Tự hào nghề giáo

'Trong cuộc sống, cho dù có những công việc bình thường nhưng nếu làm bằng một tình yêu đủ lớn thì sẽ lan tỏa năng lượng rất tích cực đến nhiều người. Trong Hóa học cũng vậy, có rất nhiều phản ứng nhưng có phản ứng tạo ra nguồn năng lượng rất lớn đó là năng lượng tích cực trong chuyên môn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của dạy học' - thầy Phan Đình Viên (Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long) thường bắt đầu như thế trong tiết dạy môn Hóa học. Và thầy cho rằng: Người thầy không được nghèo về ý tưởng trong thiết kế bài dạy, dù có sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về năng lực của người thầy.

Những bài giảng sinh động

Tròn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Phan Đình Viên không nhớ mình đã góp sức đào tạo bao nhiêu học sinh, đã đóng góp bao nhiêu giải thưởng về bộ môn Hóa học cho trường, chỉ biết làm việc bằng tất cả trách nhiệm, đam mê và đó là niềm vui, hạnh phúc. Gắn bó với Trường THPT Phước Bình từ năm 2002, vượt qua ngày đầu gian khó, năm học 2003-2004, học sinh của trường do thầy Viên ôn thi đã mang về giải thưởng đầu tiên cho trường.

Thầy giáo Phan Đình Viên, Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long trong 1 tiết ôn luyện học sinh giỏi môn Hóa học

Thầy giáo Phan Đình Viên, Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long trong 1 tiết ôn luyện học sinh giỏi môn Hóa học

Thành công tiếp nối, học sinh của thầy liên tục đem giải thưởng môn Hóa học về cho trường. Chất lượng dạy và học môn Hóa ở ngôi trường này cũng là một trong những “hạt gạo trên sàn” ở thị xã Phước Long. Theo thầy Viên, để có tiết dạy thành công, để học sinh đam mê môn Hóa học, người thầy không chỉ có kiến thức, kỹ năng được học trong trường sư phạm, bởi nếu không tự học, tự rèn luyện thường xuyên, liên tục sẽ gặp khó khăn trong quá trình đổi mới dạy học. Một người thầy nhiệt huyết mới có thể “thổi” vào học sinh niềm đam mê học tập, tìm hiểu kiến thức.

Cũng theo thầy Viên, nhiều người vẫn nghĩ dạy học là nhàm chán khi các bài giảng lặp lại từ năm này qua năm khác, từ lớp này qua lớp khác. Nhưng ngày nay, làm nghề giáo là phải không ngừng sáng tạo, phải áp dụng mọi giải pháp để mỗi bài giảng không hề lặp lại, có như vậy mới tạo hứng thú cho các em. Em Trương Nguyễn Gia Hân, học sinh Trường THPT Phước Bình bày tỏ: “Mỗi tiết dạy của thầy Viên, chúng em rất dễ hiểu, dễ tạo hứng thú. Khi chúng em đặt câu hỏi, thầy không trả lời liền mà để chúng em phải tự suy nghĩ, bởi thầy nói mỗi lần suy nghĩ sẽ tự đào sâu thêm kiến thức. Sau đó, thầy giải đáp cho chúng em hiểu những kiến thức tổng quát hơn, nâng cao hơn, từ đó sẽ không bao giờ quên bài giảng”.

20 năm gắn bó với nghề “đưa đò”, thầy Viên nhận được nhiều phần thưởng cao quý của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, thầy là 1 trong những giáo viên được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mong muốn làm sao dạy cho học sinh, từ yếu môn Hóa đến hiểu biết và từ đó các em tự tin chọn môn Hóa thi đại học để được bước vào giảng đường mình mơ ước. Tôi luôn yêu mến công việc mình làm và cảm thấy thật hạnh phúc vì nói điều mình biết cho các em chưa biết. Và niềm đam mê lớn nhất của tôi là được đồng hành và đào tạo ra những học sinh giỏi Hóa học cho trường, cũng như tỉnh nhà.

Thầy Phan Đình Viên,
Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long

Hạnh phúc với nghề

Gắn bó với nghề giáo từ năm 1997, đúng thời điểm tỉnh Bình Phước được tái lập, hơn 25 năm trong nghề, trong đó Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm (Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, thị xã Bình Long) có 22 năm đứng lớp, 3 năm làm quản lý. Cô vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của địa phương, ngành. Đặc biệt năm 2014, cô tự hào vì được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú khi mới 34 tuổi. Thế nhưng với cô, niềm hạnh phúc lớn lao chính là sự yêu mến của các thế hệ học sinh và phụ huynh, niềm tin của địa phương, của ngành đã dành cho cô trong suốt thời gian qua. Cô cho rằng, nghề giáo là nghề sáng tạo, với người giáo viên, không phải là truyền đạt thật nhiều kiến thức cho học sinh, mà phải hướng dẫn phương pháp học, tạo cảm hứng giúp các em khám phá, tìm hiểu điều mình cần và giúp các em tự học tích cực, truyền cho các em ngọn lửa say mê với tri thức.

Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, thị xã Bình Long đã có hơn 25 năm gắn bó với nghề

Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, thị xã Bình Long đã có hơn 25 năm gắn bó với nghề

“Xu thế mới của giáo dục hiện nay là tạo ra những thế hệ học sinh phát triển toàn diện, phát huy tối đa năng lực trong quá trình học tập. Do đó, để có một tiết dạy tốt phải ứng dụng nhiều thiết bị khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, vì vậy mỗi nhà giáo phải tự học, tự rèn, nâng cao năng lực trong mọi lĩnh vực để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ xã hội giao” - Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm chia sẻ.

Với tấm lòng nhiệt huyết, tất cả vì học sinh thân yêu, cô Thắm luôn trăn trở: làm thế nào để học sinh tiếp thu bài giảng đạt hiệu quả nhất. Từ trăn trở đó, cô đã áp dụng phương pháp giảng dạy gần gũi, thân thiện với học sinh, giúp các em hăng say học tập. Cô Đoàn Thị Kim Phượng, giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám chia sẻ: “Trong những năm công tác với cô Thắm, tôi thấy cô luôn gương mẫu, quan tâm đồng nghiệp, yêu thương học trò; chuyên môn rất vững nên được đồng nghiệp tin yêu và nể phục”.

42 năm tuổi đời, hơn 25 năm gắn bó với nghề dạy học, Nhà giáo ưu tú Mai Thị Thắm cho rằng, mỗi giai đoạn, yêu cầu đào tạo sẽ có những đòi hỏi mới. Giáo viên không liên tục, thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ sẽ không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực ấy. Do đó, mỗi giáo viên phải tự học, tự nâng cao tri thức mới có thể tìm được chỗ đứng tốt nhất trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/138846/tu-hao-nghe-giao