Tự hào về Anh hùng phi công huyền thoại Đại tá Nguyễn Văn Bảy
Video tư liệu
ĐTO – Người Đồng Tháp nói riêng và người Việt Nam nói chung rất đỗi tự hào khi quê hương, đất nước có được người con là Đại tá Nguyễn Văn Bảy - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tá Nguyễn Văn Bảy (83 tuổi, ngụ thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã có 13 lần giao chiến trên không bằng chiếc MiG-17, bắn rơi 7 máy bay Mỹ.
Tối 22/9, ông Bảy trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.Hồ Chí Minh). Nhiều người hay tin đã bày tỏ niềm tiếc thương người Anh hùng phi công rất bình dị, gần gũi với mọi người.
Trước đó, ngày 18/9, ông Bảy nhập viện do đột quỵ, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, sau đó chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 điều trị trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết não.
Huyền thoại bắn rơi 7 máy bay địch
Lúc 17 tuổi (năm 1953), ba mẹ ép cưới vợ nhưng vì không muốn lập gia đình sớm nên chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bảy trốn nhà, thoát ly theo cách mạng. Đến năm 1960, ông Bảy được chuyển từ Sư đoàn Bộ binh sang Không quân, rồi được chọn cho đi học lái máy bay để đánh giặc. “Hồi đó, gia cảnh nghèo khó, tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình được cho đi học lái máy bay đâu! Thời đó, người được học lái máy bay phải ít nhất học hết lớp 10, trong khi tôi mới học lớp 3 trường làng” - lúc còn khỏe ông Bảy tự hào kể.
Năm 1965, biên đội MiG-17 của ông Bảy cất cánh tấn công máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế (tỉnh Bắc Giang). Với số lượng áp đảo, máy bay Mỹ phản kích bằng tên lửa làm cho máy bay của ông Bảy bị nhiều vết thủng nhưng ông vẫn kiên trì điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Trong một lần trò chuyện với tôi, ông Bảy kể: “Chiếc MiG-17 của ông chỉ bắn bằng đạn, còn máy bay Mỹ sử dụng tên lửa tầm nhiệt, lại điều khiển bằng ra-dar, nên dễ bị trúng tên lửa của đối phương”.
Ông Bảy còn so sánh, chiếc MiG-17 bay chậm nên phi công Mỹ muốn đánh với mình bắt buộc phải giảm tốc độ cho ngang với mình. Do lợi thế về tốc độ nên họ không bao giờ đón đầu mà chỉ đuổi sau lưng để bắn tên lửa. Từ đó, ông đón khoảng cách chừng 3km bắn là trúng máy bay Mỹ.
Làm chủ trên bầu trời, Đại tá Không quân nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Bảy đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Thành tích đáng nể này giúp ông trở thành 1 trong 16 phi công được xếp hạng “Ách” (Ace) - danh hiệu cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên từ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1967, lúc mang quân hàm thượng úy, ông được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lúc còn khỏe, ông Bảy vẫn giữ cái giọng sang sảng của người Nam Bộ: “Cuộc đời tôi có duyên với con số 7”. Rồi ông kể tiếp: “Tôi là con trai thứ 7 trong gia đình, tên là Bảy. 17 tuổi đi bộ đội, học 7 ngày, học 7 lớp, lái chiếc MiG-17, 7 lần bóp cò bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967”.
Lúc tôi ghé nhà thăm, hỏi về kinh nghiệm đánh giặc trên không, ông Bảy khiêm tốn: “Tôi vận dụng kiến thức về học lái máy bay cấp tốc để đánh giặc trên không. Ngày xưa, đánh giặc gan dạ lắm bởi mình không đánh nó thì nó cũng đánh mình nên quyết tâm chiến đấu để đuổi nó ra khỏi nước Việt Nam”.
Người Anh hùng sống đời bình dị
Nghỉ hưu trở về cuộc sống đời thường, ông Bảy đào ao nuôi cá, trồng sen, cây ăn trái. Người anh hùng phi công huyền thoại một thời sống vui vẻ giữa miệt vườn cùng vợ là bà Trần Thị Niên ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung.
Ông Bảy cho biết có một thời gian ông sống ở TP. Hồ Chí Minh với người con trai nhưng thấy cuộc sống nơi phố thị phồn hoa không được thoải mái nên ông về quê vui thú điền viên. Hằng ngày, ông cùng vợ chăm sóc vườn cây ăn trái, nuôi cá. Có lần ông Bảy khoe với tôi: “Nhờ lao động đồng áng nên ông giữ được sức khỏe tốt. Mỗi buổi ăn cơm, còn có khả năng uống được rượu đế”.
Quê hương đất Sen hồng Đồng Tháp có được người Anh hùng lực lượng vũ trang như ông Nguyễn Văn Bảy là niềm vinh dự, tự hào. Ông mãi là tấm gương cho những thế hệ trẻ noi theo!
Ông Nguyễn Văn Bảy từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Ông còn là chỉ huy tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay ở miền Nam như: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy không quân làm nhiệm vụ tại Campuchia. Năm 1989, ông nghỉ hưu, làm Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh không quân tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông về quê làm nông, sống thanh đạm cùng gia đình.