Tự hào hai tiếng Việt Nam
'Các em ạ, để có được tên nước Việt Nam, dân tộc ta đã trải qua rất nhiều gian nan, thử thách...', giọng cô Thanh Hà trầm lắng, các em học sinh cũng như nhận ra những xúc cảm trong lòng cô mà nín lặng, đợi chờ.
Hôm nay, cô trò Trường Tiểu học Chương Dương (Hà Nội) đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhân có đợt trưng bày hiện vật mới, đó là Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”. Cô Hà nói với tôi: “Học sinh lứa tuổi từ 10 đến 11 bắt đầu có sự say mê và mong muốn tìm hiểu lịch sử anh ạ. Nếu được hướng dẫn đúng, đủ, kịp thời thì biết đâu trong số các em sẽ có những sử gia, phải không anh?”. Cô Hà cho biết thêm, Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” có điểm hay là khái quát lại quá trình lịch sử từ thời lập nước đến nay, trình bày dễ hiểu, hiện vật tuy chưa nhiều nhưng rất quý, giúp các em học sinh hình dung được sự hình thành của đất nước ta.
Tôi theo chân học sinh đi “du hành lịch sử” từ thời dựng nước Văn Lang-Âu Lạc đến những vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những tư liệu lịch sử được lưu giữ tại đây chính là chứng cứ thuyết phục người xem, đúng như những phát biểu của ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong lễ khai mạc: “Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay Chính phủ của mỗi quốc gia. Quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng”.
Trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu tương ứng với từng giai đoạn lịch sử. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng, như: Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam... Việc lựa chọn vùng đất để đặt kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của cả một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Ban tổ chức triển lãm cho biết, trưng bày lần này mong muốn đem đến cho công chúng cả nước và bạn bè quốc tế những tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.
Bất chợt tôi được gặp một người bạn Trung Quốc, đó là anh Lý Đại Vỹ, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Anh Vỹ trước đây từng có thời gian nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, giờ trở lại Hà Nội để học thêm tiếng Việt. Lý Đại Vỹ mê thích lịch sử Việt Nam. Anh cho rằng lịch sử Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Tây nói riêng có sự gắn bó chặt chẽ với lịch sử Việt Nam. Anh Vỹ nói: “Cứ nhìn vào Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” thì đủ thấy, tất cả văn bản này là để khẳng định chủ quyền, tinh thần tự tôn, ý chí độc lập của người Việt đã làm nên sự khác biệt với nhiều dân tộc khác”.
Thời Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên, hiện vật trưng bày là khuôn đúc mũi tên, hiện vật đá 2.500-2.000 năm cách ngày nay, được khai quật tại thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ở thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập, Quốc hiệu Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư dưới các triều Đinh, Tiền Lê, đầu triều Lý, các hiện vật tiêu biểu được trưng bày là đầu rồng, chất liệu đất nung, thế kỷ 10-11, vật liệu trang trí kiến trúc được tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình); cột khắc kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni, dựng năm 973, tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư. Ở nội dung trưng bày Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Thăng Long dưới các triều Lý, Trần, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng những biểu tượng, hiện vật đặc biệt như lá đề hình rồng, gốm men trắng, thế kỷ 11-13, vật liệu trang trí kiến trúc, hiện vật đã được tìm thấy tại Khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Hoàng thành Thăng Long dưới các triều Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng (Hà Nội) và Kinh thành Huế là những di tích rất rõ ràng minh chứng một Đại Việt hùng mạnh trong lịch sử. Các hiện vật như Trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn) hay Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” (triều Nguyễn) đều là những Bảo vật quốc gia… được mọi người chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Nhưng xúc động nhất vẫn là những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ảnh Quốc hội họp để đưa ra những quyết định quan trọng cho đất nước.
Tôi nghe tiếng cô giáo Thanh Hà nói với học sinh: “Tự hào lắm các em ạ! Để có được tên nước Việt Nam hôm nay, dân tộc ta đã phải hy sinh rất nhiều xương máu. Chúng ta đã đấu tranh và giành thắng lợi trước giặc xâm lăng để giữ gìn tiếng nói và phẩm giá, tâm hồn dân tộc. Có bạn nào đọc được bài thơ thần của Lý Thường Kiệt không nào?”. Tiếng học sinh nhao nhao tranh nhau. Tôi thấy nằng nặng nơi mí mắt, lẩm nhẩm tôi đọc theo đám trẻ bài "Nam quốc sơn hà" (Sông núi nước Nam)-áng thiên cổ hùng văn được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tu-hao-hai-tieng-viet-nam-581271