'Tứ giác Kim cương': Thức giấc sau thập kỷ say ngủ
Ý tưởng về một 'Tứ giác Kim cương' trải từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương đã được hồi sinh sau một thập kỷ giữa nhiều biến động và bất an của năm 2017.
Cuộc gặp gỡ của quan chức Mỹ - Nhật - Ấn - Australia bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines, dù chỉ ở cấp quan chức, ngay lập tức đã kéo theo phản ứng từ Trung Quốc và làm sống lại một ý tưởng tưởng đã "chết yểu" 10 năm trước: "Tứ giác Kim cương".
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài phát biểu tại Việt Nam, cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", khu vực được kết nối với nhau bởi 4 trọng tâm chính là "Tứ giác Kim cương".
Khái niệm "Tứ giác Kim cương" được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra vào cuối năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu của ông. Ý tưởng cũng ngắn ngủi như nhiệm kỳ đầu tiên chỉ kéo dài 1 năm của Abe. Đến năm 2017, "Tứ giác Kim cương" trở lại trong lần thứ 2 Abe làm thủ tướng Nhật. Thách thức đối với "bộ tứ" đã lớn hơn rất nhiều so với năm 2007, nhưng đó cũng lý do các nước đồng ý xúc tiến nó.
Thủ tướng Shinzo Abe trong thời gian nắm quyền, cả nhiệm kỳ ngắn ngủi đầu tiên lẫn sau này, đều xúc tiến việc tạo ra một "châu Á rộng lớn hơn" nơi hàng hóa, con người tự do luân chuyển. Ảnh: AFP.
Tâm huyết thập kỷ của Shinzo Abe
10 năm trước, thủ tướng Abe muốn vận động hành lang để các nền dân chủ của châu Á xích lại gần nhau.
Trong bài viết mang tên Giao lộ của Hai Đại dương, Thủ tướng Abe đã vẽ ra tầm nhìn về sự "sóng đôi năng động" của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, về một "châu Á rộng lớn hơn" vươn đến Mỹ và Australia. Mạng lưới này, trong giấc mơ của Abe, sẽ là khu vực rộng mở, nơi con người, hàng hóa, tiền vốn và kiến thức được luân chuyển minh bạch dưới "vòm cổng của tự do và thịnh vượng".
Kế hoạch này được Mỹ ủng hộ, kéo theo cuộc tập trận trên vịnh Bengal vào tháng 9/2007 với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Singapore. Sau đó, dưới áp lực từ Trung Quốc, Ấn Độ và Australia đã rút khỏi kế hoạch "bộ tứ" này. Đến năm 2012, vào ngày đầu tiên sau khi trở lại vị trí thủ tướng, ông Abe đã cho đăng tải một bài viết kêu gọi phát triển "kim cương an ninh dân chủ châu Á" bao gồm Nhật, Ấn, Mỹ và Australia.
Dù vậy, 4 nước đã cẩn trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ mà không hợp thức hóa một cơ chế hợp tác nào tương tự một liên minh đa phương.
Vào năm 2017, mọi chuyện đã khác. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố New Delhi sẽ lắng nghe ý tưởng hợp tác với các nước khác "trong những vấn đề có thể thúc đẩy lợi ích và nêu được quan điểm của chúng tôi"; Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hàm ý rằng nước bà bỏ ngỏ khả năng hồi sinh diễn đàn "bộ tứ" vì Australia từng tham gia những tương tác thế này, việc có những cuộc thảo luận tiếp theo với 3 nước còn lại là chuyện "tự nhiên".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc gặp bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines. Sẽ mất khá nhiều thời gian nữa để đại diện Mỹ, Nhật, Ấn và Australia họp bàn ở cấp độ bộ trưởng hoặc lãnh đạo. Ảnh: AFP.
Nguyên nhân cho những diễn biến gần đây thường được trỏ về phía Trung Quốc. Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong đại hội đảng hồi tháng 10 nhấn mạnh việc Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường và nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong 2 thập kỷ tới.
Phần lớn các nước vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vướng phải nan đề: một mặt, họ e dè sự bành trướng của Trung Quốc; mặt khác, họ không thể phủ nhận sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh và nước Mỹ, đối trọng lớn nhất của Trung Quốc, lại đang tỏ ra là một đối tác khó lường.
The Diplomat nhận xét rằng dù sự bất định đang bao phủ tương lai chính trị thế giới sẽ đụng chạm đến tất cả, các quốc gia châu Á đang dần nhận thấy họ là những người ở ngay đầu "chiến tuyến". Trong khi sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc đem lại tăng trưởng cho các nước châu Á khác, các mối đe dọa về quân sự và an ninh Bắc Kinh làm dấy lên cũng lớn không kém.
Việc giao thương ở châu Á phụ thuộc vào tự do hàng hải, dù đó là tại Biển Đông hay eo biển Malacca. Kể từ ngày Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Á đã hưởng lợi từ trật tự thế giới do Mỹ áp đặt. Giờ đây, khi sức ảnh hưởng của Mỹ đang có nguy cơ giảm sút, lo lắng lại dấy lên đối với tương lai của trật tự tự do này cũng như khả năng và ý định của Mỹ nhằm bảo vệ trật tự đó.
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" là tham vọng của Trung Quốc nhằm mang tầm ảnh hưởng vượt khỏi châu Á. Ảnh: AFP.
Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch "Vành đai, Con đường". Với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trải dài từ châu Âu đến Nam Á, "Vành đai, Con đường" sẽ xây lên một bầu không khí bao trùm bởi ảnh hưởng của Trung Quốc với quy mô vượt ra ngoài châu Á.
Rất sớm sau khi Thủ tướng Abe chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử Hạ viện Nhật hồi tháng 10, Ngoại trưởng Taro Kono tuyên bố Nhật sẽ đề xuất "đối thoại cấp cao với Mỹ, Ấn Độ và Australia" để thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác quốc phòng khắp Ấn Độ Dương - từ Biển Đông đến châu Phi.
Đồng sàng, dị mộng?
Cuộc gặp hồi cuối tuần trước bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines không cho ra một tuyên bố chung. Bốn bên tự phát tuyên bố của riêng mình và 4 bản tuyên bố cho thấy ưu tiên của các nước khi hồi sinh "Tứ giác Kim cương" còn nhiều khác biệt.
Trong 4 tuyên bố riêng rẽ, các bên đều đề cập đến việc thúc đẩy và vun đắp cho một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", một trật tự xây dựng trên luật pháp, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chống khủng bố. Dù vậy, Ấn Độ đã bỏ đi ưu tiên về "tự do hàng hải và hàng không", "tôn trọng luật pháp quốc tế" cùng "an ninh biển" trong tuyên bố của Nhật Bản không có phần "kết nối". Tuyên bố của Australia và Mỹ có tất cả những điểm trên.
Thủ tướng Abe đã phần nào thành công trong việc hồi sinh "Tứ giác Kim cương", dù vậy giữa các nước vẫn còn nhiều khác biệt lợi ích. Trong ảnh, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau tại một sự kiện. Ảnh: AFP.
The Diplomat nhận định tuyên bố của Ấn Độ cho thấy New Delhi xem "bộ tứ" là cơ hội để nước này tìm kiếm đối trọng với kế hoạch "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Trong khi đó, tuyên bố của Mỹ và Australia nhìn chung "bình tĩnh" hơn và ít dè chừng Trung Quốc hơn so với Nhật hay Ấn Độ.
Trong bài viết đăng trên Channel NewsAsia, chuyên gia chính trị Rohan Mukherjee của trường Yale-NUS (Singapore) lưu ý rằng lợi ích xung đột bên trong "bộ tứ" là không thể tránh khỏi khi cả Nhật và Australia phụ thuộc vào Trung Quốc ở 22% sản lượng thương mại của họ. Bản thân mối quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản cũng có thể không suôn sẻ khi ông Trump, trong cùng bài phát biểu về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã đòi hỏi một sự giao thương "công bằng" hơn. Nhật Bản cũng là nước có thặng dư thương mại so với Mỹ.
Ở một mặt khác, việc hồi sinh "Tứ giác Kim cương" bị ông Makherjee nghi vấn là ý đồ của Mỹ nhằm san sẻ bớt trách nhiệm cho các đối tác để duy trì trật tự tại châu Á.
"Ngày nay, nước Mỹ đã yếu hơn ít nhiều, vừa rút khỏi nhiều cam kết trước đó, công khai chất vấn các đồng minh và cư xử theo cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự khu vực", ông nói.
Nếu đây thật sự là ý định từ Washington thì "Tứ giác Kim cương" sẽ không có sự đóng góp tích cực của Mỹ, và vì thế "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở" sẽ chỉ là một câu khẩu hiệu để nói miệng, mặc cho thời gian trôi đi và thế giới biến đổi.
Một số người lo ngại "Tứ giác Kim cương" được Mỹ thúc đẩy do Washington muốn đẩy bớt trách nhiệm cho các đối tác trong việc duy trì trật tự khu vực, mặt khác, các nước còn lại xem đây là việc cần lắm trước sự bất định của chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.
"Bộ tứ đã trở lại. Có thể nó sẽ không thể hoạt động như cách mà nhiều người đã muốn. Nhưng tín hiệu từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là các nước trong khu vực sẵn lòng chung tay để ứng phó lại sự bành trướng của Trung Quốc và thiếu sót của Mỹ", The Diplomat nhận định.
VIDEO: TT Trump đăng video 'cảm ơn châu Á'
Tổng thống Mỹ đăng tải trên Twitter video chia sẻ những hình ảnh về chuyến công du châu Á vừa kết thúc, trong đó có nhiều cảnh quay ở Việt Nam.
Phương Thảo
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-giac-kim-cuong-thuc-giac-sau-thap-ky-say-ngu-post795956.html