Tư duy về giao thông 'xanh' đang thay đổi thế nào?
Nhiều thành phố phát triển trên thế giới lại tìm về với hình thức di chuyển đơn sơ như xe đạp và đi bộ nhưng với một tư duy khác.
Sau nhiều thập kỷ tập trung phát triển những phương tiện cá nhân phục vụ mục đích di chuyển nhanh, thuận tiện như xe máy, ô tô, đến nay nhiều thành phố phát triển trên thế giới lại tìm về với hình thức di chuyển đơn sơ như xe đạp và đi bộ, nhưng với một tư duy khác.
Ưu tiên xe đạp điện, phương tiện công cộng
Gần đây nhất, thành phố Leeds, nằm ở phía Bắc nước Anh đã thử nghiệm miễn phí sử dụng xe đạp điện cho người tham gia giao thông nhằm khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Chương trình này cho phép người dân sử dụng xe đạp điện miễn phí trong 2 tuần, được dùng xe lên tới 16km/1 chiều. Chính quyền thành phố chuẩn bị sẵn 15 xe đạp, trong đó 10 chiếc có khung cố định và 5 chiếc khác có thể gập lại.
Mô hình xe đạp điện nối tiếp một cuộc thử nghiệm khác đã được chính quyền Leeds thực hiện trước đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và các quỹ từ thiện sử dụng xe tải nhỏ chạy bằng điện với giá 0 đồng.
“Chúng tôi đang nỗ lực để biến xe đạp trở thành lựa chọn thường nhật cho mọi người dân ở Leeds. Đây là một phần trong chiến lược vận tải của thành phố. Xe đạp điện có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành phương tiện dễ sử dụng, dễ tiếp cận với nhiều người”, ông James Lewis, Phó chủ tịch vận tải Hội đồng TP Leeds cho biết trong một thông báo.
Ngoài Leeds, hiện tại có một số thành phố khác cũng khuyến khích sử dụng xe đạp điện như London (Anh). Một số khu vực tại đây mở ra những mô hình tương tự như Leed, điển hình là chương trình của công ty Human Forest thử nghiệm cho thuê xe điện miễn phí trong 20 phút/ngày.
Sau đó khi nhu cầu tăng cao, họ mới bắt đầu mở rộng, đi vào làm dịch vụ, tính phí sạc 0,12 pence/phút (khoảng 3.600 VNĐ) tại quận Islington và Camden. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng thông báo rót 12 triệu bảng Anh vào quỹ dành cho các dự án nghiên cứu phương tiện điện trong đó có nhiều dự án phát triển sạc pin thần tốc.
Nhiều thành phố khác như Paris (Pháp), không dừng ở phát triển những hệ thống xe đạp điện tiên tiến mà còn thực hiện chương trình kích cầu sử dụng phương tiện công cộng, thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Hiện tại, trong giai đoạn đầu, Pháp miễn phí phương tiện vận tải công cộng cho trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) tại Thủ đô Paris, bắt đầu từ tháng 9. Thời gian thực hiện trùng khớp với thời điểm học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ hè tại Pháp.
Tái thiết hạ tầng
Về lâu dài, để thay đổi suy nghĩ người dùng, thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ, xe đạp như một thói quen thường nhật, những chính sách miễn phí khó có thể duy trì. Vì vậy, tạo ra môi trường thuận tiện, dễ tiếp cận để người dân có thể sử dụng các phương tiện này hàng ngày đang là mục tiêu mà nhiều nước trên thế giới hướng đến.
Hiện tại, đã có rất nhiều thành phố xây dựng làn đường riêng dành cho xe đạp, mở vỉa hè rộng cho người đi bộ. Những ngã tư, ngã năm nhộn nhịp xe đi lại lâu nay được coi là mê trận với người đi bộ và đi xe đạp, được thay đổi để tôn trọng những người sử dụng loại phương tiện dễ tổn thương này hơn.
Bắt đầu từ cuối tháng 7, thành phố Cambridge của Anh - vốn nổi tiếng với những ngã ba, ngã tư khổng lồ, chính thức đưa vào sử dụng ngã tư “kiểu Hà Lan”. Theo Hội đồng quận Cambridgeshire, ngã tư đặc biệt “lần đầu tiên có tại Anh”, có thiết kế ưu tiên người đi bộ và người đi xe đạp với những làn đường riêng và khi có người di chuyển trên đó, các phương tiện khác bắt buộc phải nhường đường.
Bà Daisy Narayanan, Giám đốc về đô thị hóa tại Sustrans, một quỹ từ thiện khuyến khích người đi bộ và xe đạp cho rằng, các thành phố nên quay trở lại với những hình thức di chuyển như vậy vì để bầu không khí thực sự trong lành. “Điều chúng ta cần là giảm thiểu lượng ô tô hơn chứ không phải thay bằng loại ô tô khác sạch hơn”, Daisy Narayanan nói và giải thích, tuy ô tô điện có thể góp phần giúp giảm khí thải từ động cơ đốt trong của xe sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhưng bụi phát sinh từ phanh và lốp xe của ô tô điện vẫn là nguyên nhân tạo ra lượng bụi mịn ở mức nguy hiểm.
Cũng theo bà, Tổ chức Chuyên gia chất lượng không khí (AQEG) từng công bố nghiên cứu chỉ ra lượng bụi mịn ô nhiễm từ các nguồn phi khí thải (như phanh, lốp xe) cao gấp 1.000 lần so với khí thải từ động cơ. Bởi vậy, nên ưu tiên những giải pháp tác động tốt hơn tới không gian đô thị, cuộc sống, giảm tắc nghẽn và sức khỏe con người.