Tự hào về đội ngũ Thanh niên xung phong huyện Hòa Thành
Trong giai đoạn cao trào toàn dân làm thủy lợi, vai trò nòng cốt của thanh niên đã được khẳng định thông qua việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trực tiếp lãnh đạo phong trào, đặt tên công trường 'Công trường thanh niên Cộng sản'.
Những ngày cuối tháng tư, những người dân Tây Ninh, các cựu cán bộ, đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cựu đội viên Thanh niên xung phong, cựu cán bộ Thủy lợi tỉnh Tây Ninh bồi hồi nhớ lại ngày lịch sử 29.4.1981, ngày Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát cuốc nhát cuốc “lịch sử” để mở đầu cho công cuộc xây dựng hệ thống kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhằm đưa nước hồ Dầu Tiếng về phục vụ cho nông dân phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
"CÓ SỨC NGƯỜI SỎI ĐÁ CŨNG THÀNH CƠM"
Cần phải khẳng định rằng, hệ thống kênh thủy lợi trong tỉnh có được như hiện nay, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, là sự đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh trong thập niên 80, những ngày tháng gian lao khi đất nước vừa thống nhất chẳng được bao lâu. Điều kiện kinh tế khó khăn do hậu quả từ cuộc chiến tranh để lại, cộng thêm chiến tranh biên giới Tây Nam.
Thế nhưng với tinh thần kiên cường của người dân Tây Ninh một lần nữa được chứng minh bằng việc khắc phục khó khăn, chịu thương, chịu khó tích cực tham gia vào việc xây dựng hệ thống kênh thủy lợi hồ nước Dầu Tiếng, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, đổi đời cho người nông dân.
Là số ít những người vinh dự chứng kiến Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát cuốc nhát cuốc đầu tiên tại K4+100 kênh N4 thuộc địa phận xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu để mở màn phong trào toàn dân làm thủy lợi, xây dựng hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tranh (nguyên Bí thư Huyện đoàn Hòa Thành, nguyên cán bộ quản lý hệ thống kênh liên huyện thuộc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh), ông Lê Thành Công (nguyên Bí thư Huyện đoàn Hòa Thành, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng “gian lao mà anh dũng” của thanh niên và dân quân Tây Ninh hưởng ứng công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Ông Lê Thành Công cho biết, trong giai đoạn cao trào toàn dân làm thủy lợi, vai trò nòng cốt của thanh niên đã được khẳng định thông qua việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trực tiếp lãnh đạo phong trào, đặt tên công trường “Công trường thanh niên Cộng sản”.
Giai đoạn này, các ông Trần Việt Biên, Phan Minh Đức, Trần Thái Hà- Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh đoàn và các cán bộ lãnh đạo Tỉnh đoàn, cùng với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, các xã, thị trấn đã thường xuyên lên công trường trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Cũng trong giai đoạn này, công trường xã Hiệp Tân- lúc đó do các ông Nguyễn Văn Tranh, Lê Thành Công lần lượt là Bí thư Xã đoàn kiêm chỉ huy trưởng công trường- nổi lên là một gương điển hình cả tỉnh với sáng kiến tổ chức dân công thành từng đội 30 người, chuyên môn hóa từng khâu trong lao động đào đắp, từ khâu đào đất, chuyển đất, san đất, tưới nước, đầm nện, bạt mái.... tạo thành dây chuyền thi công nhịp nhàng, hợp lý.
Sáng kiến này đã đẩy năng suất lao động tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật từng tuyến kênh. Với việc tăng năng suất lao động, người dân chỉ cần 10 đến 15 ngày có thể hoàn thành khối lượng công viêc nghĩa vụ lao động 30 ngày, rút ngắn hơn phân nửa thời gian ở công trường.
Mô hình tổ chức lao động của Ban Chỉ huy công trường xã Hiệp Tân đã nhanh chóng được lãnh đạo tỉnh nhân ra toàn tỉnh, thực sự góp phần nhanh chóng hoàn thành, đưa hệ thống công trình vào phục vụ sản xuất.
Cũng từ thực tiễn lao động của thanh niên trên công trường, Xã đoàn Hiệp Tân đã khởi phát khẩu hiệu hành động “Ta xây dựng công trường, công trường xây dựng ta”, góp sức động viên hàng vạn thanh niên trong tỉnh tự nguyện lên công trường, vừa lao động, vừa học tập, rèn luyện, thúc đẩy phong trào Đoàn tỉnh Tây Ninh lớn mạnh.
Kết quả trong quá trình lao động, đã có 10.467 thanh niên được kết nạp vào Đoàn, 439 đoàn viên được kết nạp vào Đảng ngay trên công trường thủy lợi, trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương.
Kết quả, ngày 10.1.1985, sau gần 4 năm thi công chủ yếu bằng sức người, hệ thống công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng Tây Ninh chính thức mở nước, đúng kế hoạch của Bộ Thủy lợi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, đưa nước tưới mát đồng đất khô hạn bao đời của tỉnh Tây Ninh.
Từ đó đến nay, 41 năm sau ngày khởi công, 37 năm sau ngày mở nước, hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Tây Ninh không ngừng được Nhà nước đầu tư hoàn thiện, mở rộng, chuyển từ chủ yếu phục vụ sản xuất cây lúa sang phục vụ đa mục tiêu phát triển cây công nghiệp, cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản... góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân tỉnh nhà.
LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG HÒA THÀNH, MỘT MÔ HÌNH MẪU TRONG PHONG TRÀO
Ông Lê Thành Công cho biết, sau gần 4 năm thi công đào đắp, với phong trào toàn dân làm thủy lợi, khắp nơi trong tỉnh đã hình thành được mạng lưới kênh mương các cấp. Tuy nhiên, để đưa được hệ thống kênh vào phục vụ sản xuất, bên cạnh lao động đào đắp kênh còn một khâu vô cùng quan trọng để hoàn thiện công trình, đó là công việc xây lắp các công trình trên kênh bằng bê tông, đá xây... Công việc này phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn cao hơn lao động đào đắp.
Thực hiện công việc này, từ năm 1983, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Dầu Tiếng 301 (gọi tắt Ban 301) trực thuộc Bộ Thủy lợi đã ký hợp đồng với Ban Chỉ huy công trường tỉnh tổ chức thi công xây lắp công trình trên kênh. BCH công trường tỉnh đã chỉ đạo các công trường huyện đồng loạt tổ chức đội hình thi công xây lắp.
Riêng huyện Hòa Thành do quy mô và hiệu quả phong trào thủy lợi các năm trước, đã được Ban 301 chọn và Huyện ủy, UBND huyện cho phép trực tiếp ký hợp đồng thi công xây lắp công trình trên kênh, không qua BCH công trường tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, BCH công trường huyện đã nhanh chóng tổ chức 13 đội xây lắp thuộc BCH công trường 13 xã, thị trấn, tuyển chọn các thanh niên có trình độ kỹ thuật và tay nghề thợ hồ vào đội xây lắp. Đồng thời với việc tổ chức các đội thi công cấp xã, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, Huyện ủy, UBND huyện Hòa Thành đã giao Huyện đoàn nhiệm vụ củng cố Liên đội Thanh niên tình nguyện huyện, trở thành đơn vị chủ lực trong công tác xây lắp công trình.
Để củng cố Liên đội Thanh niên tình nguyện (còn gọi là Liên đội Thanh niên xung phong), Ban Thường vụ Huyện đoàn Hòa Thành đã cử ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Bí thư Huyện đoàn trực tiếp làm Chỉ huy trưởng Liên đội, điều động hai cán bộ Đoàn có năng lực và kinh nghiệm tổ chức thi công từ BCH công trường xã Hiệp Tân là ông Ngô Văn Quay và Huỳnh Văn Tốt làm Chỉ huy phó. Đồng thời bổ sung nhiều cán bộ kỹ thuật có năng lực và tay nghề cao về liên đội.
Ngay sau khi được củng cố, Liên đội Thanh niên xung phong Hòa Thành được giao nhiệm vụ thi công các công trình lớn, then chốt trên kênh chính Đông, chính Tây, kênh cấp 1 lớn và nhiều công trình dân dụng phục vụ quản lý thủy nông sau này. Đây là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao mà Liên đội Thanh niên xung phong huyện Hòa Thành đã phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và lớn mạnh.