Tự hào những người con Vịnh Mốc

Trong hành trình đến với miền Trung vừa qua, Đoàn công tác của Báo Tuyên Quang đã có dịp được đến nhiều 'địa chỉ đỏ' như: Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị)... Trong đó, câu chuyện về những chiến sỹ, nhân dân anh hùng, bằng những công cụ thô sơ xây dựng nên Địa đạo Vịnh Mốc - làng quê thu nhỏ dưới lòng đất đã tạo ấn tượng sâu sắc cho mỗi thành viên trong đoàn.

Đoàn Báo Tuyên Quang tham quan giếng thông hơi địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị).

Đoàn Báo Tuyên Quang tham quan giếng thông hơi địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị).

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, nơi đây được mệnh danh là vùng đất lửa vì từng là “tọa độ chết”, là mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ với hàng ngàn tấn bom trút xuống. Cái nắng miền Trung chói chang, bỏng rát là thế, nhưng khi cả đoàn theo chân cô hướng dẫn viên xuống địa đạo, không khí dịu hẳn, cảm giác dễ chịu và mát mẻ. Con đường chỉ đủ cho hơn một người đi, xung quanh là đất đỏ bazan, càng đi vào sâu trong địa đạo càng cảm nhận được sâu sắc hơn ý chí và sự quyết tâm của quân và dân Vịnh Mốc trong những năm chiến tranh.

Địa đạo Vịnh Mốc có 3 tầng, tầng 1 sâu 12-15 m so với mặt đất, là nơi chiến đấu và trú ẩn tạm thời của quân và dân; tầng 2 sâu 18 m, là nơi sinh hoạt của nhân dân, trụ sở chỉ huy; tầng 3, sâu 23 m, là kho chứa hậu cần và cung cấp lương thực cho đảo Cồn Cỏ. Hệ thống địa đạo bắt đầu được đào từ năm 1965 đến cuối năm 1966 thì hoàn thành. Địa đạo gồm 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. Mỗi cửa hầm coi như một cửa thông hơi. Để đào được địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc đã huy động 18.000 ngày công trong 2 năm. Địa đạo có chiều dài hơn 2 km, cứ 4 m lại có một hộ gia đình, rộng 0,8 m, sâu 1,8 m đủ cho 4 người ở.

Tất cả các hoạt động của quân và dân diễn ra trong lòng địa đạo đúng như một làng quê thu nhỏ, có hầm chỉ huy, có hội trường chứa khoảng 50 người, có bệnh xá, phòng hộ sinh, nhà nuôi dạy trẻ... Trong những năm chiến tranh diễn ra ác liệt, các đội văn nghệ xung kích vẫn tập luyện, biểu diễn phục vụ chiến sỹ và nhân dân dưới hầm. Cuộc sống tuy thiếu thốn, kham khổ, nhưng tình quân dân bền chặt, với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài”. Ngoài ra, địa đạo còn là nơi tập kết vận chuyển vũ khí, lương thực, cấp cứu thương binh và chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Đặc biệt, trong 12 năm (1965 - 1972) sống trong địa đạo, không có một người dân nào bị thương và đã có 17 đứa trẻ ra đời, cho thấy sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây.

Ngày nay, Làng địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Mỗi năm, có hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đã đến tham quan địa đạo. Chị Nguyễn Thị Khánh Chi, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích Địa đạo Vịnh Mốc chia sẻ, hiện di tích có 5 hướng dẫn viên. Vào dịp các ngày lễ, trung bình mỗi ngày di tích đón vài trăm lượt khách đến tham quan. Tất cả du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đều bày tỏ sự khâm phục quân và dân Vịnh Mốc. Bởi chỉ bằng phương tiện thô sơ là cuốc, xẻng, tay, quân và dân đã đào được địa đạo, bảo toàn tính mạng cho người dân dưới mưa bom của giặc Mỹ.

Nếu không có sự sáng tạo, anh dũng và quả cảm của quân và dân địa phương sẽ không có Địa đạo Vịnh Mốc. Chiều sâu của địa đạo cũng chính là chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, ý chí quyết tâm của quân và dân nơi đây. Bởi phía sau họ là quân và dân miền Nam đang chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ, phía trước là quân và dân miền Bắc đang khắc phục hậu quả của chiến tranh xây dựng XHCN và tích cực chi viện cho miền Nam. Tất cả đều không khuất phục trước kẻ thù, chiến đấu vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.

Có câu nói rằng “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, Địa đạo Vịnh Mốc đã chứng minh rõ hơn cho câu nói đó. Không những thế, đó còn là biểu tượng cho sức sống Việt Nam, không có kẻ thù nào có thể khuất phục được, bởi mỗi con người đều mơ ước và sẵn sàng chiến đấu cho hòa bình, độc lập và tự do.

Bài, ảnh: Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tu-hao-nhung-nguoi-con-vinh-moc-120411.html