Tư duy làm du lịch khác biệt của ông chủ Tập đoàn Tuần Châu

Tại hội thảo 'Động lực phát triển kinh tế từ du lịch' do Báo Thanh niên tổ chức sáng nay 28-10, bên cạnh những tranh luận của các chuyên gia xoay quanh chủ đề làm thế nào để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch và đánh đổi, rủi ro các nhà đầu tư kinh doanh du lịch tiên phong... ông Dương Hồng Sơn, Tổng Giám đốc phía Nam Tập đoàn Tuần Châu đã dành thời gian chia sẻ về tư duy làm du lịch khác lạ và 5 'chiến thắng' ở bất kỳ dự án nào từ vị thủ lĩnh đó là ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu.

Cảng Tuần Châu hiện giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương và thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Ảnh: Minh Tuấn.

Cảng Tuần Châu hiện giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương và thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Ảnh: Minh Tuấn.

Ông Dương Hồng Sơn cho biết, Tập đoàn Tuần Châu được lãnh đạo bởi ông Đào Hồng Tuyển, cựu binh của Đoàn tàu Không số huyền thoại. Vì là một người lính nên ông có những tư duy khác với những doanh nhân đương đại, đó là: “Làm những việc người khác chưa nghĩ tới, hoặc có nghĩ tới nhưng không dám làm”.

Với tư duy kinh doanh tiên phong, đột phá, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, ông Sơn nhận thấy tất cả những công trình ông Đào Hồng Tuyển làm đều mang lại chiến thắng cho 5 bên. Thắng lợi đầu tiên mà dự án Tuần Châu mang lại đó là cho người dân địa phương.

Cụ thể, năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển đã “đổ tiền xuống biển” lần 1 để xây dựng con đường vượt biển khiến một số người nghĩ ông điên! Bởi trong hoàn cảnh đó, trang thiết bị còn lạc hậu nhưng ông Tuyển dám làm đường vượt biển gần 2,5km giữa sóng to bão táp, vòng xoáy của cơn khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của người lính, sau 3 năm công trình đã hoàn thành nối được hòn đảo sơ khai cùng một làng chài nghèo nhất cả nước với đất liền để giờ đây người dân Quảng Ninh tự hào vì sau một chặng đường 20 năm nhìn lại thì từ một làng chài nghèo nhất Việt Nam nay đã trở thành một phường Tuần Châu khang trang thịnh vượng.

Thắng lợi thứ hai đó là đối tác. 2013 là năm chúa đảo Tuần Châu đổ tiền xuống biển lần 2 khi ông cùng đội ngũ cộng sự quyết định xây Cảng tàu thủy nội địa và quốc tế. Sau 3 năm xây dựng, Tuần Châu nay đã hình thành và đưa vào sử dụng một cảng tàu, bến đậu dài hơn 10km. Cảng tàu có thể cùng một lúc chứa được 2.200 tàu đậu và tránh trú bão, mỗi ngày có hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hơn 1.000 doanh nghiệp; tạo công ăn việc làm cho hơn 11.000 lao động…

Trong khi chính quyền các địa phương hiện nay lúng túng trước dư luận dự án du lịch xâm hại tới cảnh quang, môi trường, tài nguyên, thì ông Sơn khẳng định việc hình thành dự án bến cảng của Tuần Châu là một minh chứng thành công của chính quyền địa phương.

Ông Sơn dẫn chứng, trước khi có bến cảng Tuần Châu thì tàu thuyền đậu rải rác khắp nơi, nhà nước và chính quyền không thể quản lý hết được, việc kiểm định an toàn và chất lượng không đảm bảo và đã xảy ra nhiều vụ chìm, cháy làm mất niềm tin của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt nhà nước thất thu rất nhiều vì các hoạt động chui trái phép của một số công ty du lịch. Nhưng, kể từ lúc có bến cảng Tuần Châu, công tác quản lý dễ dàng hơn, kèm theo đó giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho người dân địa phương và thu ngân sách mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng.

Thắng lợi thứ tư là khách hàng. Theo đó, với sự hình thành của bến cảng Tuần Châu đang giúp khách du lịch trong và ngoài nước tham quan ngoạn cảnh kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thuận tiện dễ dàng và hưởng được nhiều tiện ích mang tầm quốc tế. Bến cảng tạo cho du khách một chuyến đi nhiều ý nghĩa và đầy thi vị. Đồng thời nâng tầm du lịch nước nhà lên tầm khu vực và thế giới.

Và thắng lợi cuối cùng đó là chủ đầu tư. Từ hòn đảo sơ khai, bùn lầy ngập mặn, ông Đào Hồng Tuyển đã tạo nên những công trình mang lại giá trị cho người dân; môi trường cho đối tác kinh doanh; nguồn thu ngân sách lớn và ổn định việc làm và tình hình kinh tế chính trị cho địa phương; du khách trong nước và quốc tế và cuối cùng là công ty tạo được giá trị thặng dư để tiếp tục đầu tư.

Theo ông Sơn, đất nước ngày một phát triển, người dân ngày một giàu lên thì nhu cầu về du thuyền cũng bắt đầu nhen nhóm. Nhưng câu hỏi đặt ra là chỗ đậu an toàn ở đâu? Cách chơi và làm ăn như thế nào? Hợp tác với bạn bè chơi du thuyền thế giới ra sao? Từ những trăn trở trả lời những câu hỏi trên đã thôi thúc Tập đoàn Tuần Châu quyết định xây dựng Cảng du thuyền quốc tế. Vừa qua, Tuần Châu đã ký hợp tác với Tập đoàn SUTL - đơn vị đang điều hành 9 bến du thuyền khắp thế giới. Sự hợp tác này sẽ mang lại một diện mạo mới cho du lịch Việt Nam về phát triển kinh tế và du lịch biển.

Bên cạnh đó, để tạo động lực cho phát triển kinh tế mà đặc biệt là kinh tế về đêm, Tập đoàn Tuần Châu đã đầu tư và cùng hợp tác đầu tư thành công 2 dự án văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đó là: Tinh Hoa Bắc Bộ tại Hà Nội, và được CNN bình chọn là điểm đến khi du khách đến thăm Hà Nội; Ấn tượng Hội An tại Hội An cũng là điểm không thể bỏ qua khi du khách đến tham quan Hội An.

Ngoài ra, Tập đoàn Tuần Châu cũng rất mong mỏi được hiến kế cho TPHCM “Xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng của TPHCM” bằng chương trình: “Tinh Hoa Nam Bộ - Tinh hoa Việt Nam”, với mục tiêu tạo điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước đồng thời tạo động lực cho TP phát triển kinh tế ban đêm.

“Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển điều hành có được thành công như hôm nay là nhờ tuân thủ nguyên tắc cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên. Chúng ta hiểu rằng, những thắng cảnh đẹp cần được bảo vệ tôn tạo, những nơi sỏi đá đầm lầy, sạt lở cần phải cải tạo khai thác hiệu quả. Tất nhiên, chúng ta cũng phải chấp nhận trả cái giá tương xứng để phát triển ngành công nghiệp không khói vững mạnh”- ông Sơn, nói.

Minh Tuấn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/tu-duy-lam-du-lich-khac-biet-cua-ong-chu-tap-doan-tuan-chau-73590.html