Từ hiện tượng cover 'Trước khi em tồn tại' vượt bản gốc, thấy gì ở thói quen nghe nhạc của fan Việt?
Làng nhạc vốn không thiếu hiện tượng cover vượt qua thành tích bản gốc, 'Trước khi em tồn tại' của Thắng là một trong những trường hợp gây tranh cãi.
Lấn lướt thành tích bản gốc
Tháng 5/2023, nhạc Việt đón nhận một làn gió mới đến từ “cái tên cũ" - Thắng, lần đầu tiên ra mắt album độc lập không cùng band nhạc Ngọt. Đặt tên Cái Đầu Tiên, nam nghệ sĩ muốn ấn định việc chắc chắn sẽ có những album lần thứ 2, lần thứ 3. Một album đầy đủ cung bậc cảm xúc, với 8 track không theo một trật tự nào đã lập tức gây tiếng vang trong cộng đồng yêu nhạc. Với những fan indie, hẳn Thắng đã là một cái tên cho bảo chứng chất lượng nhưng khán giả đại chúng vẫn còn khá xa lạ với người nghệ sĩ đầy chất riêng này. Xin Lỗi và Trước Khi Em Tồn Tại là 2 ca khúc viral nhất của album Cái Đầu Tiên.
Thế nhưng, Trước Khi Em Tồn Tại lại được biết đến chỉ sau khi phiên bản piano cover của Việt Anh được lan truyền trên TikTok. Tính đến thời điểm này, bản cover đã thu về 17 triệu lượt xem YouTube và hàng trăm nghìn video sử dụng âm thanh trên TikTok. Giai điệu “Trước khi em tồn tại, anh tìm em khắp nơi đó đây; Theo gió đông gió tây em ở đâu” trở nên cực kì quen thuộc với loạt trend nhưng lại không phải giọng hát của Thắng.
Bản gốc Trước Khi Em Tồn Tại dường như bị “lấn lướt" trên mọi nền tảng, video audio chỉ vỏn vẹn 3,4 triệu views, bản cover cao gấp 5 lần. Sự viral của phiên bản cover cũng đã khiến nhiều người tìm đến bản gốc nhưng đa số chỉ “nghe qua một lần cho biết". Sự chênh lệch này đã khiến fan yêu thích Ngọt và Thắng đặt ra nhiều dấu chấm hỏi.
Thấy gì ở thói quen nghe nhạc của fan Việt?
Ngọt nói chung và Thắng nói riêng nổi lên trong cộng đồng indie bởi chất nhạc pop rock phóng khoáng, hoang dại thể hiện trong cách sử dụng các loại chất liệu, lyrics mộc mạc, độc đáo đầy tính tượng hình. Có một sự thật phải công nhận, nhạc của Ngọt kén người nghe nhưng một khi đã trót yêu thích sẽ trở thành một thói quen khó bỏ. Định hướng âm nhạc của Ngọt hay Thắng cũng không đánh sâu vào yếu tố đại chúng mà hình thành nên cộng đồng nghe nhạc riêng. Do đó, mỗi một sản phẩm đều có sức sống lâu bền, phục vụ được tai nghe của một nhóm người nhất định.
Mạng xã hội đã góp phần mang nhiều nhạc phẩm đậm cá tính riêng đến gần hơn với công chúng. Nhìn từ hiện tượng Trước Khi Em Tồn Tại, khán giả Việt rõ ràng ưu ái phiên bản piano nhẹ nhàng, sâu lắng. Bài hát có câu chuyện, ca từ sâu sắc, qua cách chơi nhạc của Thắng, Trước Khi Em Tồn Tại là một bản nhạc vui. Giai điệu mang nhiều năng lượng, bài hát nói về tình yêu của những người trẻ họa nên khung cảnh tươi sáng cộng với cách hát châm biếm biến Trước Khi Em Tồn Tại trở thành một bản nhạc có không gian thú vị. Nhưng không phải tất thảy mọi người đều cảm nhận được điều này.
Thị trường nhạc Việt đã tiếp nhận thêm nhiều cái mới, lứa nghệ sĩ Gen Z liên tục bứt phá cùng nhiều thể loại, chất liệu âm nhạc được “nhập khẩu" nhưng ballad nhẹ nhàng vẫn “nịnh tai" khán giả nhất. Người Việt chuộng dòng nhạc này và đã trở thành thói quen lựa chọn nhạc. Đó là lý do phiên bản cover Trước Khi Em Tồn Tại lấn lướt bản gốc và nhiều nghệ sĩ chọn con đường an toàn là ra nhạc tình ballad để dễ đến gần khán giả. Nhưng khi thị trường càng cởi mở, chỉ cần nhạc hay, dưới sự giúp sức từ MXH, những thử nghiệm, sáng tạo được đầu tư chỉn chu vẫn luôn được đón nhận và có sức sống trong lòng công chúng.
Phản ứng netizen:
- Thực ra mình nghĩ vấn đề không phải là chuộng cover hay không, mà chủ yếu là chuộng cái giai điệu nhẹ nhàng của ballad thôi.
- Đúng là nhạc của Ngọt nói chung và nhạc của Thắng nói riêng thì hiếm người cảm được, mặc dù là fan cũng phải công nhận rằng người Việt Nam luôn luôn chuộng những giai điệu nhẹ nhàng hơn.
- Tất cả các bài hát của Ngọt đều có giai điệu hay nhưng Ngọt không theo thị trường nên chỉ những người thật sự yêu nhạc của Ngọt mới cảm được cái hay của nó, bản trên là minh chứng người Việt thích gì, vì sao phần lớn các ca sĩ khác không hát ballad sẽ flop...