Tự hào nơi ra đời của đội quân cách mạng 'bách chiến, bách thắng' - Kỳ 2

Kỳ 2: Những chiến công đầu tiên của đội quân cách mạng và chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong đó 25 chiến sĩ là con em các dân tộc Cao Bằng. Ngay sau đó, Đội đã có những chiến thắng vang dội có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của bộ đội, tự vệ, du kích và đồng bào cả nước đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở hướng quyết tâm “ra quân là chiến thắng”.

Từ những chiến công đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945

Sau hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân quân hành quân về Lũng Dẻ, xã Trương Lương (Hòa An) để củng cố lực lượng và huấn luyện, chuẩn bị tấn công đồn Đồng Mu. Sau khi trinh sát nắm tình hình, Ban Chỉ huy đội nhận định không thể áp dụng cách đánh như khi đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần (cải trang đột nhập) mà phải lợi dụng đêm tối bí mật, tiến công tiêu diệt địch. Rạng sáng 5/2/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã xuất kích tấn công đồn. Trước sự tấn công bất ngờ, quân Pháp ở đồn buộc phải mở đường máu tháo chạy. Trong trận tấn công đồn Đồng Mu, ta tiêu diệt 20 tên, thu 5 khẩu súng và một số đạn dược, bắt 3 tên làm tù binh. Đòn tấn công vũ trang lớn này ở Bảo Lạc báo hiệu và cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang ở địa phương phát triển, mở đầu bước ngoặt của cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân ở Bảo Lạc. Trong trận đánh này, đồng chí Hoàng Văn Nhủng, bí danh Xuân Trường (quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng) đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để ghi nhận công lao và sự đóng góp của đồng chí đối với cách mạng, chính quyền địa phương quyết định lấy tên đồng chí đặt cho địa danh này là xã Xuân Trường.

Đồn Phai Khắt, chiến thắng trận đầu của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Đồn Phai Khắt, chiến thắng trận đầu của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Trong những năm 1941 - 1944, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Đến cuối năm 1944, lực lượng vũ trang tại tỉnh phát triển khá mạnh, phối hợp giữa 3 lực lượng, gồm: bộ đội chủ lực (Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân), bộ đội địa phương (các đội vũ trang thoát ly châu) và lực lượng tự vệ bán vũ trang ở các tổng, xã nhằm chuẩn bị một cách tích cực để sẵn sàng đón thời cơ giành chính quyền.

Từ tháng 3/1945, Tỉnh ủy Cao Bằng lâm thời phát động và tiến hành khởi nghĩa từng phần ở các châu trong tỉnh để thành lập chính quyền cách mạng lãnh đạo nhân dân. Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh cho Giải phóng quân, các lực lượng vũ trang tự vệ, chính quyền các cấp và toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa. Chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lâm thời khẩn trương thành lập Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương.

Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, ta lần lượt đánh bại quân Nhật ra khỏi các vị trí quan trọng như: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Trùng Khánh… tiến vào giải phóng Thị xã. Trước sức mạnh như vũ bão của quân cách mạng, 12 giờ ngày 21/8/1945, quân Nhật và bọn tay sai chấp nhận đầu hàng không điều kiện, đồng ý giao nộp cho ta toàn bộ số vũ khí của Pháp mà chúng chiếm được.

Ngày 22/8/1945, Cao Bằng giành chính quyền về tay nhân dân, là một trong những tỉnh giành được chính quyền sớm nhất cả nước.

Góp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi hoàn toàn

Kháng chiến chống thực dân Pháp, Cao Bằng nổi lên là một cứ điểm quan trọng. Trên địa bàn tỉnh diễn ra hơn 1.000 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 8.000 tên địch, phá hủy hàng trăm xe cơ giới, xe tăng, đại bác, bắn rơi máy bay, thu hàng nghìn tấn quân trang, quân dụng. Qua đó, góp phần quan trọng vào Chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, chiến thắng Biên giới năm 1950, giải phóng Cao Bằng ngày 3/10/1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lực lượng vũ trang tỉnh ra sức củng cố về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng.

Tháng 6/1950, tại căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong II, lấy Cao Bằng làm trọng điểm. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.

Ngày 9/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng, nói rõ tầm quan trọng của chiến dịch nên cần giúp đỡ bộ đội. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng do tính chất quan trọng của chiến dịch, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận. Đây là chiến dịch đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh tình nguyện tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược, mở đường, bắc cầu…

Căn cứ vào tình hình thực tế trên chiến trường, với tư tưởng “đánh chắc thắng”, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chọn Đông Khê “nơi yếu hơn nhưng lại hiểm yếu hơn” làm nơi mở màn chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động.

Cứ điểm Đông Khê - nơi diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Cứ điểm Đông Khê - nơi diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Ngày 13/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch chuyển về Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An). Người đã lên cao điểm đặt đài quan sát trên đỉnh núi Báo Đông trực tiếp quan sát, chỉ đạo mặt trận Đông Khê.

Đúng 6 giờ ngày 16/9/1950, ta nổ súng đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Sau 2 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân ta tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Phối hợp với Đông Khê, tại thị xã Cao Bằng, quân ta nổ súng giam chân và tiêu hao địch. Mất cứ điểm Đông Khê quân địch rơi vào tình thế vô cùng nguy khốn, buộc Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương từ Sài Gòn ra Hà Nội, lên Cao Bằng ra lệnh rút quân khỏi Cao Bằng.

Chiến dịch Biên giới diễn ra 29 ngày đêm (16/9 - 14/10/1950) kết thúc thắng lợi. Ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 8.300 tên địch, giải phóng toàn tuyến biên giới Việt - Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập diện tích rộng 4.500 km2; chọc thủng “hành lang Đông - Tây” của Pháp. Đây là “chiến dịch phá vòng vây”, mở ra “cánh cửa” tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho cách mạng.

Sau chiến thắng trong Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, tỉnh Cao Bằng được giải phóng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, bắt tay ngay vào việc phục hồi kinh tế, cải thiện dân sinh. Đồng thời, củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, tiềm lực kinh tế, quân sự, chi viện cho tiền tuyến.

Bước sang năm 1954, chiến trường diễn ra ngày càng ác liệt. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân tỉnh đã dồn sức người, sức của chi viện cho chiến trường. Toàn tỉnh huy động 35.456 người, gần 874.000 ngày công sửa chữa đường, phà, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm cung ứng cho mặt trận Điện Biên Phủ. Huy động 228 xe đạp, 120 xe ngựa phục vụ vận chuyển gần 2.000 tấn lương thực, hàng hóa chi viện cho mặt trận. Trong chiến dịch này, tỉnh bổ sung cho bộ đội chủ lực 844 cán bộ, chiến sĩ, hơn 1.000 người đi dân công phục vụ chiến dịch dài ngày.

Trên chiến trường, các chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Các đồng chí: Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô, Phùng Văn Khầu, Triệu Văn Báo, Lộc Văn Trọng... là những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí là những gương sáng ngời khắc ghi vào trang sử vàng của dân tộc. Tên tuổi của các đồng chí mãi mãi gắn bó, trường tồn cùng Điện Biên anh hùng.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc và lực lượng vũ trang Cao Bằng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, làm rạng rỡ thêm truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Ghi nhận những chiến công xuất sắc ấy, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Cao Bằng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, 31 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 89 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, 4 Huân chương Kháng chiến hạng ba. 7 người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Cao Bằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kỳ cuối: Đóng góp xứng đáng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc

Nhóm phóng viên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tu-hao-noi-ra-doi-cua-doi-quan-cach-mang-bach-chien-bach-thang-ky-2-3174481.html