Tự hào Quân đội nhân dân Việt Nam
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), các tổ chức vũ trang được hình thành, phát triển rộng khắp và trưởng thành, đòi hỏi phong trào đấu tranh cách mạng phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức, vững mạnh về ý chí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Trước yêu cầu thực tiễn cách mạng, tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Sau một thời gian chuẩn bị, chiều 22-12-1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ngày nay được thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ giao làm Tổng chỉ huy.
* Truyền thống vẻ vang
Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, sau 3 ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng trận đầu vào đồn Phai Khắt (ngày 25-12-1944) và tiếp tục đột nhập đồn Nà Ngần (ngày 26-12-1944) giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu và “trăm trận trăm thắng” của quân đội ta.
Sau những thắng lợi đầu tiên, quân đội ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng, sự đùm bọc, chở che của nhân dân đã giành nhiều thắng lợi vang dội, cùng dân tộc làm nên những mốc son chói lọi: Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954); sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975), kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) và 30 năm cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc (1945-1975)...
Truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội tiếp tục thể hiện trong các cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam của Tổ quốc và giúp đỡ nước bạn Lào, Campuchia anh em, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
* Tự hào quân đội anh hùng
Từng trải qua 8 năm chinh chiến tại chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Trường sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ) kể lại, thế hệ của ông thời ấy khi bước vào trận chiến không một chút đắn đo, do dự. 3 lần vượt Trường Sơn nắng lửa, mưa nguồn, bom đạn, ông vẫn không chùn bước...
Sau năm 1975, ông về trường công tác với trăn trở, tìm nhiều giải pháp để góp công sức xây dựng làng quân nhân Trường sĩ quan lục quân 2 có đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm nổi bật tại địa bàn đóng quân và trở thành mô hình tiêu biểu, khu gia đình quân nhân văn hóa toàn quân.
Hơn 10 năm nghỉ hưu, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai vẫn cần mẫn đóng góp công sức nhằm làm vơi đi khó khăn của những hoàn cảnh kém may mắn quanh nơi sinh sống. Ông khẳng định: “Dù trong hoàn cảnh nào, người lính phải luôn giữ vững phẩm chất khi còn tại ngũ và càng phải tỏa sáng bản chất Bộ đội Cụ Hồ khi đã nghỉ hưu; phải quan tâm làm tốt chính sách hậu phương quân đội, tiếp tục tô thắm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới”.
5 năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ trì và tham gia trên 250 đợt công tác Dân vận, thu hút hơn 260 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia. Qua đó đã giúp nâng cấp, sửa chữa hơn 265km đường giao thông nông thôn, nạo vét, vớt hàng ngàn tấn rác thải, góp phần làm cho môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí hơn 4 ngàn lượt người; huy động trên 210 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại các địa phương trong tỉnh...
Cũng từng trải qua chiến tranh về công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2, Trung tướng, PGS-TS.Vũ Đức Hinh (ngụ phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) khẳng định: “Càng tự hào với truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, càng phải tin tưởng vào sức mạnh to lớn của lòng dân. Không có cách bảo vệ Tổ quốc nào hơn việc xây dựng thế trận lòng dân vững chắc”.
Theo Trung tướng Vũ Đức Hinh, ở thời nào cũng vậy, nếu nhân dân không tin tưởng, không đùm bọc, chở che, giúp đỡ thì cách mạng không thể thắng lợi. “Với tôi không gì bằng thế trận lòng dân, không pháo đài nào mạnh hơn pháo đài được xây dựng trên sự ủng hộ của nhân dân. Ngay cả cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí hay bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản mà Đảng, Nhà nước ta đang đấu tranh, tôi thiết nghĩ phải dựa vào thế trận lòng dân mới dành thắng lợi” - Trung tướng Vũ Đức Hinh nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Với truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, quân đội các cấp phải tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc; thống đấu tranh anh hùng, nhân văn nghĩa tình thủy chung của quân đội ta, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh và phục vụ; tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó”.
Cùng với quân đội cả nước, lực lượng vũ trang tỉnh đã đẩy mạnh việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, của Đảng, quê hương Đồng Nai cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đại tá Trần Văn Khương cho biết, chỉ trong vòng 10 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền giáo dục trên 3,6 triệu lượt người, xây dựng và phát sóng hàng ngàn tin, bài phim phóng sự về truyền thống... góp phần củng cố vững chắc thế trận lòng dân, hình thành hệ thống bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm.