Từ hành trình tri ân đến những giọt nước mắt hạnh phúc

Những ngày tháng 7, trên dải đất hình chữ S, đã có gia đình dừng hành trình tìm kiếm người thân là các anh hùng, liệt sĩ trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Họ đã khóc, giọt nước mắt của niềm khắc khoải mong chờ 50 năm qua hoặc lâu hơn nữa để tìm người thân, và hơn hết, tên tuổi, địa chỉ của liệt sĩ đã được trả lại đúng nghĩa.

Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

Cuộc điện thoại chứa chan niềm vui

Là một trong 16 gia đình nhận tin vui, cô Nguyễn Thị Lan (SN 1960), em gái của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội khóc nghẹn khi nhắc đến anh trai. Theo lời cô Lan kể, năm 1972 anh trai đi bộ đội thì đến 1973 gia đình nhận được giấy báo tử ở mặt trận phía Nam và không biết hy sinh ở đâu, gia đình nhận được kỷ vật của anh trai là đồng hồ, ba lô...

Hằng năm, ngày giỗ của anh trai, gia đình vào nhà thờ làm lễ cầu nguyện, còn đến ngày 27/7, ở địa phương tổ chức thắp hương ngoài nghĩa trang, gia đình bà Lan đều đi và khấn cầu mong anh trai linh thiêng báo mộng về. Nhưng, nhiều năm gia đình đi tìm đều không thấy mộ và mọi hy vọng tìm kiếm hài cốt dường như đi vào ngõ cụt.

Ông Nguyễn Văn Mão xúc động kể lại hành trình tìm kiếm hài cốt anh trai là liệt sĩ Nguyễn Duy Thanh.

Ông Nguyễn Văn Mão xúc động kể lại hành trình tìm kiếm hài cốt anh trai là liệt sĩ Nguyễn Duy Thanh.

Rất may, sau đó, gia đình bà Lan nhận được thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình tiến hành thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính. Dù chỉ còn chút hy vọng nhưng mấy anh em bà Lan đều cùng đến Công an tỉnh để thu nhận mẫu AND.

“Nào ngờ, niềm vui bao lâu mong chờ đã đến với gia đình, quá bất ngờ và rất nhanh, sau hơn 1 tháng chúng tôi đã nhận được kết quả, khi được Cơ quan công an thông báo đã xác định được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội, mẫu ADN của bà trùng với anh trai, cả gia đình “mừng quá là mừng” rồi ôm nhau khóc, còn anh trai thứ hai Nguyễn Văn Minh (năm nay đã hơn 90 tuổi) chân tuy đã yếu nhưng đứng dậy chắp tay lạy bốn phương” - bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Trong niềm vui chung của 16 gia đình thân nhân được nhận kết quả ADN liệt sĩ trùng khớp lần này, ở tỉnh Nghệ An có trường hợp gia đình bác Nguyễn Văn Mão (SN 1957), huyện Nam Đàn (cũ) cũng đã tìm thấy hài cốt của anh trai, liệt sĩ Nguyễn Duy Thanh.

Bác Mão tâm sự, năm 1971, anh trai hy sinh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi bố mẹ mất đều canh cánh dặn dò các con phải tìm được anh trai về. Sau đó, gia đình bác Mão vào tỉnh Quảng Trị tìm 2 lần nhưng không thấy mộ, không tìm thấy bất cứ thông tin nào, như “mò kim đáy bể”, cứ mòn mỏi chờ đợi. Và, đến bây giờ, gia đình như đón nhận phép màu khi chị gái bác Mão là Nguyễn Thị Châu (em gái liệt sĩ Nguyễn Duy Thanh) trong quá trình thu nhận ADN đã trùng khớp.

“Không có niềm vui nào hơn lúc này, chị gái tôi nhận được thông tin đầu tiên và gọi điện thoại thông báo cho các anh em, họ hàng và chị tôi đã khóc. Hiện tại, gia đình mong ngày đưa hài cốt anh trai về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà để hương khói; đồng thời bày tỏ niềm hạnh phúc, xúc động và biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các đơn vị chức năng đã giúp gia đình tìm kiếm được anh trai liệt sĩ sau hơn 50 năm, thông qua quá trình giám định AND” - bác Nguyễn Văn Mão cho hay.

Tại tỉnh Thanh Hóa, gia đình bác Trịnh Văn Lai (SN 1958), trú tại xã Đông Thành những ngày này đông người đến chung vui khi biết tin gia đình đã tìm thấy liệt sĩ Trịnh Văn Hai (SN 1952) được xác định chính xác thông qua mẫu ADN của thân nhân. Cũng theo bác Lai, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 4 anh chị em. Trước khi mất, mẹ dặn phải cố gắng tìm được phần mộ, đưa anh Hai về quê với tiên tổ, với bố mẹ, giờ lời dặn của mẹ đã thành hiện thực. “Chúng tôi cũng đã thắp hương cho bố mẹ báo thông tin, dưới suối vàng bố mẹ tôi chắc cũng vui lắm” - ông Trịnh Văn Lai tâm sự.

Công an xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hóa thông báo với gia đình ông Trịnh Văn Lai đã xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ Trịnh Văn Hai.

Công an xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hóa thông báo với gia đình ông Trịnh Văn Lai đã xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ Trịnh Văn Hai.

Còn hai anh em bà Trịnh Thị Hồng (SN 1953) và ông Trịnh Văn Tuấn (SN 1958), trú tại xã Nga An (Thanh Hóa), em của liệt sĩ Trịnh Quang Lâm (SN 1952) gặp nhau vui mừng trò chuyện về cuộc điện thoại bất ngờ nhưng chứa chan niềm vui, hạnh phúc. Hai anh em bà Hồng và ông Tuấn, đôi bàn tay nhăn nheo cầm lấy ảnh, giấy tờ của anh trai để xem ngắm nghía, lau chùi, tủm tỉm cười với di ảnh và nói: “Từ nay cả phần hồn và xác của anh đã về với chúng em, với gia đình mình. Các em không phải đi ngược xuôi tìm kiếm anh nữa. Mọi chuyện đã là quá khứ, anh linh thiêng hãy phù hộ cho đại gia đình”.

Ký ức vẹn nguyên

Cũng tầm này năm ngoái, bà Phạm Thị Vinh (SN 1964), quê ở Thanh Hóa, nay thường trú tại tỉnh Lâm Đồng cũng bất ngờ nhận được niềm vui từ cuộc gọi của các đồng chí Công an. Với bà Vinh, kỷ niệm ra Hà Nội đón chứng nhận kết quả giám định ADN anh trai liệt sĩ Phạm Văn Thước (SN 1954), hy sinh ngày 19/8/1975, tại chiến trường miền nam và được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh như vẫn còn vẹn nguyên. Theo bà Vinh, một năm qua, gia đình đã ăn ngon ngủ yên, không còn canh cánh trong lòng mỗi khi Tết đến xuân về và nhất là vào dịp ngày 27/7.

Bà Vinh kể, nhà có 8 anh chị em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đông con, ai cũng mải làm không có điều kiện đi kiếm tìm anh trai. Sau khi bố mất, mẹ cũng đau yếu, nên bà Vinh đưa mẹ vào ở cùng tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (cũ). Vào những ngày giỗ anh trai, mẹ bà đứng ra thờ cúng ở tại nhà bà. Sau đó, mẹ cũng ốm nặng và trước khi mất dặn bà Vinh: “Ráng kiếm tìm xem anh ở đâu”.

Những ngày sau đó, bà Vinh đi khắp nơi tìm thông tin anh trai. Thời đó không có điện thoại liên lạc, bà cứ đi tìm theo hướng dẫn của đồng đội anh trai, nhưng thông tin trên mộ và giấy báo tử không trùng khớp. Năm 2022, có lần bà nửa đêm còn ở nghĩa trang của TP Thủ Đức, đến ngôi mộ nghi của anh trai để cầu khấn anh linh thiêng chỉ đường dẫn lối tìm thấy hài cốt.

Từ khi thu nhận mẫu ADN, bà Vinh và gia đình ngày nào cũng cầu khấn bên bàn thờ của anh trai, mong chờ ngày, đêm cho trùng khớp kết quả và niềm vui giọt nước mắt hạnh phúc mà như bà Vinh chia sẻ, khi ấy ngỡ “hơn vớ được vàng”. Tháng 7/2024, gia đình bà nhận được thông tin, đến tháng 10, gia đình được lực lượng chức năng hỗ trợ bốc mộ anh trai đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Thanh Hóa, quê nhà của bố mẹ.

Kết quả so khớp ADN của thân nhân và ADN hài cốt liệt sĩ là hành trình không biết mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ Công an. Đây là kết quả bước đầu triển khai nhưng cũng là động lực để Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng và mở động Ngân hàng Gen (ADN) của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính để bù đắp các mất mát to lớn đối với các gia đình liệt sĩ và trả lại danh tính cho các anh hùng, liệt sĩ.

Bộ Công an thu nhận 20.911 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ

Để hiện thực hóa chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước, đồng thời ứng dụng thông tin AND trong Cơ sở dữ liệu căn cước, ngày 17/7/2024, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 356/BCA-C06 triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trong lực lượng CAND...

Ngày 23/7/2024, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Bộ Công an đã phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai thu nhận 20.911 mẫu ADN cho Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đẻ và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn cả nước (789 mẫu năm 2024 và 20.122 mẫu năm 2025), dự kiến hết tháng 7/2025 sẽ thu nhận khoảng 35.000 mẫu ADN của các Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ.

Công an các địa phương tổ chức gần 600 lượt thu nhận lưu động đối với các thân nhân liệt sĩ già yếu, không di chuyển được và tổ chức thu mẫu tập trung tại các địa bàn. Quá trình triển khai của cán bộ, chiến sĩ được thực hiện ân cần, niềm nở với tinh thần phục vụ nhân dân được chính quyền địa phương, nhân dân ủng hộ, ghi nhận.

Đáng chú ý, việc triển khai thu thập, số hóa dữ liệu thông tin liệt sĩ với thông tin thân nhân “họ ngoại” là chưa từng được thực hiện. Thông tin được liên kết, số hóa góp phần đảm bảo tính chính xác khi thực hiện thu nhận mẫu ADN cho đối tượng là thân nhân liệt sĩ. Căn cứ thông tin hài cốt liệt sĩ được quy tập do Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng cung cấp, Bộ Công an rà soát, “làm sạch” thông tin liệt sĩ, thông tin thân nhân và tổ chức lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.

Với số lượng dữ liệu và tài liệu được thu thập hạn chế, tuy nhiên, Bộ Công an đã đối sánh dữ liệu hài cốt liệt sĩ để xác định danh tính của 16 trường hợp ADN hài cốt liệt sĩ, đồng thời hoàn thành hồ sơ công nhận danh tính đối với 16 anh hùng, liệt sĩ.

Để thông tin kết quả đến với gia đình thân nhân liệt sĩ nhanh nhất, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh kết nối để thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ.

Minh Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/tu-hanh-trinh-tri-an-den-nhung-giot-nuoc-mat-hanh-phuc-i775931/