Tự hào, xúc động nhớ về những ngày tham gia xây dựng Lăng Bác
Trong những ngày Tháng Năm này, ông Nguyễn Minh Thiêm ở thôn Gia Hòa, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định luôn tự hào, xúc động khi nhớ về những ngày tham gia xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), chúng tôi tìm về ngôi nhà của gia đình ông Thiêm nằm ven tỉnh lộ 490, thuộc thôn Gia Hòa, xã Nam Cường. Người thợ mộc tài hoa năm xưa nay đã bước qua tuổi lục tuần vẫn khá nhanh nhẹn và vẫn đang tiếp tục giữ gìn, phát triển nghề mộc truyền thống của gia đình, quê hương.
Nhớ lại những ngày tháng tham gia xây dựng Lăng Bác cách đây 46 năm, ông Thiêm kể, tháng 8 năm 1974, Ban Liên hiệp xã Tiểu thủ công nghiệp Trung ương giao cho các tỉnh tìm thợ mộc giỏi tham gia xây dựng Lăng Bác. Thời điểm đó, một nhóm gồm 5 người trong Hợp tác xã mộc Sơn Lâm, huyện Nam Ninh (nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được chọn; trong đó có hai bố con ông Thiêm. Bố ông là Nguyễn Ngọc Ao, một thợ mộc nổi tiếng trong làng, ngoài xã; còn ông khi đó mới 16 tuổi.
Mộc là nghề truyền thống nhiều đời của gia đình ông Thiêm và người dân thôn Gia Hòa, xã Nam Cường. Vì thế, cũng như bao người trẻ trong xóm, từ nhỏ ông đã được truyền dạy những kỹ thuật làm nghề. Với sự nhanh nhạy, thông minh, ông nhanh chóng nắm được các kỹ năng cơ bản và thể hiện năng khiếu với nghề. Những đường bào, nét đục của ông rất sắc, bén, vuông vức... Chính nhờ đôi bàn tay tài hoa mà ông đã vinh dự được lựa chọn vào đội thợ mộc gồm hơn 40 người trong cả nước tham gia xây dựng Lăng Bác ngày ấy.
Ông Thiêm cho biết, khi ông cùng nhóm thợ tỉnh Nam Định đến Quảng trường Ba Đình, phần móng của Lăng đã được hoàn thiện. Đội thợ mộc nhận nhiệm vụ làm việc tại công trường dã chiến trên đường Ngọc Hà cạnh Lăng Bác. Sau một thời gian được thử nghiệm tay nghề bằng việc đóng bàn ghế, làm đồ nội thất, vào Tháng 1/1975, đội thợ bắt đầu làm các hạng mục cầu thang, cánh cửa trong Lăng Bác.
Bản vẽ được đưa tới từng người song không thể hiện chi tiết kỹ thuật mộng cửa, trong khi đó Ban phụ trách xây dựng Lăng yêu cầu các mối ghép phải khít, mộng cửa phải chắc, có khả năng chịu lực tác động mạnh. Vừa làm vừa nghiên cứu, cuối cùng bố ông là Nguyễn Ngọc Ao đưa ra giải pháp cấu trúc mộng mang cá (còn gọi là mộng kép). Sáng kiến này đã được Ban phụ trách công trình thẩm định, sử dụng, áp dụng trong xây dựng hệ thống cửa Lăng Bác.
Ông Thiêm giải thích, mộng cửa là phần giúp ghép hai chi tiết gỗ khít với nhau. Các cánh cửa ở Lăng Bác yêu cầu cao về thẩm mỹ, độ chịu lực nên nếu chỉ làm một mộng như bình thường sẽ không đảm bảo yêu cầu, còn cấu trúc mộng mang cá giúp cánh cửa đẹp và rất vững chắc.
Ông Thiêm cùng nhóm thợ đảm nhận phần việc làm cánh cửa chính vào Lăng. Nhớ về không khí xây dựng Lăng Bác khi đó, ông chia sẻ, mọi người hăng say lao động, làm việc với tất cả niềm kính yêu Bác. Đặc biệt, ngày 30/4/1975, miền Nam giải phóng, Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa, lòng người hân hoan mừng đất nước thống nhất. Trong niềm vui khôn tả ấy, những người thợ xây dựng Lăng Bác say mê làm việc không quản ngày đêm, nhắc nhở nhau hoàn thành công việc được giao với tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm. Ai cũng ý thức rằng, đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tấm lòng của người dân cả nước đối với Bác, do đó phải hoàn thành các hạng mục đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất để sớm đón nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế vào viếng Bác
Ngày 29 tháng 8 năm 1975, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Ông Thiêm nhớ lại, đó là một ngày không thể quên với mỗi người thợ tham gia xây dựng Lăng Bác nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Mọi người xếp hàng lần lượt vào Lăng viếng Bác với tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn.
Ông Thiêm chia sẻ thêm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Lăng Bác, tháng 8 năm 1976, ông tiếp tục được chọn tham gia làm một số hạng mục nội thất chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (diễn ra từ ngày 14 - 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội). “Lần đó, tôi được giao nhiệm vụ làm bục phát biểu chính cho Đại hội. Thật may mắn vì tôi đã được góp công sức nhỏ bé của mình trong những sự kiện quan trọng của đất nước”, ông Thiêm bộc bạch.
Sau khi hoàn thành những công trình đó, ông Thiêm trở về quê hương, tiếp tục giữ gìn, phát triển nghề mộc truyền thống. Trong căn nhà của gia đình, Giấy khen vì đã có thành tích tham gia xây Lăng Hồ Chủ tịch (của Ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) và tấm ảnh ông chụp chung cùng đội thợ mộc tham gia xây dựng Lăng Bác được treo ở vị trí trang trọng, chính giữa.
Ông Thiêm tự hứa với bản thân phải nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống, giữ nghề và truyền nghề lại cho thế hệ sau; tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương; nhắc nhở con cháu sống, học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.