Tự hào thủ đô Khu Giải phóng
Tháng 5/1945, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, các tỉnh Việt Bắc đã liên kết với nhau thành khu căn cứ quan trọng - 'vùng đất căn bản' của cách mạng. Tân Trào (Tuyên Quang) được chọn làm trung tâm, Thủ đô của Khu giải phóng.
Tại sao Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng?
Năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã bước vào giai đoạn kết thúc, phong trào cách mạng trong nước ngày càng lan rộng, thời cơ giành chính quyền đang đến gần. Lúc này, căn cứ địa Cao Bằng không còn phù hợp vì cách xa các tỉnh đồng bằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn ngay ở Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm phù hợp làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài, là nơi ở và làm việc để Người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa nay mai.
Nhận được lệnh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bàn với đồng chí Song Hào và đề xuất với Bác lựa chọn Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang làm nơi đặt “đại bản doanh”. Đây là địa điểm hội tụ đủ các điều kiện: Nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, phong trào quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận tiện cả tiến công lẫn phòng ngự, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương.
Ngày 20 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ đến địa phận Tuyên Quang. Thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa ngày nay) là địa bàn đầu tiên được thay mặt nhân dân Tuyên Quang đón Bác trên chặng đường từ Pác Bó về Tân Trào. Chiều 21 tháng 5, các đồng chí Chu Văn Tấn và Song Hào đón Bác trước đình Hồng Thái (thuộc xã Kim Trận) và tại ngôi đình này Người đã gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, trực tiếp nắm thêm tình hình địa bàn.
Lúc mới đến Tân Trào, Người được bố trí ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào. Sau đó Người chuyển lên ở một cái lán nứa trên sườn đồi Nà Lừa, cách Tân Trào khoảng 1km, là nơi “gần nước và không xa dân”.
Ngày 4 tháng 6 năm 1945, tại căn lán này đã diễn ra cuộc hội nghị đặc biệt quan trọng trên con đường từ khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa của Cách mạng Việt Nam. Bác Hồ chỉ thị sáp nhập hai chiến khu (Cao - Bắc - Lạng và Hà - Tuyên - Thái) thành Khu Giải phóng gồm 6 tỉnh; xây dựng chính quyền, quân đội cách mạng và Tân Trào trở thành “Thủ đô” của Khu Giải phóng.
Từ đây, một số hoạt động nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nhật đã đi vào hoạt động, đặc biệt là việc khai giảng Trường Quân chính kháng Nhật ở Khuổi Kịch (Đông Bắc Tân Trào), xây dựng sân bay tại xã Thanh La, nhằm tiếp nhận vũ khí, đạn dược và thuốc men của Phe đồng minh.
Để xây dựng Khu Giải phóng vững chắc về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, Ủy ban chỉ huy lâm thời, các Ủy ban nhân dân cách mạng do Nhân dân cử lên đã ra sức huy động mọi lực lượng trong Khu, từng bước thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây là những điểm chính trong chương trình kiến quốc của Việt Minh, được vận dụng trong Khu Giải phóng trong giai đoạn quá độ từ khởi nghĩa từng phần lên Tổng khởi nghĩa.
Như vậy, Tân Trào, Tuyên Quang thực sự là trung tâm, một địa bàn cơ động chiến lược đáp ứng những điều kiện: Địa hình tốt, dân tốt, tiện việc liên lạc với nước ngoài... Đây còn là nơi có đồn điền nhiều thóc gạo của thực dân Pháp và địa chủ người Việt mà ta mới tịch thu được. Do đó, khả năng đáp ứng nhu cầu hậu cần tại chỗ cho lực lượng vũ trang và cán bộ hoạt động là rất lớn.
Việc chọn Tân Trào, Tuyên Quang làm trung tâm Khu Giải phóng - căn cứ địa cách mạng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, Tân Trào cũng được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Thủ đô Kháng chiến - đại bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược từ tháng 4-1947 đến tháng 5-1954.
Đóng góp của Tuyên Quang
Tự hào là Thủ đô Khu Giải phóng, quân và dân Tuyên Quang đã xây dựng căn cứ địa, cơ sở chính trị vững mạnh, khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã, cấp châu thành công sớm nhất nước, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi đặt đại bản doanh, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.
Những sự kiện quan trọng tại Tân Trào
trong Cách mạng Tháng Tám
* Ngày 4-6-1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáp nhập hai chiến khu (Cao - Bắc - Lạng và Hà - Tuyên - Thái) thành Khu Giải phóng; xây dựng chính quyền, quân đội cách mạng và Tân Trào trở thành “Thủ đô” của Khu Giải phóng.
* Ngày 13-8-1945 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.
* Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội khai mạc tại Tân Trào, nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định Quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca.
* Chiều ngày 16-8-1945, các đại biểu Đại hội tề tựu gần cây đa Tân Trào tiễn đưa bộ đội xuất quân. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 và giao nhiệm vụ cho bộ đội về giải phóng Thái Nguyên.
* Sáng ngày 17-8-1945, Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt Quốc dân tại Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ.
Đêm 10-3-1945, cuộc khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, là cuộc khởi nghĩa cấp xã giành thắng lợi sớm nhất cả nước. Ngày 16-3-1945, châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do được thành lập. Đây là chính quyền cấp châu đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang cũng là của cả nước, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang.
Cùng việc xây dựng căn cứ địa, Tuyên Quang còn ủng hộ sức người, sức của xây dựng Thủ đô Khu Giải phóng, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đáp ứng cao nhất cho nhu cầu của cách mạng.
Ngay từ tháng 5-1945, Ủy ban nhân dân lâm thời các châu: Tự Do, Kháng Địch, Hồng Thái động viên toàn dân ủng hộ hàng chục tấn thóc, gạo nuôi quân; huy động nhân dân vận chuyển hết số thóc, gạo lấy được của Nhật - Pháp hiện còn lại ở các kho trong vùng giải phóng đưa về Tân Trào; đồng thời tiếp tục mở rộng cuộc vận động quyên góp trong toàn dân. Tính đến đầu tháng 8-1945, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã ủng hộ và chuyển đến Tân Trào hơn 100 tấn lương thực, thực phẩm gồm: Thóc, gạo, ngô, trâu, bò, lợn, gà, vịt, rau, củ, quả và hàng tấn muối . Cùng với đó, nhân dân còn ủng hộ ngày công, gỗ, tre, vầu, lá cọ để làm lán trại, nhà ở cho các cơ quan Trung ương.
Một lòng thủy chung với cách mạng, Bác Hồ, nhân dân Tân Trào, Tuyên Quang đã bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, cán bộ cách mạng và các cơ quan Trung ương. Ủy ban nhân dân lâm thời các cấp trong khu căn cứ cách mạng Tân Trào đã bố trí lực lượng vũ trang địa phương tăng cường tuần tra canh gác và kiểm soát nghiêm ngặt mọi ngả đường, không để kẻ gian lọt vào khu căn cứ; đồng thời sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não của Trung ương, bảo vệ cán bộ tham dự Hội nghị thành lập khu giải phóng; Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc và Đại hội Quốc dân Tân Trào.
Khi chủ trương của Đảng về Tổng khởi nghĩa được truyền đi, Tuyên Quang nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa sớm hơn các địa phương khác. Các lực lượng kết hợp chặt chẽ với quần chúng cách mạng nổi dậy, liên tiếp hạ các đồn trại quân Nhật đang chiếm đóng ở các huyện rồi tiến lên giải phóng thị xã Tuyên Quang ngày 21 tháng 8 năm 1945.
Sau gần sáu tháng diễn ra hết sức khẩn trương, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn, đóng góp quan trọng cho thành công rực rỡ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Với vai trò là trung tâm căn cứ cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Tuyên Quang đã góp một phần quan trọng trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Từ căn cứ địa Tuyên Quang, với sự có mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, lịch sử đất nước - dân tộc sang trang mới. Với những sự kiện quan trọng diễn ra trên căn cứ cách mạng Tuyên Quang, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những năm dài nô lệ, tiến sang kỷ nguyên độc lập, tự do bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc. Với mỗi người dân Tuyên Quang, còn là niềm tự hào không bao giờ tắt về những năm tháng vinh dự được bảo vệ Đảng, cách mạng, bảo vệ Bác Hồ; khởi nguồn cho việc ra đời Nhà nước của dân do dân vì dân.
Thái An
(Theo các tài liệu lịch sử)