Trải qua hơn 70 năm, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được các thế hệ người làng Từ Vân giữ gìn và phát triển. Trong thâm tâm người làng Từ Vân, có lẽ nghề may cờ Tổ quốc đã gắn bó máu thịt, và họ tự hào khi được đóng góp những lá cờ vào sự kiện lịch sử của đất nước.
Dịp Quốc khánh 2/9 đến gần cũng là lúc các gia đình tại làng nghề Từ Vân hối hả sản xuất các loại cờ Tổ quốc cung ứng cho thị trường.
Hiện nay, các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh mà chi tiết lại sắc nét, đẹp hơn.
Nơi đây nổi tiếng là làng may cờ Tổ quốc lớn nhất Hà Nội, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Do nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt vào ngày lễ Quốc khánh 2/9 và lễ khai giảng năm học mới 5/9 nên công việc lại bận rộn hơn bao giờ hết.
Nhiều em nhỏ tham gia lắp những lá cờ Tổ quốc cầm tay (cờ Tổ quốc nhỏ - loại cầm tay cho học sinh vào năm học mới).
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân bắt đầu từ những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, có hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới do người dân làng Từ Vân may.
Trong làng này hiện có nhiều gia đình đã 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc. Gắn bó với nghề truyền thống, công việc thiêng liêng, tự hào và mang đến nguồn thu nhập ổn định cho đời sống người làm nghề.
Gia đình cô Vương Thị Nhung là một trong những hộ sản xuất cờ lớn nhất ở Từ Vân.
Để làm ra một lá cờ phải có chuẩn mực riêng, tuy không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo; muốn giữ nghề cần những người thợ lành nghề và tâm huyết.
Nổi tiếng bởi tay nghề thêu thủ công sao vàng năm cánh, cô Vương Thị Nhung tiết lộ nghề may cờ Tổ Quốc ở gia đình cô đã có từ cách đây khoảng hơn 70 năm.
Những người như cô Nhung đều cảm thấy tự hào khi mỗi lá cờ được hoàn thành, đó là nghề, cũng là niềm tự hào trong tim người thợ.
Cô Nhung cho biết: “Các loại cờ được sản xuất để phục vụ trong những dịp khai giảng năm học mới, ngày Quốc khánh 2/9, dịp lễ, Tết, cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam”.
Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay, cô Nhung phải mất gần 2 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần.
Lá cờ khi hoàn thành không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà sắc nét, chắc chắn, ngôi sao vàng nổi bật trên nền cờ đỏ.
Chính vì vậy, giá thành của một lá cờ thêu tay từ 600.000 đồng - 1.000.000 đồng, tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy.
Sống được bằng nghề, tự hào được làm nghề, người dân làng Từ Vân luôn cảm thấy xúc động, thiêng liêng khi những lá cờ gia đình họ sản xuất đã có ở mọi miền Tổ quốc.
Thế Đại - Thảo Vân