Tự hào thành phố rực rỡ tên vàng
Thành phố Hồ Chí Minh 45 mùa xuân lớn lên cùng đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành phố mang tên Bác đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội... Tự hào thành phố rực rỡ tên vàng, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng thành phố là nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước tạo nên những thắng lợi mới sau 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại.
Vươn lên từ gian khó
Ngày 30-4-1975, phố phường rực rỡ cờ hoa, đón những đoàn quân chiến thắng về giải phóng Sài Gòn, đánh dấu 30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông đã kết thúc thắng lợi, Nam - Bắc đã "sum họp một nhà”. Ngày 7-5-1975, Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt trước đông đảo nhân dân và nhanh chóng tiến hành các biện pháp ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.
Tuy nhiên, ngay sau ngày giải phóng, chính quyền tiếp quản một thành phố với nhiều tồn tại cần giải quyết, các tệ nạn xã hội, người thất nghiệp, các lực lượng chống đối chính quyền cách mạng và một nền kinh tế tuy đã có phát triển nhất định nhưng còn phụ thuộc khá lớn vào nước ngoài. Thành phố Sài Gòn lúc ấy vẫn cơ bản là một thành phố tiêu thụ (tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh). Ông Bùi Văn, nguyên giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét: “Chính quyền nhân dân gần như phải khôi phục kinh tế từ đầu. Sự phồn vinh giả tạo của một đô thị trong một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài trước năm 1975 đã không còn nữa”.
Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh chung của cả nước, nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp đã gây nên không ít khó khăn, trì trệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công và truyền thống năng động, sáng tạo, thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu trong tháo gỡ khó khăn, tìm ra những giải pháp “xé rào”, “cởi trói” để “bung ra” trong sản xuất và phân phối lưu thông, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985, với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước vượt lên chính mình, nỗ lực phấn đấu để tìm con đường phát triển phù hợp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết: Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương thường xuyên chỉ đạo, kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có sự phát triển rõ rệt, tạo điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm thời kỳ 1980-1985 đạt 8,17% so với 2,18% trong thời kỳ 1976-1980. Thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.
Những kinh nghiệm "đi trước một bước" ở thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp nhiều kinh nghiệm để Trung ương đề ra đường lối đổi mới.
Đổi mới và bay cao cùng đất nước
Từ năm 1986, thành phố bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng cả nước thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Oanh (Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), từ sau thời kỳ Đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Đóng góp của thành phố cho GDP cả nước ngày càng cao, từ 13% GDP của cả nước thời kỳ đầu đổi mới, đến năm 2019 đã là 24%.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp của cả nước; hoạt động thương mại, dịch vụ và kinh tế đối ngoại phát triển. Giáo dục - đào tạo của thành phố cũng không ngừng phát triển, nâng cao mặt bằng dân trí. Y tế, thể thao, chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Khoa học - công nghệ đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân thành phố ngày càng phong phú, đa dạng. Những giá trị tinh thần mang đặc trưng nhân dân thành phố như nhân ái, nghĩa tình, năng động, sáng tạo… được khẳng định, nhân rộng.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh còn được nhắc đến nhiều với vai trò liên kết, dẫn dắt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang). Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thực hiện từ năm 1998 đến nay.
Tiến sĩ Phan Công Khanh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta xác định việc thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sự phát triển kinh tế của cả nước. Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp tới khoảng 50% GDP, 57% tổng sản lượng công nghiệp, 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 47% ngân sách của cả nước.
Vai trò hạt nhân của thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thể hiện rõ nét ở 2 lĩnh vực, đó là phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu mang tính dẫn dắt và vai trò liên kết vùng. Về phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu, thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển 4 nhóm ngành: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết, thành phố hiện có khoảng 26.554 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có 11.502 doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, chiếm hơn 43%. Qua đó, giúp công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng, với giá trị gia tăng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp toàn vùng và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát huy vai trò điều phối vùng với việc triển khai xây dựng dữ liệu chung về hệ thống kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, thông tin doanh nghiệp, kết nối chuyên đề sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh.
Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Thu ngân sách ước đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương đi đầu cả nước trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức. Công viên phần mềm Quang Trung hay Khu công nghệ cao thành phố là điển hình cho sự phát triển và đón đầu về công nghệ thông tin. Đặc biệt, từ năm 2019, thành phố chủ trương triển khai sớm nhất phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định: 90 năm dưới lá cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, gần 45 năm vinh dự, tự hào được mang tên Bác Hồ vĩ đại, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân quyết tâm xây dựng thành phố là nơi có chất lượng sống tốt, năng suất lao động cao, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước tạo nên những thắng lợi mới.
Tự hào thành phố mang tên Bác, với những thành tựu đạt được trong 45 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày được giải phóng, cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp bước vững chắc truyền thống để tạo nên những thành công mới chói lọi, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/965989/tu-hao-thanh-pho-ruc-ro-ten-vang