Từ hòa bình đến hòa hợp, đoàn kết để phát triển đất nước
Sau khi giành hòa bình, thống nhất, 48 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nỗ lực thực hiện chủ trương hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết toàn dân tộc để dựng xây, phát triển đất nước.
48 năm trước, đúng 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn. Thời khắc lịch sử chói lọi ấy đã chấm dứt 21 năm đấu tranh gian khổ của cả dân tộc với đế quốc Mỹ và tay sai để giành hòa bình, thống nhất đất nước. Dù hai miền Nam Bắc phải chịu nhiều tổn thất nặng nề, mất mát đau thương nhưng đất nước Việt Nam đã giành được chiến thắng cao quý nhất - đó là độc lập, tự do, thống nhất, mở ra con đường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong chiến thắng chung của toàn thể dân tộc Việt Nam, Hải Dương có đóng góp rất quan trọng. Cùng với cả nước, toàn tỉnh dốc sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Gần 27.000 người đã hy sinh anh dũng, hơn 11.000 thương binh để lại một phần máu xương nơi chiến trận.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam luôn kiên trì thực hiện quan điểm hòa hợp, hòa giải, cùng nhau đoàn kết vì lợi ích của quốc gia - dân tộc, chung tay xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi đất nước hòa bình, những người từng công tác, làm việc dưới chế độ cũ dần được tạo điều kiện, hỗ trợ học tập, làm việc, hòa nhập với cuộc sống mới; coi trọng những đóng góp quý báu, mang tính xây dựng vì lợi ích quốc gia - dân tộc của những người từng làm việc dưới chế độ cũ, các kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài.
Nỗ lực hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết toàn dân, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiêu biểu là ngày 26.3.2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXI, Đảng ta khẳng định: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Tiếp đến, ngày 19.5.2015, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Ngày 12.8.2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới...
Kết luận số 12-KL/TW nêu rõ dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố.
Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt chủ trương hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết dân tộc nên Việt Nam đã có thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Dù sống ở nước ngoài hay đang ở Việt Nam thì đông đảo những người từng sinh sống, làm việc dưới chế độ cũ đã gạt bỏ tự ti, định kiến, tự nguyện đóng góp trí tuệ, công sức, nguồn lực với mong muốn cùng vun đắp, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam. Số lượng dự án đầu tư của Việt kiều, lượng kiều hối ngày càng tăng, các hoạt động hợp tác, giao lưu, hỗ trợ do người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức ngày càng nhiều… là minh chứng rõ ràng, sống động nhất cho lợi ích của chủ trương hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết toàn dân. Dẫu rằng, còn bộ phận nhỏ những người từng sống dưới chế độ cũ vẫn chống phá, chưa thông suốt với quan điểm nhân văn, tiến bộ của Đảng, Nhà nước ta, song những trở lực ấy không thể nào cản được con đường phát triển đúng đắn của đất nước Việt Nam.
Những ngày này, nhắc đến Chiến thắng 30.4, không phải để đào sâu quá khứ, khơi thêm đau thương, mà để mỗi người thấy được ý nghĩa vô giá của hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Kỷ niệm chiến thắng ấy cũng là một sự nhắc nhở rất cần thiết: Những công việc để thực hiện hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết dân tộc vẫn phải tiếp tục thực hiện bằng sự cố gắng, quyết tâm lớn hơn nữa. Tinh thần lao động cũng cần được đề cao trong dịp này, nhất là kỷ niệm Ngày Chiến thắng liền mạch với kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1.5. Chỉ có lao động mới mong dựng xây đất nước phồn vinh và xóa đi sự chia cách.