Tự hào Thực hành Then - di sản của nhân loại
Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ thêm điều kiện bảo tồn nghi lễ Then truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, để nghi lễ Then mãi là niềm hào của Tuyên Quang.
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.
Then là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then, bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy.
Tuyên Quang tự hào là một trong những cái nôi của nghi lễ Then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Những năm qua, người dân Tuyên Quang nói chung và đồng bào dân Tày nói riêng đã nâng niu, trân trọng và hết lòng bảo vệ, gìn giữ di sản nghi lễ Then.
Cùng với đó, Tuyên Quang có nhiều nghệ nhân đã giành tâm huyết cả đời mình dành cho Then như Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa), Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa), Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)… Họ đều là những người am hiểu nghi lễ Then truyền thống, là trụ cột cho sự phát triển bền vững của làn điệu Then, bởi họ còn truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ. Số lượng học sinh biết hát Then, đánh đàn Tính không ngừng được nâng lên, nhiều em còn trở thành các thành viên nòng cốt trong đội văn nghệ của trường, của huyện.
Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao chia sẻ, ông đã làm thầy Then hơn 20 năm. Những lễ Then của ông luôn tạo ấn tượng sâu đậm cho những người chứng kiến, bởi nó được ông thể hiện vô cùng nhuần nguyễn. Xuyên suốt hành trình của nghi lễ, nghệ nhân Hà Ngọc Cao luôn chú trọng đến yếu tố hòa hợp giữa lời nói, tiếng hát, tiếng đàn bởi đó là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của người dương gian gửi tới thánh thần. Ông kết hợp các nghi lễ với nhiều làn điệu Then cổ như: Tàng bốc - Pây Cảnh, tàng tính, tàng nặm... Mỗi làn điệu kết hợp với đàn Tính mang lại những cách thể hiện riêng, biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc để có thể bày tỏ lòng thành kính với Mường Trời.
Hiện nay, tại huyện Chiêm Hóa có trên 30 câu lạc bộ hát Then, đàn tính, huyện Na Hang có 10 câu lạc bộ, các huyện khác đều có câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Những câu lạc bộ này đã tạo cơ hội để làn điệu Then lan tỏa đến cộng đồng, tạo mối liên kết không thể tách rời giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.