Tự giác nêu gương!

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, 'nêu gương' luôn là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên 'tự giác nêu gương' là điểm nổi bật.

(baophutho.vn) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “nêu gương” luôn là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên “tự giác nêu gương” là điểm nổi bật.

Có thể hiểu, đảng viên tự giác nêu gương chính là làm gương thấm nhuần và thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn là những chuẩn mực đạo đức để quần chúng soi rọi, noi theo. Nếu đảng viên không gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống thì chủ trương, chính sách của Đảng khó có thể trở thành hiện thực, thậm chí bị thực hiện sai, nhân dân thiếu tin tưởng vào chủ trương, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng sẽ hạn chế về ý nghĩa thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay qua mạn đàm, thăm nắm thấy vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên công chức, viên chức chưa gương mẫu”, chưa thể hiện vai trò tiên phong trước quần chúng nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước. Điều đó đã gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, tổn hại đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, hạ thấp sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Để việc tự giác nêu gương đi vào thực tiễn và có ý nghĩa thiết thực, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp về việc “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên, “tự giác nêu gương” tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng tiến lên. “Tự giác nêu gương” học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “tự giác nêu gương” đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Tự giác nêu gương không chỉ ở lời nói mà ở chính việc làm của cán bộ, đảng viên, bởi vì cán bộ, đảng viên là người dẫn dắt quần chúng, muốn quần chúng làm theo thì bản thân phải là tấm gương, phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Nếu cán bộ, đảng viên không có uy tín với xóm làng, khối phố, khu dân cư thì không thể nói họ gương mẫu được; cũng không thể nói là nêu gương nếu cán bộ, đảng viên chỉ “thuyết giáo” - yêu cầu mọi người chấp hành pháp luật còn mình thì “đứng ngoài pháp luật, thậm chí đứng trên pháp luật”.
Nêu gương cần tự giác và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thường xuyên, trên mọi lĩnh vực.

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/sinh-hoat-tu-tuong/202204/tu-giac-neu-guong-183717