Tự hào tết Việt

Háo hức, ngóng chờ tết để được gói bánh chưng, bánh tét, được quây quần bên gia đình đón giao thừa, nhận lì xì, đi chúc tết và nhận nhiều lời chúc từ người thân. Đó là cảm xúc không chỉ của trẻ thơ mà của cả những người trưởng thành. Và dù có đi đâu, làm gì, mỗi người dân Việt Nam đều không thể quên ngày tết cổ truyền, bởi đây là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Khi đường phố được phủ đầy những gam màu rực rỡ, ấm áp của sắc đỏ và vàng, chúng ta biết rằng tết đoàn viên đã cận kề. Tết đến, xuân về, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người đều trào dâng những cảm xúc mong ngóng, nôn nao.

Nhớ tết xưa

Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo vô vàn sự thay đổi, thế nhưng mỗi khi tết đến, xuân về, hình ảnh tết xưa luôn khiến nhiều người bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ. Trong lăng kính của trẻ thơ thế hệ 8X trở về trước, tết lúc nào cũng lấp lánh và rộn ràng niềm vui. Đó là màu của chợ hoa rực rỡ, màu của những tấm áo mới, màu của kẹo mứt, hạt dưa, mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét…

Trẻ em háo hức với phong tục gói bánh chưng, bánh tét ngày tết

Trẻ em háo hức với phong tục gói bánh chưng, bánh tét ngày tết

Cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét dịp tết cổ truyền sẽ là những kỷ niệm không thể quên của trẻ thơ Việt

Cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét dịp tết cổ truyền sẽ là những kỷ niệm không thể quên của trẻ thơ Việt

“Đến bây giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc hồi hộp mong chờ những ngày cuối năm, chào đón năm mới đến. Là thế hệ lớn lên trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn nên ngày đó khi gần đến tết, tôi luôn háo hức cha mẹ mua cho những bộ quần áo mới, được nhận bao lì xì đỏ thắm; đặc biệt là giây phút hồi hộp chờ đón giao thừa. Sau đó, tôi cùng cha mẹ đi chùa cầu tài, cầu lộc, rồi mồng 1 tết đi chúc sức khỏe ông bà và họ hàng…” - thầy Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Minh, huyện Bù Gia Mập bồi hồi nhớ lại.

Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc, niềm hạnh phúc của trẻ thơ là được cùng ba mẹ đi chúc tết ông bà - Ảnh:Như Nam

Đó cũng là cảm xúc về tết xưa của anh Lê Xuân Phác ở xã Phước Minh. Anh Phác chia sẻ: “Điều tôi thích nhất trong dịp tết cổ truyền là được quây quần bên gia đình. Tôi nhớ, cứ đến chiều 30 tết lại cầm cái rổ lẽo đẽo theo mẹ ra trước sân làng, rồi được Nhà nước cấp cho 1-2kg thịt. Khi bê rổ thịt, cảm giác sung sướng lắm! Vì ngày trước, cuộc sống ở quê rất vất vả nên đến tết mới được ăn ngon. Và hình ảnh cả nhà quây quần cùng nhau lau lá dong, gói bánh chưng và tắm nước lá mùi già để xua đi cái không may của năm cũ vẫn thấp thoáng đâu đây. Những hình ảnh này mãi mãi không phai nhòa trong tâm trí tôi”.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Câu ca dao đã khái quát cái tết cổ truyền của người Việt. Bởi thế, ngày trước chỉ vài cái bánh chưng, hộp mứt tết, vài ba lạng thịt là cũng có thể thành tết - những cái tết đơn sơ nhưng ấm áp, tràn đầy ký ức và khiến con người luôn nhớ mãi.

Háo hức đón xuân

Đối với thiếu nhi, tết là cơ hội để được nghỉ ngơi, du xuân, nhận lì xì và những lời chúc tết. Tết với trẻ thơ lúc nào cũng đầy háo hức, phấn khởi, ngập tràn năng lượng.

Trong suy nghĩ của em Đới Nguyễn Kim Ngân ở xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tết luôn là dịp mọi người ngóng chờ nhất. Em háo hức cho biết: “Khi tết đến, muôn hoa đua nở; các thành viên trong gia đình dù ở xa cũng sẽ về sum họp bên nhau. Tết mang niềm vui và cơ hội để chúng em được vui chơi thoải mái. Vì thế, em rất thích tết!”.

Các trò chơi dân gian dịp tết cổ truyền là hoạt động đem đến nhiều niềm vui cho trẻ em

Các trò chơi dân gian dịp tết cổ truyền là hoạt động đem đến nhiều niềm vui cho trẻ em

Yêu tết và mong đợi tết về, em Doãn Đình Phong ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú phấn khởi chia sẻ: “Em cảm thấy đón tết cổ truyền rất vui, được quây quần bên gia đình thật ấm áp. Em thích nhất giây phút đại gia đình sum vầy, đi chúc tết mọi người và được nhận lì xì”.

Với em Lê Hoàng Kha ở xã Phước Minh: “Tết cổ truyền là những ngày rất đặc biệt với trẻ thơ chúng em; nhất là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Là dấu mốc để chúng em và mọi người đặt ra những mục tiêu, kế hoạch mới”.

Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc, niềm hạnh phúc lớn lao của trẻ thơ cả xưa và nay đều là có một mái ấm gia đình để được quây quần bên ông bà, cha mẹ vui đón tết. Vì thế, cuộc sống ngày càng hiện đại, các phong tục đón tết cổ truyền không còn như xưa nhưng vẫn còn đó cảm xúc háo hức, ngóng chờ ngày tết trong những người con đất Việt. Tin rằng, khi những người đã trải qua tuổi thơ với nét đẹp tết cổ truyền vẫn đang nỗ lực đem hương vị ngày tết đến với con trẻ; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thì ngày tết vẫn sẽ mãi là ngày hội của sắc màu, của yêu thương đầy vơi và hạnh phúc ngập tràn.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140947/tu-hao-tet-viet