Từ hành trình gian nan cấp cứu nạn nhân bão lũ đến nỗ lực tái thiết sau thảm họa
Sau đêm thức trắng chống lũ, Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên tiếp nhận người đàn ông 50 tuổi đưa cháu vào cầu cứu: 'Cả Làng Nủ sạt lớn', các y bác sĩ vội vã lên đường. Lũ đi qua, bệnh viện lại nhanh chóng tái thiết để đảm bảo việc điều trị luôn thông suốt.
LỜI TÒA SOẠN
Cơn bão Yagi đi qua để lại những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc. Trong bối cảnh đó, tái thiết sau bão lũ trở thành nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để khôi phục lại cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Tái thiết sau bão lũ chia sẻ về những nỗ lực khắc phục hậu quả, giúp cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc hơn trước những thách thức của thiên tai.
Tin dữ từ người đàn ông đưa cháu đi cấp cứu
Đêm 9/9, toàn huyện Bảo Yên (Lào Cai) mất điện do cơn lũ lịch sử, nhiều nơi ngập chìm trong biển nước. Các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đang gồng mình chống lũ, căng sức điều trị và chăm sóc người bệnh. Hàng chục y bác sĩ thức trắng đêm chuyển thiết bị máy móc lên cao, cố gắng bảo vệ chiếc máy chụp CT gần chục tỷ đồng vừa mới mua, sắp bị ngập.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, nhớ lại từ sáng sớm 10/9, toàn bộ y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện tập trung tại cơ quan, Công an huyện Bảo Yên cũng vào hỗ trợ chống lũ lụt.
Đến hơn 8h, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, người ướt đẫm đi từ Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đưa cháu bé 11 tuổi ra cấp cứu. Ông hốt hoảng nói với các bác sĩ, công an trực lụt ngập: “Làng Nủ sạt lớn rồi, tất cả nhấn chìm trong bùn đất. Vợ và các con tôi cũng bị cuốn trôi”.
Ngay lập tức, đoàn cứu hộ của UBND huyện, công an, quân đội và các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã lên đường vào điểm sạt lở. Họ không biết rằng vụ sạt lở kinh hoàng như vậy.
Cả đoàn đi bộ 4 giờ liên tục mới đến được hiện trường. Từ 14-16h cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên tiếp nhận 16 người. Ngay lập tức, Khoa Cấp cứu phân loại mức độ bệnh nhân.
Bệnh viện báo cáo với Sở Y tế, các bệnh viện tuyến trên để hỗ trợ. Do đường từ vùng lũ đã có nhiều đoạn bị hỏng nặng, sạt lở, phương án duy nhất là vận chuyển người bệnh bằng xe tải đến bệnh viện.
Những ngày đau thương bao trùm Làng Nủ, các y bác sĩ vẫn nỗ lực không quản ngày đêm làm việc. Đến nay, các bệnh nhân đã ra viện, chỉ còn 2 người điều trị nội trú.
Sau 2 tuần cơn lũ quét đi qua, bác sĩ Hoàng Xuân Hải (28 tuổi, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai) đi làm trở lại. Trong vụ lũ quét này, đại gia đình anh mất 15 người thân. Đến ngày 22/9, họ mới tìm được thi thể 11 người.
Bác sĩ Hải biết tin dữ khi đang làm việc tại viện. Nghe đồng nghiệp chạy tới hỏi thăm: “Có lũ quét ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (quê Hải), gia đình có sao không?”, anh trấn an chính mình và trả lời: “Nhà bà ngoại em ở Làng Nủ nhưng xa đồi lắm”. Dù vậy, lòng bác sĩ Hải nóng như lửa đốt, anh nhiều lần điện thoại về quê đều không liên lạc được. Cuối giờ chiều, bác sĩ Hải nhận được lời nhắn của một người thân: “Về đi, anh em nhà mình chết hết rồi”.
“Tôi sốc nặng, không nói được gì, cổ họng khô khốc. Tôi vội gọi cho trưởng khoa chỉ nói được một câu: 'Mai cô cho cháu xin nghỉ'. Hai tay run lên cầm cập, tôi nhắn tin trình bày lý do. Sau đó, ban lãnh đạo bệnh viện, khoa đều gọi động viên”, bác sĩ Hải kể.
Ngày 11/9, bác sĩ Hải đi xe máy về quê. Khi tới làng, anh chỉ còn thấy cảnh tan hoang, tang thương. Nhiều quan tài nằm xếp chồng, trong đó có thi thể người thân của anh.
“Tôi từng tiếp xúc nhiều với sự mất mát nhưng đứng trước bãi bùn đất từng là nơi sinh sống của nhà bà ngoại, các cậu, dì, tôi lặng người, nước mắt lăn dài, cảm giác bất lực tới tận cùng. Mọi người gào khóc trong vô vọng”, bác sĩ trẻ nói.
Mỗi ngày, anh cùng những người may mắn sống sót đi nhận diện thân nhân đã mất và chôn cất họ. Gia đình bà ngoại bác sĩ Hải có 10 người con, sau cơn lũ chỉ còn 4.
“Trong đống đổ nát đó, chúng tôi đi lại trên bãi hoang tàn với hy vọng biết đâu tìm được người thân của mình nằm ở dưới”, giọng bác sĩ Hải vẫn thất thần chưa tin vào sự thật.
Nỗ lực tái thiết từ nghịch cảnh
Hai tuần sau cơn lũ, bác sĩ Phạm Hồng Việt cho biết Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã làm việc bình thường. Số bệnh nhân tăng 10% do thời gian cô lập, đi lại khó khăn. Những thiết bị hỏng hóc, chủ yếu là máy móc văn phòng, được khắc phục dần.
Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có 27 cơ sở y tế bị ảnh hưởng do bão lũ, trong đó có 3 bệnh viện, 24 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực bị ngập, tường nứt, đổ, sạt taluy gây lún, các thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, tủ thuốc bị cuốn trôi, hư hỏng. Tổng kinh phí thiệt hại khoảng 12,7 tỷ đồng.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết ngành y tế tỉnh này đang sớm phục hồi, tái thiết để đảm bảo tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Ngoài Lào Cai, nhiều cơ sở y tế ở các tỉnh thành khác cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Tại Yên Bái, 38 cơ sở bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế là 41 tỷ đồng. Nhiều cơ sở bị ngập, sạt lở, sụt lún. Nước rút để lại lượng bùn đất cao hàng mét ngổn ngang. Đến nay, 100% các đơn vị làm việc bình thường, vừa khắc phục, vệ sinh môi trường, đón tiếp khám chữa bệnh.
Những ngày đỉnh lũ, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chia nhau đi thuyền, leo bộ qua đồi vào cơ quan. Dù nhà bị ngập lụt nhưng nhiều nhân viên vẫn đi làm, trực với tinh thần tất cả vì người bệnh. Nhân viên y tế phải hướng dẫn đường đi qua điện thoại để người bệnh đến được bệnh viện cấp cứu. Đây còn là nơi sơ tán cho các gia đình, có cơm ăn nước uống với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Ở Quảng Ninh, Bệnh viện Bãy Cháy là cơ sở y tế chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất do bão số 3 quét qua. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ tổng thiệt hại sau 6 giờ bão quét qua khoảng 20 tỷ đồng, không có thiệt hại về người.
Đến nay, cửa kính, trần nhà đang được sửa chữa bằng ngân sách của bệnh viện. Các khu vực trần nhà bong, gây nguy hiểm đã được tháo gỡ để đảm bảo an toàn. Trong và sau bão, công tác khám chữa bệnh và cấp cứu vẫn đảm bảo 24/24h, không người bệnh nào bị bỏ sót.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Việt, Giám đốc bệnh viện, chia sẻ sau bão số 3, đơn vị bắt tay vào khắc phục thiệt hại ngay, thiết yếu nhất là hệ thống điện, nước. Hệ thống máy phát điện được vận hành liên tục và bệnh viện kết nối với các đơn vị cung cấp xe nước sinh hoạt để phục vụ khám chữa bệnh. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo được lọc máu ngày từ 8/9.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát đánh giá thiệt hại tại các cơ sở y tế từ trạm y tế tới các bệnh viện tuyến tỉnh.
Theo ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, y bác sĩ các bệnh viện của Bộ Y tế đã trực tiếp cấp cứu, điều trị và duy trì kết nối liên tục 24/24h với những cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho người bị thương tích... Bộ Y tế nhanh chóng hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề.
Chung tay cùng khó khăn của các cơ sở y tế chịu ảnh hưởng của bão lũ, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thông tin đơn vị này đã thành lập đội ứng phó, đội cấp cứu lưu động ngoại viện để hỗ trợ chuyên môn, trang bị đầy đủ các loại thuốc thiết yếu, thiết bị để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thành lập Ban điều hành do Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban và 8 tổ y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới, cơ sở y tế lân cận hoặc các địa điểm có nạn nhân của bão.
Để hạn chế tình trạng dịch bệnh phát sinh do ô nhiễm môi trường sau bão lũ, Bộ Y tế đã nhanh chóng cấp phát các hóa chất khử khuẩn theo đề nghị của các tỉnh phục vụ. Công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn nước sinh hoạt ở các cơ sở y tế được tiến hành ngay sau khi bão lũ đi qua. Đặc biệt, Bộ còn đề xuất các địa phương khẩn trương rà soát thống kê thiệt hại về hạ tầng, tài sản, trang thiết bị đối với các cơ sở y tế để có phương án khắc phục, sửa chữa, sớm trở lại hoạt động bình thường.