Tự hào truyền thống thanh niên xung phong

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có những cống hiến to lớn, góp phần cùng toàn quân và dân ta giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trong thời bình, lực lượng cựu TNXP luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp.

Lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, cụ Đỗ Bính, tên đầy đủ là Đỗ Văn Bính ở tổ dân phố Công Bình, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã sớm giác ngộ cách mạng.

Cựu TNXP Đỗ Văn Bính viết tự truyện kể về những năm tháng kháng chiến vô cùng gian khổ, song rất đỗi hào hùng

Cựu TNXP Đỗ Văn Bính viết tự truyện kể về những năm tháng kháng chiến vô cùng gian khổ, song rất đỗi hào hùng

Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đỗ Bính hăng hái lên đường phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến nay, khi đã ngoài 90 tuổi, ký ức về những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí cụ và được cụ tái hiện trong cuốn tự truyện mang tên “Chặng đường dài - Bạn và tôi”.

Cụ Đỗ Bính kể: “Quê hương nằm trong vùng địch tạm chiếm, chứng kiến cảnh thực dân Pháp ngày đêm càn quét, đốt phá làng mạc, cướp bóc tài sản, giết hại đồng bào ta khiến bao gia đình phải ly tán, cha mất con, vợ mất chồng đã làm bùng cháy trong tôi ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc.

Tháng 12/1952, tôi gia nhập đơn vị TNXP C251, thuộc Nha Giao thông. Đơn vị có hơn 200 chiến sĩ TNXP hành quân dọc tỉnh Phú Thọ đi qua vùng núi đá tai mèo cheo leo hiểm trở lên đến công trường đèo Đao (Lũng Lô), thuộc tỉnh Yên Bái làm nhiệm vụ mở đường. Sau khi thông tuyến, đơn vị đi tiếp lên công trường 13, mở tuyến đèo Nhọt (tuyến Yên Bái, Sơn La đi Điện Biên Phủ).

Hiện trường thi công là những vách đá cao hiểm trở, dưới là dòng sông chảy xiết, chỉ cần sơ sẩy nhỏ cũng có thể mất mạng. Cuộc sống “ăn núi ngủ rừng” vô cùng khốn khó. Hằng ngày, chúng tôi ăn cơm với gạo mốc và rau rừng, ngủ dưới mái lá giường phên, gió lùa bốn phía. Muỗi rừng, ruồi vàng, vắt xanh, bọ chét làm nhiều chiến sĩ mắc bệnh sốt rét. Thế nhưng, bấy nhiêu khó khăn không thể cản bước những chàng trai, cô gái TNXP ở độ tuổi đôi mươi đang sục sôi khí thế diệt giặc, bảo vệ bờ cõi non sông”.

Sau khi thông tuyến Đèo Nhọt cũng là lúc địch đã rút hết quân, dùng tổng lực vận chuyển đường hàng không từ Hà Nội cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi đó, cụ Đỗ Bính được cử tham gia tập huấn và được cấp trên giao chỉ huy một đội chuyên làm nhiệm vụ trực chiến, tháo phá các loại bom mìn của địch rơi xuống các vùng trọng yếu.

Với khẩu hiệu “Giữ gìn sự thông suốt của đường giao thông như giữ gìn mạch máu trong cơ thể mình”, cụ Đỗ Bính đã chỉ huy toàn đội làm nhiệm vụ tìm kiếm, xử lý, tháo phá bom, giải phóng vật nổ trên mặt đường, góp phần cùng đồng đội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sáng mãi hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ

Năm 1964, Nguyễn Xuân Bình ở thôn Tảo Phú, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc tham gia lực lượng TNXP làm nhiệm vụ thông tuyến tại con đường 13C, quốc lộ 70 (Lào Cai). Sau đó, ông được đơn vị gửi sang Bệnh viện Yên Bái học chuyên ngành y khoa. Sau khi giải thể đơn vị TNXP, năm 1967, Nguyễn Xuân Bình trở thành Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Cựu TNXP Nguyễn Xuân Bình xem lại cuốn nhật ký ông viết trong thời kỳ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Cựu TNXP Nguyễn Xuân Bình xem lại cuốn nhật ký ông viết trong thời kỳ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Tại đây, ông Bình làm y tá, thực hiện nhiệm vụ cứu chữa cho các thương, bệnh binh. Trong những năm tháng ấy, ông nhiều lần phải chứng kiến đồng đội hy sinh, trong đó, có một kỷ niệm mà không bao giờ ông quên.

Vào 11 giờ trưa ngày 11/11/1970, các chiến sĩ quân giải phóng đang làm nhiệm vụ lấy đá từ trên thượng nguồn sông Si-a-nông (Lào) để nâng ngầm (suối) cho xe của quân giải phóng đi qua thì bị địch phát hiện, đánh bom, khiến 7 chiến sĩ của ta hy sinh, trong đó, có người bạn cùng quê với ông Bình là liệt sĩ Ngô Công Tần. Ông Bình đã chôn cất thi thể không nguyên vẹn của đồng đội với nỗi xót xa vô hạn.

Trang bìa cuốn nhật ký của cựu TNXP Nguyễn Xuân Bình có ghi mấy dòng chữ: “Ngày 11/11/1970, đúng 11 giờ trưa ngày ấy, một giây phút… người bạn, người đồng hương cùng quê đã hy sinh trong tiếng nổ… tại ngầm 12 trên sông lớn Si-a-nông. Thôi!!! Vĩnh biệt. Ngô Công Tần”.

Tròn 40 năm sau, ông đã đưa gia đình liệt sĩ Ngô Công Tần về lại chiến trường xưa, đón hài cốt liệt sĩ về với gia đình, quê hương. Nơi đặt mộ liệt sĩ vẫn còn đó một cái cây lớn ở phía trước, 2 hòn đá ở 2 bên, bên hài cốt liệt sĩ vẫn là chiếc xanh - tuya (thắt lưng) và bi - đông (bình nước) năm nào.

Với tinh thần “Thời chiến dũng cảm hy sinh, thời bình xây dựng cuộc sống gương mẫu”, sau ngày đất nước giải phóng, cụ Đỗ Bính và ông Nguyễn Xuân Bình trở về quê hương, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ công tác quan trọng của địa phương, cùng với nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới văn minh, tiến bộ.

Giờ đây, dù tuổi đã cao, song các cụ vẫn noi gương sáng cho con cháu, tích cực tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; chủ động góp tiếng nói đấu tranh, phản bác trước những thông tin xuyên tạc về Đảng, Nhà nước; góp phần bảo vệ thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.

Những đóng góp, cống hiến của TNXP năm xưa tiếp tục truyền lửa để thế hệ trẻ ngày nay không ngừng phấn đấu trong lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Bài, ảnh: Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/80980/tu-hao-truyen-thong-thanh-nien-xung-phong.html