Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người

'Người ta nói ngành Y tế vất vả, áp lực. Đúng! Cứu người như cứu hỏa mà, không vất vả, áp lực sao được. Nhưng bệnh viện chúng tôi có thêm một áp lực nữa, đó là luôn phải giải thích cho người dân cách nhìn nhận về bệnh lao - bệnh mà trước đây người ta gọi là tứ chứng nan y để không kỳ thị', Thầy thuốc nhân dân, Tiến sĩ, bác sĩ CKII Đậu Huy Hoàn - Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.

Toàn cảnh Bệnh viện Phổi Nghệ An

Toàn cảnh Bệnh viện Phổi Nghệ An

Hơn 6 thập kỷ chống lao

Tôi đến Bệnh viện Phổi Nghệ An, nơi điều trị chuyên sâu các bệnh về phổi, thế nhưng, trong ý nghĩ vẫn là Bệnh viện Lao và đúng hơn là Bệnh viện Lao Nghi Vạn - tên gọi quen thuộc của người dân nhiều năm qua. Bệnh viện này tách biệt, xa trung tâm thành phố, nằm ở khu vực giáp ranh giữa xã Nghi Vạn của huyện Nghi Lộc và xã Nghi Liên của thành phố Vinh. Con đường từ Quốc lộ 1A đi vào bệnh viện chỉ hơn một cây số, đi qua cánh đồng và nhiều năm rồi vẫn ổ gà lồi lõm.

Thầy thuốc nhân dân, Tiến sĩ, bác sĩ CKII Đậu Huy Hoàn - Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An vui vẻ đón tôi và mời chén trà thơm nóng. Thấy e ngại khi đeo khẩu trang trò chuyện nên tôi mở ra và ngồi xa hơn một chút. Bác sĩ Hoàn liền nói: "Bọn mình quen rồi, bạn cứ đeo khẩu trang cho yên tâm mà trò chuyện".

Vừa chào hỏi thì bác sĩ Hoàn phải dừng lại 15 phút để ký các loại hồ sơ, giấy tờ của khoa, phòng trình lên, trao đổi chuyên môn với một số y, bác sĩ. Đứng dậy khỏi ghế, bác sĩ Hoàn chậm rãi nói: “Người ta nói ngành Y tế vất vả, áp lực. Đúng! Cứu người như cứu hỏa mà, không vất vả, áp lực sao được. Nhưng bệnh viện chúng tôi có thêm một áp lực nữa, đó là luôn phải giải thích cho người dân cách nhìn nhận về bệnh lao - bệnh mà trước đây người ta gọi là tứ chứng nan y để không kỳ thị”.

Thầy thuốc nhân dân, Tiến sĩ, bác sĩ CK II Đậu Huy Hoàn - Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An trò chuyện với phóng viên

Thầy thuốc nhân dân, Tiến sĩ, bác sĩ CK II Đậu Huy Hoàn - Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An trò chuyện với phóng viên

Tôi chia sẻ với bác sĩ Hoàn là tôi cũng sợ lây lao. Bác sĩ gật đầu và nói, rất nhiều người sợ như vậy, thế nên nhiều người khi đi qua bệnh viện, luôn bịt kín khẩu trang, có khi bịt đến mấy lớp, thậm chí là lấy tay bịt mũi, nín thở,… Đó cũng là điều dễ hiểu.

"Năm nay là 68 năm ra đời của bệnh viện, nơi được thành lập từ năm 1957, với tên gọi ban đầu là Phân viện Lao. Bạn thử hình dung, với thời gian dài như thế, chỉ tính trong khoảng hơn 50 năm, khi nói về bệnh lao, có thể gọi là bi thảm. Bởi sự khó khăn đủ bề, ban đầu thì không hiểu bệnh để chữa, y bác sĩ thì sợ không dám về bệnh viện; bệnh nhân thì khiếp sợ bệnh của mình, sống trầm cảm, khép kín, người thân xa lánh, nhiều người tử vong; rồi y, bác sĩ làm việc tại bệnh viện cũng bị nhiễm lao, cả một thời gian dài, dai dẳng sợ hãi bệnh tứ chứng nan y" - Bác sĩ Hoàn chia sẻ.

Thế nhưng, gần 20 năm nay, quan điểm về lao đã thay đổi, nhìn nhận đúng lao chỉ là một loại nhiễm trùng của bệnh phổi, hướng điều trị đều theo định hướng từ lâu của Giáo sư Phạm ngọc Thạch - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ đầu nghành về lao ở Việt Nam. Giờ đây, việc nhìn nhận và cuộc sống của y, bác sĩ điều trị lao và bệnh nhân lao cũng đã thay đổi. Việc phát hiện và điều trị lao dễ dàng, thuận tiện hơn, các phương tiện phát hiện lao và các bệnh phổi đã đến tận xóm, bản.

Bình quân hằng năm, bệnh viện phát hiện và thu nhận điều trị khoảng hơn 2.000 bệnh nhân mắc lao các thể. Thời gian điều trị bệnh lao từ 6-12 tháng, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Tỉ lệ điều trị khỏi và thành công trên 90%, số lượng bệnh nhân lao có xu hướng giảm dần từ 5-10% mỗi năm. Mục tiêu đặt ra là chấm dứt bệnh lao trong năm 2030. Trong thời gian này, vẫn phải tuyên truyền để người dân nhìn nhận đúng mức về bệnh lao, để không quá lo lắng và kỳ thị.

Bình quân hằng năm, Bệnh viện Phổi Nghệ An phát hiện và thu nhận điều trị khoảng hơn 2.000 bệnh nhân mắc lao các thể.

Bình quân hằng năm, Bệnh viện Phổi Nghệ An phát hiện và thu nhận điều trị khoảng hơn 2.000 bệnh nhân mắc lao các thể.

Theo bác sĩ Hoàn, thông thường đối với lao phổi, cái khó là dấu hiệu của lao thường trùng với dấu hiệu các bệnh khác của phổi, thế nên nhiều người tự ở nhà điều trị các triệu chứng hoặc đi các bệnh viện khác điều trị, đến khi bệnh tình không giảm, triệu chứng nặng hơn, thông thường là ho kéo dài không khỏi, lúc đến bệnh viện khám mới phát hiện mắc lao.

Trong quá trình người bệnh đi lại các nơi để thăm khám cũng có thể phân phối vi khuẩn lao ra cộng đồng. Có người khi phát hiện bị lao do tâm lý e ngại đã giấu bệnh, không chịu đi điều trị dẫn đến biến chứng. Trong gia đình, nếu có người mắc lao, thì những người thân, người tiếp xúc gần sẽ có nguy cơ lây lao. Người mắc lao nếu không điều trị triệt để thì vi khuẩn trực tiếp tại chỗ lại bùng lên, tái phát.

Say sưa trò chuyện về bệnh lao, về tình hình khám chữa bệnh tại bệnh viện, thế nhưng, bác sĩ Hoàn thành thật chia sẻ: “Bản thân mình về bệnh viện gần 3 năm, có thể nói nhiều về bệnh lao, các bệnh về phổi và phần nào đó những khó khăn, vất vả bệnh viện đã trải qua. Thế nhưng không thể nói hết được những gian khó, thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên, tập thể bệnh viện nhiều năm qua. Những người làm việc lâu năm ở đây, những người lao động trực tiếp mới thấm và thấu hiểu những năm tháng đã đi qua gian khổ với lao như thế nào”.

Và bác sĩ Hoàn nhờ bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Nội II dẫn tôi tham quan một vòng bệnh viện để hiểu hơn về tình hình khám chữa bệnh, rồi dừng lại ở phòng Thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Thức - Trưởng khoa Nội I - bác sĩ có thời gian làm việc lâu nhất ở bệnh viện đến thời điểm hiện tại.

“Đâm lao thì phải theo lao”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thức dí dỏm nói như vậy khi chia sẻ về việc lựa chọn gắn bó với bệnh viện trong suốt 35 năm qua.

Bác sĩ Thức kể, năm 1989, khi tốt nghiệp Đại học Y, ông về Nghệ An làm việc, được Sở Y tế phân công về Bệnh viện Lao. Thời điểm đấy, bác sĩ còn rất ít và thực sự “đắt giá”, nhiều lựa chọn. Thế nên, rất ít người đồng ý về Bệnh viện Lao - một bệnh viện đặc thù, nguy cơ lây nhiễm cao. Lúc đó, bác sĩ Thức chỉ nghĩ, làm bác sĩ thì ở đâu cũng để chữa bệnh cứu người, bác sĩ còn sợ thì làm sao chữa bệnh cho người khác.

Thế nhưng, khi về Bệnh viện Lao, bác sỹ trẻ lúc ấy mới thấm được những khó khăn, thiệt thòi của ngành mình, của bệnh viện đặc thù. Đó là một không gian làm việc hẻo lánh, tách biệt, toàn bệnh viện là những căn nhà cấp 4 xuống cấp, chật hẹp; khu tập thể dành cho cán bộ, nhân viên bệnh viện đơn sơ, cũ kĩ; đời sống của y, bác sĩ khó khăn, đến những chiếc áo blouse trắng cũng mặc đi mặc lại đến ố vàng, sờn nhạt; bệnh nhân đông, điều trị dai dẳng dài ngày, gầy gò ho khan, khép mình, buồn bã; bác sĩ muốn điều trị cho bệnh nhân thật tốt nhưng khó khăn về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất; và rồi chính y, bác sĩ cũng bị kỳ thị vì nghề nghiệp của mình.

Thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Thức - Trưởng khoa Nội I

Thạc sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Thức - Trưởng khoa Nội I

Bác sỹ Thức kể: “Sau giờ làm việc, y bác sĩ cũng muốn được vui chơi, gặp mặt, liên hoan. Thế nhưng, khi gặp gỡ, trò chuyện, mình nói làm việc ở Bệnh viện Lao thì người ta e ngại và tránh tiếp xúc. Buồn nhất là có những người không thể kết hôn, quá lứa lỡ thì, chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân chỉ vì người ta không dám lấy người làm việc ở Bệnh viện Lao, sợ đưa bệnh về nhà. Nhiều câu chuyện rất thương và giờ đây ở khu tập thể của bệnh viện vẫn còn những người phải sống cô quạnh một mình vì không lập gia đình”.

Ngày ấy, bản thân các y, bác sĩ cũng chịu những thiệt thòi, thiếu thốn, nỗi buồn, thế nhưng luôn phải vui vẻ, động viên người bệnh, tiếp thêm tinh thần cho họ yên tâm chữa bệnh. Thời gian điều trị lao dài ngày, từ 6 tháng đến 2 năm, có người tái phát thì lại điều trị đến 2, 3 năm, họ nằm dài ở bệnh viện, phải dùng nhiều loại thuốc, rồi tâm lý sợ mọi người kỳ thị nên càng chán nản, khép mình. Nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình xa lánh, không có tiền chữa bệnh, sinh hoạt, các y, bác sĩ lại quyên góp, giúp đỡ, dìu dắt họ đi qua những ngày tháng bệnh tật, khốn khó, để rồi họ xem bệnh viện như là ngôi nhà ấm áp, bình yên của mình.

35 năm gắn bó với nghề Y, bác sỹ Thức thấm thía những khó khăn, gian khổ

35 năm gắn bó với nghề Y, bác sỹ Thức thấm thía những khó khăn, gian khổ

35 năm làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Thức đã chứng kiến, chung vui với những cặp đôi y, bác sĩ kết hôn với nhau; rồi y, bác sĩ kết hôn với bệnh nhân. Có lẽ ở trong môi trường chịu nhiều kỳ thị này, họ thực sự thấu hiểu và thương nhau. Ngày ấy, phần lớn y, bác sĩ bệnh viện chỉ dám sinh hai con, chứ sinh thêm không biết lấy gì để nuôi. Hằng ngày họ đi làm, đi trực ở bệnh viện, rồi đi xe đạp xuống các huyện chỉ đạo tuyến, có khi mấy ngày mới về. Khi phát hiện trường hợp mắc lao, họ lại xuống hỗ trợ y tế tuyến huyện vận động người bệnh, người thân đi xét nghiệm, điều trị.

Nghề vất vả là thế nhưng bác sĩ Thức luôn thấy vui với lựa chọn của mình, bởi bắt đầu từ những điều tưởng như rất bình thường, đó là lúc còn gian khó, bác sĩ đã được bệnh viện ưu tiên bố trí nửa căn phòng cấp 4, có bàn, hai chiếc ghế nhỏ, chiếc giường nhỏ, đơn giản thôi nhưng ai cũng trân quý khoảng không gian của mình. Và niềm vui lớn nhất là sự chờ đợi, tin tưởng, yêu quý của bệnh nhân dành cho y, bác sĩ. Đó là những cái ôm chia tay ngày xuất viện đầy lưu luyến, biết ơn với những giọt nước mắt; là những bức thư bệnh nhân gửi về đầy cảm động về những ngày tháng yên bình ở ngôi nhà thứ hai; là những bằng khen, giấy khen ghi nhận, biểu dương của ngành.

Bác sĩ Thức nói, cả một thời, bệnh viện khó khăn, thiệt thòi về mọi mặt, nhưng các y, bác sĩ luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, nhường cơ hội tốt cho nhau; động viên, giúp sức cho nhau về cả vật chất lẫn tinh thần, để lại những tình cảm, tình nghĩa trong ngành mà khi kể lại vẫn rưng rưng cảm xúc.

“Thực sự như thói quen, thành nguyên tắc, đó là y bác sĩ thì không kêu đau, kêu mệt hay than nghèo kể khổ, nhưng mình nhắc lại để nhớ một thời gian khó ở ngành Y; để trân trọng, biết ơn những gì đã qua, để thấy mình đã sống và lao động xứng đáng, đi qua gian khó vẫn giữ vẹn đạo đức nghề Y” - Bác sĩ Thức bày tỏ.

Mỗi năm, có rất đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phổi Nghệ An

Mỗi năm, có rất đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phổi Nghệ An

Lắng nghe những chia sẻ của “người anh đáng kính”, bác sĩ CKI Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Nội II xúc động nói thêm, bây giờ vẫn có 6 hộ gia đình với hơn 30 người ở khu tập thể của bệnh viện, ở đó là nơi lưu giữ và nhắc nhở về những năm tháng đã qua. Bệnh viện giờ đây đã thay đổi rất nhiều, thế những cũng gần 10 năm trước thôi, việc thiếu nhân lực thực sự trầm trọng, một người phải làm việc bằng hai, bằng ba, bởi bác sĩ không chịu về, do thu nhập thấp và e ngại bệnh lây nhiễm.

Chỉ tay về phía hành lang, bác sĩ Hải nói với tôi: “Ở đây hầu như mọi người đều đeo khẩu trang, chỉ riêng việc đeo khẩu trang hằng ngày cũng hơi bí bức. Slogan của bệnh viện là “Hơi thở là sự sống” nên chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực trong từng hơi thở của chính mình và người bệnh.

Quyết tâm đổi mới trong mỗi con người

Tiến sĩ, bác sĩ CKII Đậu Huy Hoàn - Giám đốc bệnh viện Phổi Nghệ An phấn khởi nói rằng: “Nếu ai đó đến bệnh viện cách đây 10 năm, bây giờ quay trở lại, sẽ rất ngạc nhiên, không nghĩ bệnh viện có thể thay đổi như vậy. Đó là cả một quá trình, từ việc đổi tên, mở rộng phạm vi khám chữa bệnh, rồi sự quan tâm, tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, bố trí nhân lực của UBND tỉnh, Sở Y tế; sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ”.

Hiện nay, Bệnh viện Phổi Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh, với 580 giường bệnh, thực kê hơn 800 giường bệnh; bệnh viện có 22 khoa, phòng, trong đó 11 khoa lâm sàng và 4 khoa cận lâm sàng, 7 phòng chức năng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư xây dựng, mua sắm, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về phổi tăng theo từng năm.

Bệnh viện Phổi Nghệ An hiện nay có đội ngũ y, bác sĩ trẻ, có trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ tốt

Bệnh viện Phổi Nghệ An hiện nay có đội ngũ y, bác sĩ trẻ, có trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ tốt

Một điểm nhấn khi đến bệnh viện này đó là môi trường xanh - sạch - đẹp, cải cách hành chính mạnh mẽ để giảm thời gian khám bệnh. Thời gian qua, Bệnh viện đã triển khai rất nhiều danh mục kĩ thuật chuyên sâu về phổi, giúp cho người bệnh được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao tuyến Trung ương ngay trên địa bàn, góp phần giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Hiện nay, Bệnh viện Phổi Nghệ An đang nỗ lực để trở thành Bệnh viện chuyên khoa hô hấp hoàn chỉnh của khu vực Bắc Trung Bộ và đang là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phổi Trung ương. Trong chuỗi kết quả nổi bật bệnh viện đạt được những năm qua, có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng, to lớn của người lao động. Rất nhiều cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện đã được Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế, Giám đốc Bệnh viện biểu dương, khen thưởng.

Y, bác sĩ yên tâm làm việc, gắn bó với bệnh viện và phấn khởi khi điều kiện làm việc và đời sống được nâng lên

Y, bác sĩ yên tâm làm việc, gắn bó với bệnh viện và phấn khởi khi điều kiện làm việc và đời sống được nâng lên

Bác sĩ CKII Lương Văn Phùng - Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ, ngoài làm chuyên môn, ông còn là Chủ tịch Công đoàn của bệnh viện và ông luôn có niềm vui ở cả hai nhiệm vụ. Đó là đối với chuyên môn thì chất lượng khám chữa bệnh được người dân hài lòng cao, bệnh viện được đánh giá là đơn vị mạnh trong chuyên ngành hô hấp; và đối với công đoàn, thì vui vì việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động bệnh viện ngày một nâng lên, người lao động phấn khởi và gắn bó với bệnh viện.

Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, trẻ hóa, có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; công tác đào tạo, quy hoạch ở bệnh viện được chú trọng, thực hiện tốt. Đặc biệt là các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện luôn trân trọng, lắng nghe, học hỏi lẫn nhau, trong mỗi con người đều quyết tâm đổi mới để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc.

Mai Liễu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-hao-nhung-chien-si-ao-blouse-trang-mang-su-menh-cuu-nguoi-182986.html