Tự hào truyền thống Công đoàn Việt Nam
95 năm qua, Công đoàn (CĐ) Việt Nam luôn đoàn kết, tập hợp giai cấp công nhân (CN) Việt Nam phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp cách mạng; đồng thời, là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp CN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tự hào truyền thống vẻ vang
Quá trình hình thành và phát triển của Công hội đỏ Bắc Kỳ gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XX. Người tham gia CĐ hải ngoại Anh khi hoạt động tại Luân Đôn trong những năm 1914-1917; gia nhập CĐ Kim khí quận 17 Pari năm 1919. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức CĐ Việt Nam. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Người chỉ dẫn: "Tổ chức Công hội trước hết là để CN đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của CN cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho CN; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới". Tháng 6/1925, Người sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên.
Những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào "Vô sản hóa" thâm nhập sâu, rộng vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động CN tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3/1929), đặc biệt là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức CN mà Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng. Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương lâm thời phân công phụ trách công tác vận động CN.
Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội, của CN trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của CN, Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí đã tích cực tổ chức cuộc vận động phong trào CN, trước hết là phong trào CN Bắc Kỳ để thành lập tổ chức Công hội. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo Lao Động và tạp chí Công Hội Đỏ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào CN và CĐ Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp CN Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Sổi nổi hoạt động chào mừng ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Cùng sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức CĐ Việt Nam, CĐ tỉnh ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí và là chỗ dựa vững chắc của đoàn viên (ĐV), CN, viên chức (VC), lao động (LĐ). Đến nay, CĐ tỉnh trải qua 11 lần đại hội và là tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền lợi của hơn 400.000 CNVCLĐ, trong đó có gần 300.000 ĐVCĐ. CĐ tỉnh thực sự là tổ chức chính trị - xã hội tin cậy, nòng cốt của Đảng và là chỗ dựa vững chắc của CNVCLĐ.
Thời gian qua, hoạt động CĐ tỉnh tiếp tục được đổi mới về nhiều mặt và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ ĐV, CNVCLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán, hoạt động Tháng CN (tháng 5) và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động; Ngày thành lập CĐ Việt Nam (28/7);... Trong đó, nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức tạo được điểm nhấn, lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.
Đặc biệt, để thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), ngay từ những ngày đầu tháng 7/2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và các cấp CĐ sôi nổi tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày thành lập CĐ Việt Nam nhằm khơi dậy niềm tự hào, truyền thống vẻ vang của giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam. Một trong những hoạt động nổi bật lần đầu tiên được LĐLĐ tỉnh tổ chức là Chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Đoàn cán bộ, ĐVCĐ thuộc LĐLĐ tỉnh tổ chức dâng hương tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa. Đoàn còn thăm và tìm hiểu về ý nghĩa của Con đường hòa bình, Vòng tròn bất tử; tham quan khu bảo tàng trưng bày hình ảnh, những kỷ vật còn lại của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến và nghe thuyết minh về lịch sử trận hải chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988.
Đây là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tạo động lực để cán bộ, ĐVCĐ phấn đấu, rèn luyện bản thân, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thi đua lao động, sản xuất và công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao để xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Trong Chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ, LĐLĐ tỉnh kết hợp tổ chức Hội nghị biểu dương 95 chủ tịch CĐ cơ sở tiêu biểu giai đoạn 2018-2023. Tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí khẳng định: “Chủ tịch CĐ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong điều hành, tổ chức và hoạt động CĐ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; là nhân tố quan trọng, trực tiếp chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết CĐ cấp trên vào hoạt động CĐ tại cơ sở, đến ĐV, người LĐ. Chủ tịch CĐ cơ sở còn là chỗ dựa, người đứng đầu, “thủ lĩnh” đại diện để đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, người LĐ; đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển vững mạnh của tổ chức CĐ, là "cầu nối" giữa Đảng và quần chúng, giữa người sử dụng LĐ và người LĐ, là người đồng hành cùng ĐV trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức 19 cuộc hội nghị tại CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (từ ngày 20/6 đến 12/7/2024) về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội XIII CĐ Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI CĐ tỉnh, nhiệm kỳ 2023-2028. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam và Hội trại trong cán bộ CĐ, ĐV, CNVCLĐ. Mặt khác, LĐLĐ tỉnh tổ chức thăm, tặng quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo; trao tặng nhà Mái ấm CĐ cho ĐV, CNVCLĐ gặp khó khăn về nhà ở; thăm, động viên, tri ân gia đình cán bộ CĐ chuyên trách có người thân là cha, mẹ, vợ, chồng là liệt sĩ, thương binh nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); tổ chức “Bữa cơm CĐ” tại các cấp CĐ, thí điểm tại 2 doanh nghiệp;... Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn hướng dẫn các cấp CĐ tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể mang lại lợi ích cho ĐV, người LĐ; tham gia giám sát ở 13 doanh nghiệp về nội dung an toàn vệ sinh lao động; phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương, khen thưởng CNLĐ giỏi năm 2024 (trong đó, LĐLĐ tỉnh khen 200 CNLĐ, UBND tỉnh khen 100 CNLĐ);...
Tự hào tiếp bước truyền thống, CĐ tỉnh ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ để luôn là chỗ dựa vững chắc cho ĐV, CNVCLĐ./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-hao-truyen-thong-cong-doan-viet-nam-a178955.html