Từ hình hài rùa biển

Với cảm xúc đặc biệt về các cá thể rùa, nghệ sĩ điêu khắc CAO THANH THÀ đã đưa sinh vật này vào nghệ thuật gốm, với mong muốn lan tỏa tới công chúng thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn loài rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bắt đầu từ những con số ấn tượng

- Cơ duyên nào khiến chị chọn đề tài là những chú rùa biển và thực hiện dự án nghệ thuật này?

- Năm 2018, tôi tham gia hành trình 12 ngày đêm tại Côn Đảo. Trong suy nghĩ của nhiều người, có lẽ sẽ là những trải nghiệm cùng biển xanh, cát trắng giữa ngàn khơi, song nó lại khá đặc biệt: không sóng điện thoại, không điện, nước ngọt là lượng nước mưa ít ỏi. Cuộc sống trước thiên nhiên hoang dã, lại được chứng kiến hàng ngày các mẹ rùa tìm nơi đẻ trứng, ngắm những chú rùa non chào đời, trong tôi trào dâng xúc cảm mãnh liệt.

Nghệ sĩ Cao Thanh Thà

Nghệ sĩ Cao Thanh Thà

Tôi thực sự bị mê hoặc bởi những cá thể rùa với nhiều đặc tính thú vị, sở hữu khả năng đặc biệt mà tạo hóa ban tặng, là trở về chính nơi mình ra đời để đẻ trứng, duy trì các thế hệ nối tiếp. Đặc điểm này của loài rùa biển khiến tôi tò mò và yêu thích, cũng là lý do để tôi đi sâu tìm hiểu, rồi yêu nó tự lúc nào không biết.

Ngay sau đó, tôi tham gia các chương trình bảo tồn thiên nhiên hoang dã, thực hiện các dự án sáng tác nghệ thuật từ rác thải, từ vật liệu tái chế, bảo tồn rùa biển… với sự bảo trợ chuyên môn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tại vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), khu bảo tồn đảo Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo…

- “Phiêu” cũng là kết quả của các chương trình, chuyến đi ấy?

- Với dự án “Phiêu” - triển lãm nghệ thuật sắp đặt 1001 rùa biển bằng gốm vừa diễn ra tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, hưởng ứng Ngày rùa biển thế giới (16.6), tôi mất 2 tháng rưỡi để hoàn thành. Việc chọn con số 1001 là bởi tỷ lệ 1/1.000 sống ngoài tự nhiên của rùa biển, có nghĩa 1.000 rùa con chỉ 1 con sống sót đến tuổi trưởng thành.

Từ “Phiêu”, tôi muốn công chúng đón nhận bắt đầu từ những con số ấn tượng như thế, sau đó kích thích họ tìm hiểu. Ở đây, tôi sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường là gốm, kết hợp cùng ngôn ngữ điêu khắc để mô tả hình dáng rùa; 1001 tác phẩm hoàn toàn thực hiện thủ công, không lặp lại về kiểu dáng, hình hài, màu sắc, kích thước... và việc chơi men bề mặt.

- Được biết đây là lần đầu tiên chị thử nghiệm với gốm. Thực hiện 1001 tác phẩm chỉ trong 2 tháng rưỡi, với chị có là thử thách?

- Mỗi tác phẩm rùa gốm được tôi thực hiện qua 6 bước: phác thảo giấy, chọn đất sét, sau đó tạo hình rùa, chờ cho đất se lại sẽ tỉa gọt, loại bỏ đất thừa, tiến tới nung sơ và vẽ men. Với ý định ban đầu là tạo hình các cá thể rùa khác biệt, đến công đoạn làm men, tôi đã mời các bạn nhỏ tham gia, để các con tìm hiểu về rùa biển, về thiên nhiên, được thỏa sức dùng màu trên các tác phẩm. Đây là cách giúp tôi hoàn thành dự án, đồng thời mang đến kiến thức nhất định về rùa biển cho trẻ nhỏ.

Khoảng thời gian 2 tháng rưỡi hoàn thành dự án quả thực là thách thức, nhất là với người lần đầu chơi gốm như tôi. Thử tưởng tượng, trong một ngày từ những cục đất sét thô tĩnh tôi nặn các bạn rùa nghộ nghĩnh và sinh động, nhỏ thôi nhưng mất từ 1 - 2 giờ/tác phẩm, tức là mỗi ngày chỉ 5 - 7 tác phẩm rùa ra đời. Tôi kêu gọi và thực sự xúc động khi được các bạn tình nguyện viên tham gia ủng hộ dự án.

Ấn tượng, tìm hiểu và hành động

- Việc nhiều người tham gia dự án này, theo chị, có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi từng mất nhiều thời gian tìm hiểu về tỷ lệ sống, giới tính và chất lượng con non rùa biển; sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến con non. Chính vì vậy, ở dự án này, tôi muốn nhiều người cùng tham gia, cũng là lan tỏa rộng hơn thông điệp về cấm khai thác, đánh bắt rùa biển và trứng rùa, bảo vệ nơi sinh sống của rùa biển, chung tay bảo tồn rùa biển. Những khó khăn mà các sinh vật rùa biển gặp phải nếu không có sự chung tay của cộng đồng cùng ý thức bảo vệ môi trường thì không lâu nữa chúng sẽ đứng trên bờ tuyệt chủng, và thực tế đã có loài giảm đến 90%.

Nghệ sĩ CAO THANH THÀ chia sẻ tại triển lãm "Phiêu". Ảnh: BTC

Nghệ sĩ CAO THANH THÀ chia sẻ tại triển lãm "Phiêu". Ảnh: BTC

Với dự án nghệ thuật sắp đặt “Phiêu”, tôi mong chạm đến cảm xúc của đông đảo công chúng, từ người lớn đến các em nhỏ sẽ tự tìm hiểu qua triển lãm, đọng lại ấn tượng, để rồi thôi thúc mọi người tìm hiểu sâu hơn, có kiến thức và hành động bảo vệ môi trường, bảo tồn rùa biển.

- Với ý nghĩa và kỳ vọng như thế, chắc chắn dự án này sẽ không dừng lại ở đây?

- Có lẽ vậy. Với tôi mỗi con rùa là một cá thể độc lập, tôi tôn trọng tính cá nhân. Nếu để ý kỹ trong triển lãm "Phiêu", công chúng sẽ thấy có những tác phẩm rùa không vây, có tác phẩm rùa 3 đầu 6 tay… Tôi muốn nói, mỗi cá thể rùa giống như con người vậy, cũng phải chịu các tác động đến từ môi trường, giao tiếp với con người và mọi vật xung quanh, thậm chí phải vật lộn và chống chọi với thiên nhiên để tồn tại…

Cuối năm nay, tôi dự định trưng bày 1001 chú rùa này ở địa điểm khác và đăng ký Kỷ lục Guinness thế giới, không mong vì danh tiếng nhưng ít nhất sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Tôi cũng tin, với những dự án cộng đồng tiếp theo về bảo vệ động vật hoang dã, các tác phẩm nghệ thuật được tôi thực hiện trên chất liệu tái chế sẽ tiếp tục ra đời tại các hòn đảo, khu bảo tồn tôi đã qua hoặc sắp đến, như thông điệp tôi đã gửi gắm từ hình hài rùa biển vậy.

- Xin cảm ơn chị!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tu-hinh-hai-rua-bien-i376613/