Tự hào vùng đất Lương Phi anh hùng
Từ xuất phát điểm ban đầu chỉ đạt 7 tiêu chí, 24 chỉ tiêu (năm 2011), xã Lương Phi (Tri Tôn) đã vươn lên hoàn thành 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó là kết quả từ tinh thần vượt khó, không ngừng đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất Lương Phi anh hùng.
Con đường kiên cố gắn với trồng hoa tại ấp Sà Lôn
Tạo đồng thuận người dân
Hôm nay (9-10), UBND huyện Tri Tôn long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 12-9-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Lương Phi anh hùng đạt chuẩn “Xã NTM” năm 2019. Đây là kết quả đáng tự hào bởi khi bắt tay vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của xã rất thấp. “Hồi trước, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer còn nhiều khó khăn, trong khi giao thông đi lại, học tập; khám, chữa bệnh chưa thuận lợi. Ở một số vùng không có điện, nước sạch sinh hoạt. Khi xã phát động xây dựng NTM, các sư sãi ở chùa Khmer cũng vận động bà con phật tử tích cực tham gia. Nhận thấy xây dựng NTM là điều kiện để nông thôn phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ, có công góp công, có của góp của” - ông Chau Kunh (ấp Sà Lôn, xã Lương Phi) chia sẻ.
Nhằm cụ thể hóa quyết tâm xây dựng NTM, ngày 19-12-2011, Đảng ủy xã Lương Phi đã ra Nghị quyết số 37-NQ/ĐU. Sau đó, ngày 23-12-2011, HĐND xã đã có Nghị quyết số 33/NQ-HĐND về tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lương Phi được thành lập do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Phó Bí thư Đảng ủy xã làm Phó Trưởng ban và thông báo phân công từng đảng ủy viên phụ trách từng tiêu chí. Ban Quản lý xây dựng NTM xã luôn được kiện toàn do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban, thành viên là cán bộ, công chức phụ trách chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể xã, hiệu trưởng các trường, trưởng ban nhân dân các ấp. Địa phương đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM, lấy ý kiến đóng góp nhân dân để làm cơ sở pháp lý cho ban quản lý triển khai thực hiện.
Với đặc thù có 30% dân số là người dân tộc thiểu số Khmer, Đảng ủy, UBND xã Lương Phi đã phát huy vai trò của các vị chức sắc, tôn giáo, cùng vận động bà con phật tử tích cực tham gia. “Xã đã thành lập đoàn đánh giá mức độ đạt từng tiêu chí, chỉ tiêu để phân công từng đơn vị, cá nhân tập trung hoàn thành. UBMTTQVN xã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM. Từ đó, tạo đồng thuận để người dân cùng thực hiện” - Chủ tịch UBND xã Lương Phi Phạm Minh Hải thông tin.
Nâng cao mọi mặt đời sống
Trong xây dựng NTM, cùng với đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, điện-đường-trường-trạm, xã Lương Phi luôn quan tâm đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Hàng năm, Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, giao chỉ tiêu cho các ấp và các ngành, đoàn thể hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề. Hiện nay, trong tổng số 7.275 người trong độ tuổi lao động, có 7.003 lao động có việc làm thường xuyên (đạt tỷ lệ 96,26%). Địa phương còn phối hợp tổ chức mở 14 lớp nông nghiệp, phi nông nghiệp theo Đề án 1956, giúp cho 350 lao động nâng cao tay nghề. Nhờ có việc làm ổn định nên thu nhập của người dân cũng nâng lên. Nếu như năm 2011, thời điểm bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Lương Phi chỉ đạt 13,767 triệu đồng thì đến cuối tháng 6-2019, thu nhập nâng lên 47,142 triệu đồng (tăng 33,375 triệu đồng/người/năm). Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 2,44% (năm 2011 là 10,96%).
Nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng tiêu chí NTM, qua vận động của các hội, đoàn thể xã, người dân Lương Phi đã hiến 6.600m2 đất và đóng góp 520 ngày công lao động. Tại ấp Sà Lôn, với sự vận động của các vị chức sắc tôn giáo, bà con Khmer đã tự nguyện hiến đất, ngày công, kinh phí để tiến hành bê-tông 1,52km tuyến đường giao thông trục ấp, liên ấp. Qua 9 năm, Lương Phi đã đầu tư gần 29,7 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng 25 tuyến đường giao thông nông thôn, dài 34,68km, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, từ đồng bằng đến vùng núi đều được đầu tư hệ thống thủy lợi, đáp ứng 6.072,64ha (100% diện tích). Đến nay, toàn xã có 2.664/2.674 hộ sử dụng điện an toàn thường xuyên (chiếm 99,62%). Về trường học, có 3/4 điểm trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với nhà văn hóa xã, tất cả các ấp, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều có sân chơi thể thao, câu lạc bộ văn hóa-văn nghệ. Về nhà ở, có 1.963/2.674 căn nhà kiên cố đạt chuẩn (chiếm 73,41%), tăng thêm 1.099 căn nhà kiên cố so năm 2011...
Ông Phạm Minh Hải cho biết, ngay sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”, địa phương đã xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí với phương châm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM theo hướng bền vững, từng bước thực hiện NTM nâng cao.
Qua 9 năm triển khai (2011-2019), xã Lương Phi đã huy động tổng kinh phí gần 164,7 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 13%, ngân sách địa phương chiếm 48,47%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án chiếm 19,8%, vốn tín dụng gần 4,5%, vốn doanh nghiệp đóng góp 10,9%, nhân dân đóng góp 3,2%, vốn huy động khác chiếm 0,05%.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tu-hao-vung-dat-luong-phi-anh-hung-a255815.html