Từ Hoa Lư đến Thăng Long - Hà Nội

Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lúc đầu, chọn đất Đàm Gia Loan (nay thuộc các xã Gia Thắng, Gia Tiên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm kinh đô. Song, ở đây, bốn bề đồng nước mênh mông, đất đai chật hẹp..., nhà vua quyết định chuyển qua xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của quốc gia Đại Cồ Việt.

Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: internet

Chọn Hoa Lư, vua Đinh Tiên Hoàng đã biết dựa vào thế núi non hiểm trở và hệ thống sông ngòi bao bọc xung quanh, tạo nên bức hào lũy thiên nhiên. Trên diện tích 300 ha, nhà vua cho xây dựng ở đây hai khu thành nội và thành ngoại ngăn cách bởi những quả núi, tạo nên bức tường thành vững chắc, bảo đảm cho Hoa Lư vừa là quốc đô, vừa là một quan thành kiên cố..

Sau khi Lê Đại Hành băng hà, Lê Long Đĩnh cướp ngôi của anh, sống hoang dâm vô độ, không thể ngồi được, phải nằm mà coi triều, nên có tên là Lê Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Long Đĩnh bạo ngược qua đời. Đào Cam Mộc cùng triều thần chán ghét Tiền Lê, tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, mở đầu triều Lý.

Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), làm vua từ năm 1009 đến 1028 và dựng nên cơ nghiệp nhà Lý. Vương triều nhà Lý trị vì đất nước 216 năm (1009-1225) và có 9 đời vua.

Lý Công Uẩn từ bé đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, theo học ở chùa Lục Tổ của Sư Vạn Hạnh. Ông rất thông minh, nhưng tinh nghịch và hay trốn học. Có lần, bị nhà sư Vạn Hạnh phạt nằm ngoài cổng tam quan, Lý Công Uẩn tức cảnh đọc liền bốn câu thơ:

"Thiên vị khâm chẩm địa vi chiên

Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên

Dạ thâm bất cảm tràn thân túc

Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên".

Tạm dịch:

"Trời làm gối, đất làm chăn

Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên.

Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng".

Làm quan cho nhà Lê, Lý Công Uẩn tài trí đức độ được vua Lê Đại Hành thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (người chỉ huy cấm vệ quân của triều đình). Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009, đến năm 1010, mới làm lễ đăng quang, lấy niên hiệu Thuận Thiên.

Với tầm nhìn chiến lược, Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ đã cảm thấy kinh đô Hoa Lư trong vùng núi non hiểm trở dễ phòng thủ, nhưng không thể là kinh đô của một nước cường thịnh cả về quân sự lẫn kinh tế. Người đã tìm được thành Đại La tức Hà Nội ngày nay, nơi có thể hội tụ những yêu cầu đó. Sử gia, danh sĩ Bắc Hà Ngô Thì Sĩ ngợi ca: "Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô. Xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo nổi".

Mùa xuân năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn quyết định sẽ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ phân tích: "...Thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư của muôn đời..."

Sử gia Ngô Sỹ Liên viết: "Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, ngôi báu vững bền, hình thể Việt Nam không nơi nào hơn được nơi này".

Lý Công Uẩn đặt tên mới cho thành Đại La lúc bấy giờ là Thăng Long (có nghĩa là rồng bay lên).

Kinh thành Thăng Long được bao bọc bởi một vòng thành ngoài. Vòng thành trong đắp năm 1010, phía ngoài là hào sâu, 4 cửa mở ở 4 hướng gọi là Long Thành. Trong cùng là Hoàng thành có vị trí quan trọng với toàn bộ kinh đô, cung điện là nơi ở, làm việc của vua, quan quý tộc triều đình...Thăng Long nhanh chóng trở thành đô thị lớn, sầm uất. Đến thập kỷ 70, với việc xây dựng Văn Miếu (1070), lập Quốc Tử giám - Trường Đại học đầu tiên của nước nhà (1076), Thăng Long thật sự trở thành trung tâm văn hiến, kinh đô của văn hóa bác học thu hút các luồng tri thức phương Đông thời ấy.

Và từ đầu thế kỷ XI, Thăng Long chính thức là Thủ đô của quốc gia phong kiến Việt Nam độc lập có chủ quyền, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng của dân tộc.

Kể từ "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, đất nước ta đã trải qua 1.000 năm với biết bao thăng trầm, nhưng Thăng Long vẫn là kinh đô nổi tiếng của các triều đại nhà Lý, Trần, Hậu Lê và đang là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tên gọi là Hà Nội. Thăng Long có lúc được đổi tên là Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, vẫn là nơi đã minh chứng cho không biết bao nhiêu chiến công oanh liệt: Ngô Quyền thắng Nam Hán, Lê Hoàn thắng Tống, Lý Thường Kiệt thắng Tống, ba lần Trần Hưng Đạo thắng Nguyên Mông, Lê Lợi thắng Minh, Quang Trung thắng Thanh...,quân, dân ta thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Hồ Gươm Hà Nội. Ảnh: internet

Thăng Long - Hà Nội là niềm tự hào của cả nước, nơi đã sản sinh và hội tụ không biết bao nhiêu anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa. Thăng Long - Hà Nội còn là trung tâm của những giai đoạn phát triển rực rỡ của đất nước...

Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu "Thủ đô vì hòa bình". Bạn bè quốc tế ca ngợi Hà Nội là "Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người". Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Thành phố Hà Nội Huân chương Sao Vàng (lần thứ hai) và danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng".

Thăng Long - Hà Nội mãi mãi là "Thủ đô Anh hùng", "Thủ đô nghìn năm văn hiến".

Nguyễn Xuyến

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/tu-hoa-lu-den-thang-long---ha-noi-05911