vẫn nghĩ, nhiều năm công tác trong ngành di sản văn hóa nên mắt nhìn hiện thực của họa sĩ Lương Nguyên Minh đã trở thành căn nền cho mọi kiểu dạng tả thực. Tất nhiên, anh không dừng lại ở việc sao chép những gì mắt thấy, mà còn đi sâu và xa hơn cái thực tại trước mắt.

Họa sĩ Lương Nguyên Minh bên tác phẩm “Nơi ấy Trường Sa”. Ảnh: Trịnh Chu

Họa sĩ Lương Nguyên Minh bên tác phẩm “Nơi ấy Trường Sa”. Ảnh: Trịnh Chu

Thì phải rồi, nếu chỉ dừng lại ở việc mô phỏng hiện thực đơn thuần, e rằng, anh khó lòng vượt qua khả năng tả chân cực chất của chiếc máy ảnh. Chưa kể, việc mô tả quá kỹ thế giới thực tại còn khiến hiện thực đó trở nên xơ cứng, thiếu đi sự tinh tế trong những chuyển động mang sắc thái biểu cảm.

Biết rõ điều này, họa sĩ Lương Nguyên Minh hoặc ẩn bớt những chi tiết không thật sự cần thiết, hoặc nhấn thêm những chỗ phải ưu tiên đặc tả, hoặc giãi bày những rung động mỹ cảm ở nơi cần rung cảm, cốt để trình hiện một hiện thực có tâm trạng. Do vậy, những tác phẩm hội họa hiện thực của anh khởi tạo từ cái nhìn khách thể, nhưng nó là một thứ hiện thực được biết, mới và khác với cái thực tại thấy bằng mắt. Ấy là vì Lương Nguyên Minh bắt đầu từ cái thấy trước mắt, rồi soi dò vào nội giới của thực tại được mô tả, cũng như nội tâm của chính mình. Từ đó, đưa người xem đi sâu khám phá nội giới của chính họ thông qua những câu chuyện kể bằng màu sắc, khối nét, bố cục... mà họa sĩ đã khéo tính toán, căn chỉnh tỉ lệ hợp lý, rồi đặt định chúng ở những vị trí phù hợp trong bố cục của từng bức tranh.

Như chúng ta thấy ở tác phẩm “Nhà thờ đá Tam Đảo” vẽ theo bút pháp hiện thực của anh. Bức tranh này, Lương Nguyên Minh bố cục theo trục dọc, tả chất một di tích kiến trúc cổ đang hiện hữu tại Tam Đảo. Anh đã tìm ra một điểm nhìn đủ thuyết phục cho mục đích tôn vinh, đề cao những giá trị lịch sử và văn hóa của công trình kiến trúc cổ, khi để “Nhà thờ đá Tam Đảo”chiếm lĩnh gần như toàn bộ không gian bức tranh, các hình thể xung quanh thì cố tình ghìm lại, nhòe đi trước hiện thực được khắc họa - nhà thờ.

Sức mạnh của bút pháp hiện thực nằm ở đấy, hoặc là giảm trừ, hoặc là phóng đại cái thực tại được thấy để gửi đi thông điệp: Cần gìn giữ “Nhà thờ đá Tam Đảo” - phần ký ức trong diễn trình phát triển vùng đất Vĩnh Phúc. Thông điệp bảo vệ di sản kiến trúc cổ được họa sĩ Lương Nguyên Minh gửi gắm qua những hình thể kiến trúc mới đang vây bọc, xâm lấn không gian “Nhà thờ đá Tam Đảo”, khiến cảnh quan nơi đây trở nên chật chội.

Đó còn là câu chuyện kể về sen tàn trong tác phẩm “Chiều Cát Tiên”. Cát Tiên là miền đất cổ. Một nơi có hiện tượng tạo sơn rất lạ, núi không cao trùng điệp mà đột khởi giữa cánh đồng trơ trọi, như chiếc bát úp khổng lồ. Trong ráng chiều rực đỏ, núi hắt bóng tím thẫm xuống hồ sen đang mùa vãn hoa, chỉ còn lác đác những đài gương sạm đen rũ gục xuống mặt nước. Tả mùa sen tàn nhưng không ảm đạm, nó là do anh không chủ đích nói về giai đoạn kết thúc vòng đời của một loài hoa trong quy luật phát triển của tự nhiên. Lương Nguyên Minh nhắm tới vẻ đẹp của sen, ngay cả khi tàn lụi, sen vẫn rất đẹp, nếu chúng ta biết nhìn. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Chiều Cát Tiên” chính là việc anh đã gợi nhắc ta nhìn ra cái ta đã thấy và cả những cái ta chưa nhìn thấy - vẻ đẹp của sen tàn.

Thậm chí, một hiện thực mà nhiều người có thể đã nhìn quen mắt, Lương Nguyên Minh vẫn có cách kể của riêng mình, đó là “Ngũ hành hổ”. Bức tranh mô tả một gia đình hổ gồm hổ bố, hổ mẹ và 3 hổ con. Mỗi con hổ như một ngọn núi, đại diện cho một hành, 5 con hổ hợp lại thành “ngũ hành”, cũng là biểu tượng của chu trình vận động trong tự nhiên: Kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Cao nhất là hổ bố - chủ trì hành hỏa, mạnh mẽ và vững chãi như núi. Hổ mẹ ở vị trí trung tâm, chủ về hành thổ, cưu mang và bảo bọc sự sống cho những chú hổ con. 3 chú hổ con chia nhau đảm trách 3 hành còn lại. “Ngũ hành hổ”có bố cục chắc, chặt nhưng linh động và sáng tạo.

Họa sĩ Lương Nguyên Minh sinh năm 1960, quê gốc ở Nam Định; tốt nghiệp loại ưu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, năm 1981. Năm 1990, họa sĩ Lương Nguyên Minh được điều động về công tác tại Bảo tàng Lâm Đồng. Trong khoảng thời gian này, anh tiếp tục theo học Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và tốt nghiệp năm 1992. Năm 2009, anh được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên. Hiện nay, Lương Nguyên Minh sống và làm việc tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Trải qua thời gian, bút pháp hiện thực của anh đã có sự thay đổi, nhưng mục đích cuối cùng của Lương Nguyên Minh thì không hề thay đổi: Vẫn là lột tả được hiện thực khách quan, lột tả được sự chân thực của đối tượng được phản ánh. Thử nhìn qua cách tạo không gian và màu sắc trong tác phẩm “Bản sắc Nam Tây Nguyên” để thấy, tuy có hơi hướng ngả sang lập thể nhưng kỳ thực, nó vẫn được mô tả bởi bút pháp mô phỏng. Bằng kỹ năng sử dụng chất liệu sơn dầu nhuần nhị, cộng thêm sự quan sát tinh tế các chuyển động của ánh sáng, cùng khả năng nắm bắt các mã văn hóa ẩn trong mỗi mẫu vật (kèn bầu, tù và, cồng chiêng, cây nêu, đầu trâu, chim klao...), phối hợp với sự sắp đặt bố cục không gian và kỹ thuật nhảy màu của sơn dầu, anh đã vẽ nên một miền cao nguyên trù phú.

Lương Nguyên Minh tỏ rõ sự thấu hiểu về văn hóa bản địa. Tâm tưởng của anh như đang đồng điệu với tinh thần hạo nhiên, sự phóng khoáng của những người con Tây Nguyên yêu rừng, yêu tự do, yêu âm nhạc. Tiếng nói của Lương Nguyên Minh thông qua hội họa xuất phát từ hiện thực đời sống nhưng không phải đời sống như mắt thấy. Nó là đời sống mang sắc thái thẩm mỹ. Anh giãi bày tư duy hiện thực và tạo nên những ngẫu hứng mỹ cảm cho đời sống.

Trịnh Chu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-duy-hien-thuc-va-nhung-ngau-hung-my-cam-cho-doi-song-post457898.html