Từ hành trình trái Xoài nghĩ về đặc sản địa phương
Từ miền Nam, Xoài ngược ra Bắc
mang theo câu hò điệu lý chín dòng sông
mang theo tấm lòng nông dân miệt vườn…
Liên tưởng vui về lời hát thân thuộc, ngắm nhìn hình ảnh Xoài chín vàng của Đất Sen Hồng hiện diện trang trọng ở Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam, ngẫm ra nhiều điều mong được chia sẻ. Vậy là trái Xoài Đồng Tháp tiếp tục vững bước trên hành trình “nâng tầm vị thế”. Bài đăng trên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp về hình ảnh các vị Đại biểu Quốc hội thưởng thức hương vị ngọt thơm của trái Xoài ghi nhận nhiều phản hồi, hưởng ứng. Có ý kiến tin rằng, nếu tiếp tục được quan tâm, với cách thức tiếp cận sát sao, mới mẻ, thì đặc sản địa phương còn đi xa hơn nữa.
Nhớ lại gần đây, buổi đón tiếp và làm việc với Đoàn Nghị sĩ và Thống đốc Nhật Bản để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Một vị Thống đốc say sưa giới thiệu về trái nho của địa phương mình, với một gói nho sấy, có thiết kế bao bì bắt mắt, kèm theo tờ bướm nhỏ. Tờ bướm nhỏ thôi mà cung cấp đầy đủ thông tin về các chủng loại nho, cách chọn quả nho ngon, cách thưởng thức ngon nhất, cách bảo quản thế nào, rồi mùa vụ trong năm ra sao.
Hình như nước bạn luôn nhất quán tư duy thị trường, tư duy bán hàng, tư duy tiếp thị, không phân biệt là doanh nghiệp, nông dân hay công chức nhà nước. Hơn nữa, hình như không chỉ là kinh doanh đặc sản, mà thông qua đó, là giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, thương hiệu quốc gia. Vị Thống đốc còn chia sẻ thêm, người nông dân trồng ra trái nho là những nghệ nhân tỉ mẩn chăm chút cho cây cho trái như một tác phẩm. Và các vị Thống đốc trong Đoàn cũng đều trân trọng đưa sản vật quê nhà theo cùng chuyến công tác và giới thiệu, trao tặng với tất cả tình cảm tự hào.
Thế mới hình dung thêm về sự chu đáo, tinh tế trong cách thức tiếp thị, quảng bá đặc sản của đất nước “Mặt Trời mọc”. Thế mới hiểu sâu hơn về hai chữ “đặc sản”. Theo định nghĩa, đặc sản là tên gọi chỉ những sản vật, sản phẩm, hàng hóa, thường là nông sản, mang tính đặc thù, hoặc có điểm đặc biệt, riêng có từ những vùng, miền, địa phương và tạo nên những nét đặc trưng của một vùng, miền, hay một địa phương nào đó. Đặc sản khác hẳn với những sản phẩm thông thường. Cũng cùng một loại nông sản, nhưng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cách trồng, cách chăm sóc, cách thu hoạch và sau thu hoạch (đóng gói, chế biến), cách thức tiếp thị… sẽ tạo nên sự khác biệt. Sự khác biệt có thể đến từ câu chuyện thực tế khơi gợi cảm xúc cho người tiêu dùng.
Trăn trở thay, khi đặc sản nơi này nơi kia bỗng chốc mất hút, sau khi được quảng bá, tiếp thị, được một vài chuyến hàng xuất khẩu. Không ít đặc sản còn trở thành sản phẩm thông thường, do thiếu sự chăm chút, giảm dần chất lượng, hay bị trộn lẫn với những sản phẩm của địa phương khác…
Đặc sản phải là niềm tự hào của địa phương, của cộng đồng người nông dân dày công tạo nên. Từ niềm tự hào đó, cộng đồng sẽ biết nâng niu, vun đắp, với sự trợ lực của lãnh đạo, ngành chuyên môn địa phương. Nếu người sản xuất không biết trân quý sản phẩm đặc trưng, riêng có của mình, thì làm sao người tiêu dùng có thể cảm nhận được hết giá trị và công sức làm nên đặc sản? Nếu lãnh đạo, ngành chuyên môn địa phương không chủ động, tích cực “bán hàng”, xúc tiến thương mại cho đặc sản quê mình, thì làm sao mà thị trường gần xa có thể biết đến và tin dùng, ưa chuộng?
Người nông dân, doanh nghiệp, lãnh đạo, ngành chuyên môn địa phương đưa đặc sản đi quảng bá, tiếp thị, cần tìm hiểu cảm xúc, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, xu thế của thị trường... Ngày nay, người ta thông qua đặc sản còn để quảng bá hình ảnh địa phương, chứ không chỉ là chuyện mua bán, kinh doanh đơn thuần. Người tiêu dùng, một khi thưởng thức, sử dụng một đặc sản, có thể hình dung và lưu vào tâm trí hình ảnh về vùng đất, con người của địa phương đó. Những cảm xúc tích cực về một đặc sản sẽ nối kết những đặc sản khác, có sức hút để nhiều người tìm đến, trải nghiệm thực tế. Nông nghiệp du lịch sẽ được phát triển ngay từ hành động đưa đặc sản đi xa. Đưa đặc sản địa phương đi xa, giới thiệu, quảng bá ở phương xa cần xem là cơ hội, thậm chí chỉ được một lần. Ấn tượng lần đầu thường khó phai, không ai có cơ hội thứ hai để tạo nên ấn tượng lần đầu, nên cần phải dốc sức chuẩn bị thật chu đáo, chỉn chu. Càng chu đáo, chỉn chu, càng thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi.
Đất Sen Hồng, ngoài trái Xoài Cao Lãnh, còn bao đặc sản khác: cam quýt Lai Vung, mận Hòa An, nhãn Châu Thành, sen Tháp Mười, ấu Lấp Vò… Đất Sen hồng còn bao sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề. Đất Sen hồng còn bao sản phẩm nhiều tiềm năng, đầy hứa hẹn, mạnh dạn ứng dụng đổi mới, sáng tạo của “Đàn Sếu khởi nghiệp”. Đất Sen Hồng còn bao sinh cảnh, địa danh có thể tạo nên giá trị đa tầng như: Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít, Đồng Sen Tháp Mười, Làng Hoa Sa Đéc… Tất cả cần có kế hoạch quảng bá kết nối tổng thể, tiếp thị chỉn chu, mới mẻ, như một chiến lược truyền thông bài bản, chuyên nghiệp. Nền nông nghiệp chuyên nghiệp cần đến cách thức thương mại hóa, quảng bá chuyên nghiệp.
Thương hiệu là nhãn hiệu mà người ta thương. Muốn người tiêu dùng thương và trân quý sản phẩm, đặc sản mình dày công tạo ra, mỗi người nông dân cần nâng niu, yêu thương nông sản, đặc sản của mình, biết giữ gìn, chăm chút chất lượng để trao đến người tiêu dùng những điều tốt đẹp, giá trị nhất. Mỗi người dân địa phương, thay vì dòm ngó hay phán xét, có thể tin dùng và đóng góp cho đặc sản địa phương ngày thêm hoàn thiện hơn. Mỗi lãnh đạo, mỗi công chức, viên chức ngành chuyên môn địa phương càng sâu sát, dấn thân, càng tự hào về từng đặc sản, càng thêm tình cảm gắn bó người nông dân. Khi ấy, mỗi chuyến đưa đặc sản địa phương đến với phương xa, không chỉ là sự chuẩn bị chỉn chu, chăm chút để giới thiệu chất lượng, hương vị, quảng bá hình ảnh, mà hơn hết là trao gửi tình yêu dành cho quê hương, xứ sở.
Với mỗi người, quê hương gắn bó sâu trong tâm khảm, gần gũi đến kỳ lạ. Như khi ăn một miếng xoài, thẩm thấu bằng vị giác, khứu giác hương vị thơm ngọt, sẽ gợi nhắc ta về với miền quê nơi có những khu vườn trĩu quả. Dù có đi đâu xa, hơi thở của quê hương vẫn bên ta, để ta luôn có một góc nhỏ bình yên tâm hồn.
“Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người!”