Tự học để cứu nước

Ngày 5.6 hằng năm là ngày kỷ niệm Bác Hồ rời bến Nhà Rồng xuống tàu viễn dương tìm đường cứu nước. Năm nay, 2021, tròn 110 năm ngày Bác xuống bến Nhà Rồng, bắt đầu cuộc viễn du nhọc nhằn. Lúc bấy giờ, Bác mới 21 tuổi.

Bến cảng Nhà rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Bác còn trau dồi tiếng Pháp và nhiều ngoại ngữ khác để giao tiếp trên trường cách mạng, học làm báo bằng Pháp ngữ để khai sanh tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) và viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” cùng với những người thầy chính trị và ngoại ngữ của mình như Phan Châu Trinh. Hành trình tìm đường cứu nước của Bác là một hành trình học tập cam go, gian khổ và đặc biệt thành công.

Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mát-xcơ-va vào tháng 8 năm 1935, Bác đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do tự nhiên mà có, mà chính là cả một quá trình khổ công rèn luyện, tự học và tự hành của Người.

Dĩ nhiên, khi học mọi thứ như thế, Bác Hồ đã thể hiện tư chất thông minh sáng chói. Nhưng dù được trời cho tư chất ấy, thì nếu không kiên nhẫn, không đổ mồ hôi sôi nước mắt để học và hành, thì Bác Hồ cũng không thể tích lũy được những kiến thức nền lớn lao như thế để từ đó có những phát kiến lớn. Học tập là một con đường dài, tự học lại là con đường dài đầy gian khổ, vì người học phải vừa học vừa làm, vừa kiếm tiền mưu sinh vừa kiếm tiền để tích lũy kiến thức. Bác Hồ là người tự học vĩ đại, và riêng trong lĩnh vực đó, Người đã là tấm gương sáng chói cho những thế hệ hậu bối chúng ta noi theo: đó là ý chí học tập suốt đời, biết tranh thủ mọi cơ hội để học tập.

Sau bao nhiêu năm rời nước Pháp, vậy mà trong cuộc trả lời phỏng vấn của một nữ nhà báo Pháp tại Hà Nội vào tháng 6.1964 (video clip cuộc phỏng vấn dài 9 phút này đã được đưa lên mạng) Bác Hồ đã cho thấy không chỉ tài năng và sự quyết đoán của một lãnh tụ chính trị, mà còn là cách nói mềm mại, nhưng kiên quyết và thấu tình đạt lý của một nhà ngoại giao lão luyện, cùng một thứ tiếng Pháp tinh tế, hài hước và đầy sức cuốn hút. Điều này được xác nhận bởi những người rất am hiểu tiếng Pháp. Và bài trả lời phỏng vấn của Bác Hồ đã làm dấy lên một làn sóng đầy xúc động của niềm tự hào dân tộc, trong đó có cả niềm tự hào về trình độ Pháp ngữ điêu luyện của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam. Nếu Bác Hồ không tự học suốt đời, thì làm sao Người có được bài trả lời phỏng vấn tuyệt vời bằng Pháp ngữ trong 9 phút như vậy?

Học để cứu nước, học để làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên vũ đài thế giới, con đường học tập ấy của Bác Hồ mãi mãi là tấm gương lớn, là lời kêu gọi mãnh liệt tới tất cả người Việt Nam: học để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Học để làm người Việt Nam xứng đáng với danh xưng con người và danh xưng người Việt.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/202105/tu-hoc-de-cuu-nuoc-3056218/