Tự hào 'ánh sáng vùng biên'

Đúng như tên gọi của mình, mô hình 'Ánh sáng vùng biên' do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh triển khai hơn 1 năm qua đã đưa 41 thôn, bản, tổ dân phố xa xôi sáng bừng ánh điện. 'Ánh sáng vùng biên' đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trên hai tuyến biên giới, tăng cường sự gắn bó giữa bộ đội và đồng bào để cùng chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trong chuyến công tác tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đầu tháng 5-2021, đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh hào hứng giới thiệu về công trình “Ánh sáng vùng biên” tại thôn Thượng Sơn. Con đường mòn dẫn về bản nhỏ giờ mang dáng vẻ hiện đại hơn khi hệ thống điện chiếu sáng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi đêm xuống, bản làng sáng bừng ánh điện, khung cảnh mà đối với nhiều đồng bào nơi đây tựa như một giấc mơ.

Bởi mối quan hệ gắn bó “biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nên những người lính biên phòng thấu hiểu được sự quan trọng của ánh điện và niềm mong mỏi của bà con ở những bản làng biên giới khó khăn. Sau những chuyến công tác khảo sát địa hình, lựa chọn địa bàn, với quan điểm “dễ trước khó sau, trên dưới cùng làm”, mô hình “Ánh sáng vùng biên” đã ra đời với sự tham gia tích cực của lãnh đạo Bộ chỉ huy và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ (CB,CS) toàn lực lượng.

Hành trình mang ánh sáng về bản.

Hành trình mang ánh sáng về bản.

Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và các đơn vị đã huy động được 1,6 tỷ đồng để triển khai mô hình. Cùng với số kinh phí nêu trên, lực lượng BĐBP đã đóng góp hơn 2.000 ngày công để khảo sát, thiết kế, thi công, huy động 35 chuyến xe để chở vật liệu.

Kết quả, đã có 39 công trình “Ánh sáng vùng biên” với tổng chiều dài hơn 43km được hoàn thành, mang ánh điện về với 41 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 15 xã, phường khu vực biên giới và vùng biển. So với kế hoạch ban đầu, đã vượt 11 công trình, niềm vui của đồng bào và CB,CS cũng theo đó nhân lên.

Quá trình triển khai mô hình, CB,CS các đơn vị BĐBP trong tỉnh luôn suy nghĩ, nỗ lực sáng tạo để làm sao mô hình phát huy hiệu quả tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho bà con. Lúc đầu, theo thiết kế, các công trình sử dụng bóng đèn điện lưới, tuy nhiên, trên thực tế, một số bản ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn chưa có điện, do đó, thiết kế được điều chỉnh sang bóng đèn năng lượng mặt trời đối với những địa bàn đặc thù.

Mặc dù phương án này sẽ phát sinh thêm chi phí, nhưng tính hiệu quả sẽ cao nên có 11 công trình sử dụng bóng đèn năng lượng mặt trời. Sau một thời gian đưa vào sử dụng cho thấy, các công trình đều phát huy được hiệu quả, bảo đảm thẩm mỹ và phù hợp với điều kiện, nguyện vọng của đồng bào, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi hệ thống hạ tầng còn nhiều khó khăn.

Để hoàn thành hệ thống cột đèn bảo đảm tính thẩm mỹ và bền vững, những CB,CS được Bộ chỉ huy lựa chọn đã thành lập “xưởng cơ khí” tại trụ sở cũ của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và miệt mài thiết kế, gia công. Dù chỉ là những người thợ “tay ngang” nhưng với sự ham mê học hỏi, tinh thần trách nhiệm và tình cảm với đồng bào, các anh đã hoàn thiện thiết kế và gia công bảo đảm cả về chất lượng, thẩm mỹ.

Sau khi được hoàn thành và xuất xưởng, hàng nghìn cây cột đèn được chở về các bản làng, tiếp tục được những người thợ “tay ngang” đo đếm, khảo sát, lắp đặt. Thời gian thi công công trình “Ánh sáng vùng biên”, bản làng đông vui như ngày hội bởi sự chung tay góp sức của đồng bào, bởi những gương mặt đẫm mồ hôi nhưng bừng sáng nụ cười.

Ông Đinh Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), vui mừng chia sẻ: "Từ khi hệ thống điện được đưa vào sử dụng, các trục đường của 4 thôn, bản thuộc xã Hóa Sơn được thắp sáng, ai cũng vui. Không chỉ vậy, công trình đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, các vụ việc như đánh người gây thương tích, trộm cắp... giảm hẳn so với trước đây. Sau một ngày lên nương rẫy, đêm đến, đồng bào lại ra đường để vui chơi, trò chuyện, ca hát, trẻ con thì tập xe đạp, vui chơi. Chúng tôi cảm ơn BĐBP nhiều lắm!"

Không chỉ ở những bản làng xa xôi nơi biên giới phía tây Tổ quốc, mà ở một số thôn của vùng đồng bào có đạo, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các vị linh mục và bà con giáo dân. Những con đường thôn xóm sáng bừng ánh điện không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, mà đã giúp tình quân dân thêm gắn bó, để bà con giáo dân và bộ đội cùng chung tay thực hiện tốt phòng trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

“Dù giá trị đầu tư của mô hình “Ánh sáng vùng biên” so với các chương trình, dự án khác đã và đang được đầu tư tại khu vực biên giới còn khiêm tốn, nhưng mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào nơi biên giới, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 15 xã, phường biên giới. Từ hiệu quả của mô hình, vừa qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lựa chọn để chỉ đạo nhân rộng đối với BĐBP các tỉnh, thành trong toàn quốc!”, đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ.

Ngọc Mai

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202105/tu-hao-anh-sang-vung-bien-2189282/