Từ hạt cườm nhỏ đến ước mơ lớn - câu chuyện truyền cảm hứng của cô gái Lê Thị Cẩm Sương
Sau trận sốt bại liệt lúc 5 tuổi, đôi chân của chị Lê Thị Cẩm Sương (SN 1988) ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười mất khả năng đi lại. Căn bệnh quái ác còn làm biến dạng nhiều khớp xương trên cơ thể khiến cho chị Sương bị đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Song, không vì những khiếm khuyết của cơ thể, chị Sương tự mày mò và khởi nghiệp thành công với nghề làm túi xách thời trang từ hạt cườm. Với đôi bàn tay khéo léo, chị đã biến những hạt cườm nhỏ xinh thành những chiếc túi xách đa năng, sang trọng giúp làm đẹp cho chị em phụ nữ. Mỗi chiếc túi xách là một câu chuyện - nơi chị Sương gửi gắm ước mơ làm đẹp cho đời.
Vượt lên nghịch cảnh
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Lê Thị Cẩm Sương là một cô gái rất tự tin, nhí nhảnh, trên môi luôn nở nụ cười. Nhìn đôi mắt sáng long lanh, đầy áp những tia hi vọng của chị Sương, ít người hiểu được hoàn cảnh và những khó khăn mà chị đã trải qua.
Bà Ngô Thị Bạch Tuyết (SN 1965), mẹ của chị Sương nghẹn ngào kể: “Khi Cẩm Sương mới 5 tuổi, cháu bắt đầu có những triệu chứng lạ. Ban đầu, chúng tôi nghĩ cháu chỉ bị bệnh thông thường. Nhưng bệnh của cháu ngày càng trở nặng, đến nỗi không thể đi lại được. Đưa cháu đi khám, chúng tôi mới biết cháu bị bại liệt. Suốt 3 năm, cháu gần như phải nằm một chỗ. Gia đình tôi đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn, vừa lo cơm áo gạo tiền, vừa lo chạy chữa cho cháu. Nhưng rồi tôi tự nhủ, phải lạc quan để truyền thêm động lực cho con. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tôi cũng sẽ luôn bên cạnh con”.
Chính tinh thần lạc quan không lùi bước trước số phận của người mẹ đã tiếp thêm sức mạnh giúp cho chị Cẩm Sương vượt lên trên nỗi đau của bệnh tật. Sau hơn 3 năm tích cực chạy chữa cùng với việc cố gắng vượt qua đau đớn, kiên trì tập vật lý trị liệu, năm 8 tuổi, chị đã tự ngồi được và cầm nắm những vật dụng nhẹ. Thời điểm này cũng giống như bao trẻ em khác, khi đến tuổi cắp sách đến trường, Cẩm Sương cũng mơ ước được đến lớp như bạn bè. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt ba mẹ chị đành nén nỗi đau để con tự học ở nhà.
Chị Lê Thị Cẩm Sương nhớ lại: “Dù bị bệnh, tôi vẫn luôn khát khao được học chữ. Mẹ tôi luôn tạo điều kiện cho tôi bằng cách mua sách và nhờ các bạn hàng xóm dạy tôi những chữ cái đầu tiên. Sau đó, tôi tự mình mày mò học đọc, học viết. Nhờ sự kiên trì, tôi đã vượt qua khó khăn và có thể đọc, viết thành thạo”.
Để phụ giúp cho ba mẹ về kinh tế, chị Cẩm Sương bắt đầu tự nghiên cứu học thêm một số nghề thủ công như: làm hoa từ vải voan, thêu tranh chữ thập... Dù thu nhập không cao, nhưng chị cảm thấy vui và ý nghĩa bởi có thể đóng góp một phần công sức giúp ba mẹ vượt qua khó khăn.
Hạt cườm bé nhỏ - nơi bắt đầu những ước mơ
Năm 2019, một món quà nhỏ bé từ em gái đã đánh thức niềm đam mê tiềm ẩn trong chị Sương. Chiếc móc khóa hạt cườm long lanh như một phép màu, thu hút chị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những hạt cườm nhỏ bé, nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Và, kể từ phút giây đó, ý tưởng khởi nghiệp với nghề kết hạt cườm đã được ươm mầm trong lòng chị Sương.
Những ngày đầu tập làm móc khóa, chị Cẩm Sương gặp không ít khó khăn. Dây gân cứ như muốn trêu ngươi, lúc nào cũng rối tung lên. Có những lúc, tay chị rớm máu vì siết dây quá chặt, hay kim đâm trúng. Mặc dù rất khó khăn, nhưng chị không bao giờ nản lòng, mỗi lần thất bại, chị lại rút ra kinh nghiệm và cố gắng làm lại. Dần dần, chị Cẩm Sương cũng làm quen công việc và bắt đầu sáng tạo thành những chiếc móc khóa xinh xắn.
Thành công với một số tác phẩm đầu tay, chị Sương nhờ em gái chụp hình đăng trên mạng xã hội. May mắn được một số khách hàng yêu thích những sản phẩm thủ công của chị nên bắt đầu đặt hàng. Chị Lê Thị Cẩm Sương chia sẻ: “Khi nhận được tin nhắn đặt hàng từ chị khách lạ, tim tôi như muốn vỡ òa. Một chị khách ở tận tỉnh Kiên Giang đã yêu thích những chiếc móc khóa do chính tay tôi làm và đặt 50 chiếc hình con rồng và 50 chiếc hình con rắn. Tôi thật sự vui mừng, hạnh phúc đến rơi nước mắt khi nhìn thấy số tiền gần 2 triệu đồng trong tài khoản. Đó không chỉ là tiền, mà còn là sự ghi nhận, là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê. Mấy đêm liền, tôi trằn trọc không ngủ được, vừa mừng, vừa lo, vừa háo hức. Mừng vì cuối cùng những cố gắng của mình đã được đền đáp, lo vì phải làm sao để hoàn thành đơn hàng thật tốt và háo hức vì biết rằng mình đã tìm thấy con đường khởi nghiệp thực sự...”.
Sau thời gian gắn bó với nghề làm móc khóa từ hạt cườm, chị Sương cũng mày mò, nghiên cứu thêm một số sản phẩm khác, đòi hỏi sự khéo tay và có tư duy về thời trang nhiều hơn như: túi xách, cài tóc. Bên cạnh việc tự lên ý tưởng thiết kế các mẫu túi xách, chị Cẩm Sương cũng tham gia các hội nhóm làm đồ thủ công trên mạng xã hội. Nhờ không ngừng học hỏi và sáng tạo, năm 2020, chị bắt đầu thiết kế thành công những mẫu túi xách kết từ hạt cườm và bán cho nhiều khách hàng.
Cũng giống như sản phẩm móc khóa, các mẫu túi xách của chị Cẩm Sương cũng được thị trường đón nhận tích cực. Để hoàn thành 1 chiếc túi xách, chị mất khoảng 5 - 7 ngày làm việc. Giá mỗi chiếc túi xách dao động từ 350 ngàn - 500 ngàn đồng (tùy vào chất liệu hạt cườm và độ phức tạp của từng chiếc túi). Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi chiếc túi, chị Sương có thêm thu nhập khoảng 150 ngàn - 180 ngàn đồng. Mỗi tháng, chị Sương có thu nhập từ nghề làm túi xách kết cườm từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng.
Chị Lê Thị Cẩm Sương tự hào: “Mỗi khi thấy khách hàng chia sẻ ảnh đeo những chiếc túi do mình làm, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Biết rằng những sản phẩm của mình góp phần làm đẹp cho cuộc sống của nhiều người, tôi càng thêm yêu công việc này. Đây không chỉ là một nghề, mà còn là cơ hội để tôi được phần nào giúp đỡ gia đình. Mỗi chiếc túi tôi bán ra đều là một phần công sức tôi dành tặng mẹ cha”.
Chia sẻ về tấm gương vượt khó, vươn lên nghịch cảnh để khởi nghiệp của chị Lê Thị Cẩm Sương, bà Nguyễn Thị Thúy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện Tháp Mười cho biết, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tháp Mười đã tạo điều kiện thuận lợi cho em Cẩm Sương tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Thành công của Sương không chỉ là niềm vui của bản thân mà còn là niềm tự hào của cộng đồng. Mô hình khởi nghiệp của em Cẩm Sương là nguồn cảm hứng lớn lao cho những người phụ nữ khác”.