Từ học sinh trường làng đến học bổng ThS tại Hungary của cô gái Thái Bình
Xuất phát điểm từ học sinh Trường THPT Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), Lan Anh đã xuất sắc giành học bổng toàn phần thạc sĩ ở Hungary.
Nguyễn Lan Anh sinh năm 1998 quê ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp bằng Giỏi khoa Kế toán của Viện Kế toán - Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân, Lan Anh nhận được thư mời làm việc với vị trí kiểm toán viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn KPMG - một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu hằng năm.
Mặc dù đã có công việc ổn định tại Việt Nam, Lan Anh vẫn ấp ủ dự định du học thạc sĩ ở nước ngoài. Sau khoảng thời gian vừa làm, vừa hoàn thành hồ sơ, Lan Anh đã nhận được học bổng toàn phần từ Chương trình học bổng đi học tại Hungary diện Hiệp định năm 2024. Hiện cô đang theo học thạc sĩ tài chính tại Trường Đại học Công nghệ và Kinh tế Budapest (Hungary).
Hồ sơ không nổi bật nhưng vẫn đầu quân vào Big4 và giành học bổng toàn phần
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lan Anh cho biết, bản thân quyết định đi du học khá muộn, vào thời điểm sau khi ra trường và đang làm kiểm toán cho KPMG. Với mong muốn được mở rộng sự hiểu biết và nghiên cứu về kiến thức tài chính tại Châu Âu, Lan Anh quyết tâm thử thách giới hạn bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn và mở rộng mạng lưới quan hệ. Ngay khi có ý định, Lan Anh đã tìm hiểu trên các hội nhóm du học, xem youtube, tiktok để lắng nghe chia sẻ từ những bạn đã từng chinh phục học bổng.
“Trong quá trình tham khảo cách chọn trường, chọn ngành phù hợp với bản thân, tôi tình cờ tham gia nhóm Scholarship Hunters và nhận được những lời khuyên hữu ích của các anh chị đi trước. Từ đó, tôi rút ngắn được thời gian lên kế hoạch để đạt mục tiêu học bổng.
Để giành học bổng toàn phần, tôi đã tìm hiểu và tham gia những cuộc thi chuyên môn, sự kiện tình nguyện có kèm chứng nhận, đặc biệt là các chương trình quốc tế. Với cá nhân tôi, bất cứ công việc gì người ta cảm thấy khó khăn thì tôi thấy đó là cơ hội và nỗ lực mỗi ngày để đạt được. Đơn cử tôi vẫn vượt qua 4 vòng thi và nhận được thư mời làm việc của KPMG dù GPA 3.32/4.0 không phải quá cao so với nhiều ứng viên khác”, Lan Anh chia sẻ.
Theo Lan Anh, điều khó khăn nhất trong quá trình chinh phục học bổng là cách cân bằng cuộc sống. Thời điểm ấy, Lan Anh vừa phải đi làm toàn thời gian, tối về ôn thi chứng chỉ nghề nghiệp và học IELTS, đồng thời phải chuẩn bị hồ sơ và kiến thức để nộp học bổng. Thậm chí, có những ngày cô phải tăng ca và hoàn thành công việc lúc 10-11 giờ đêm hoặc dậy sớm để đi làm. Do đó, cô đã có một khoảng thời gian khá khó khăn nhưng cô vẫn luôn cố gắng suy nghĩ tích cực nhất có thể.
“Trong buổi phỏng vấn cuối cùng với trường, tôi nhận được lời khen từ phó giáo sư và chính khoảnh khắc đó khiến tôi nhận ra mọi nỗ lực của mình đều rất xứng đáng. Để đạt được học bổng toàn phần cần nhiều yếu tố kết hợp, nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất là hiểu rõ bản thân và nắm vững yêu cầu của học bổng mà mình hướng tới.
Nếu chỉ xét về GPA và IELTS, hồ sơ của tôi không thực sự nổi bật. Tuy nhiên, tôi đã bù đắp bằng các hoạt động ngoại khóa, những học bổng liên quan đến chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tại một công ty đa quốc gia, cùng bài luận và thư giới thiệu đầy tâm huyết từ thầy chủ nhiệm trong suốt 4 năm đại học.
Vì vậy, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn đang cảm thấy tự ti về điểm GPA hay IELTS, các bạn chỉ cần tập trung phát triển những khía cạnh khác để tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, các bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần nỗ lực và không bỏ cuộc dù biết sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Cá nhân tôi đã từng dành tới 20 tiếng để chỉnh sửa bài luận, nên việc hiểu rõ thứ tự ưu tiên và kiên trì vượt qua từng thử thách là rất quan trọng”, Lan Anh bày tỏ.
Ước mơ làm giảng viên và là tấm gương cho 2 em
Chia sẻ về gia đình, Lan Anh tâm sự, bố mất từ khi học lớp 10, mẹ gánh vác kinh tế nuôi 3 chị em ăn học. Do đó, bản thân luôn có ý thức phải học hành chăm chỉ để sau này có công việc tốt, khiến mẹ tự hào và là tấm gương cho 2 em.
“Vì vậy, tôi đã nỗ lực đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh trong suốt những năm trung học cơ sở và trung học phổ thông. Khi lên đại học, tôi bắt đầu đi làm thêm từ năm nhất với nhiều công việc như gia sư, kinh doanh online và cùng nhóm bạn tham gia bán hàng tại hội chợ do một cơ quan báo chí tổ chức.
Ngoài ra, tôi còn làm thực tập sinh chuyên ngành kế toán từ năm 2 và đến năm 4 thì bắt đầu làm quen với lĩnh vực kiểm toán. Trong quá trình đi làm, tôi thường gửi tiền về phụ giúp mẹ lo toan gia đình, đóng học phí cho em và thỉnh thoảng đưa cả nhà đi du lịch.
Dù chỉ là những hành động nhỏ, nhưng tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp phần hỗ trợ mẹ, đồng thời làm gương cho các em trong việc trở thành những người sống tử tế và có trách nhiệm với gia đình”, Lan Anh chia sẻ.
Lan Anh cho biết, ước mơ lớn nhất sau khi học thạc sĩ là được trở về Việt Nam và trở thành giảng viên. Ngay cả khi làm kiểm toán tại KPMG, cô vẫn tranh thủ đi dạy vì thực sự cảm thấy hạnh phúc khi đứng trên bục giảng. Hơn ai hết, Lan Anh muốn trở thành người truyền cảm hứng và tri thức cho thế hệ trẻ - những người sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực cho đất nước trong tương lai.
“Hiện tại, tôi vừa kết thúc học kỳ đầu tiên tại Đại học Công nghệ và Kinh tế Budapest (Hungary) với điểm số tuyệt đối 5/5 cho tất cả các môn học. Sinh sống và học tập ở nước ngoài, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải học tập thật tốt và sống tử tế để xứng đáng với khoản học bổng được hỗ trợ.
Học bổng phía Hungary chi trả toàn bộ học phí, bảo hiểm, ký túc xá và sinh hoạt phí hàng tháng, trong khi đó, phía Việt Nam hỗ trợ vé máy bay khứ hồi, lệ phí đi đường, phí làm hộ chiếu và một khoản sinh hoạt phí hàng tháng. Nhờ vậy, tôi không gặp quá nhiều khó khăn về tài chính khi đi học. Hơn nữa, trường tôi theo học có liên kết với nhiều chương trình trao đổi ngắn hạn và thực tập quốc tế. Đồng thời, tôi cũng chủ động liên hệ với các anh chị, bạn bè cũng như phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế để tìm kiếm thêm cơ hội học bổng và chương trình bổ ích, đặc biệt cho sinh viên quốc tế.
Khi học thạc sĩ tại trường, tôi có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới cởi mở, thân thiện và cực kỳ giỏi. Đặc biệt, tôi có thể dễ dàng di chuyển giữa 27 quốc gia trong khối Schengen và từ đó giúp tôi có thêm trải nghiệm văn hóa và mở rộng mối quan hệ.
Cơ hội việc làm, các mối quan hệ quý giá và những trải nghiệm này khiến tôi luôn cảm thấy may mắn, biết ơn và trân trọng. Đây chính là động lực để tôi không ngừng cố gắng, hoàn thiện bản thân để trở về và cống hiến cho đất nước”, Lan Anh bày tỏ.