Tụ hội để sẻ chia, học hỏi và siết chặt đoàn kết

Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non toàn quân lần thứ VI năm 2020 vừa khép lại, nhưng dư âm hội thi vẫn còn lan tỏa.

Thông qua hội thi, những kiến thức, phương pháp giáo dục đối với trẻ thêm một lần được nhắc lại; những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong công tác giáo dục trẻ được sẻ chia. Và hơn thế, hội thi cũng thêm một lần khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân đối với công tác giáo dục mầm non.

 Thượng tướng Trần Quang Phương trao giấy khen tặng thí sinh đạt thành tích cao tại hội thi.

Thượng tướng Trần Quang Phương trao giấy khen tặng thí sinh đạt thành tích cao tại hội thi.

Những đôi mắt tròn xoe dõi theo đôi tay của cô Lê Thị Thu Oanh, giáo viên Trường Mầm non Mùa Xuân (Quân chủng Phòng không-Không quân) khi cô hướng dẫn, giúp trẻ khám phá khoa học với chủ đề “Làm pháo hoa trong nước”. Chỉ ít giây thao tác, trong ly nước xuất hiện những tiếng "xèo" nhẹ nổi lên, rồi những giọt nước li ti đầy sắc màu thi nhau bung nở trong tiếng reo đầy hào hứng của các em nhỏ.

Tương tự, ở một phòng khác, với phần thi thuộc lĩnh vực phát triển ngôn ngữ thông qua câu chuyện “Chú thỏ tinh khôn”, cô giáo Lê Thị Lan Anh đến từ Trường Mầm non 20 (Công ty Cổ phần X20, Tổng cục Hậu cần) cuốn hút các bé thông qua giọng kể truyền cảm, kết hợp với những phần minh họa vô cùng thú vị, ngộ nghĩnh...

Đó chỉ là hai trong số 35 phần thi của các thí sinh đến từ 8 đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non trong toàn quân lần thứ VI năm 2020. Tại hội thi, nhiều phần thi của các thí sinh thể hiện sự sáng tạo, có sức lôi cuốn tập trung của trẻ được ban giám khảo đánh giá cao, như: Thí sinh Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Mầm non Z153 (Tổng cục Kỹ thuật) với chủ đề “Sự kỳ diệu của nam châm”; Quách Thị Thanh Tâm, Trường Mầm non 20/2 (Binh đoàn 15) với chủ đề “Nhận biết quả cà phê”; Lê Thu Giang, Trường Mầm non Hoa Súng (Nhà máy Z125, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) với chủ đề “Làm quen nốt đen”; Phạm Ngọc Mai, Trường Mầm non 59 (Bộ Tổng Tham mưu) với chủ đề dạy vận động theo lời ca bài hát “Lý kéo chài”, nghe hát xẩm “36 phố phường”... Ở từng phần thi, các thí sinh đều rất tự tin, sáng tạo, linh hoạt và khéo léo cuốn hút các bé tham gia giờ học say sưa, hào hứng. Điều này khẳng định, các thí sinh có sự chuẩn bị kỹ về nội dung, tinh thông về nghiệp vụ, linh hoạt, sáng tạo trong mỗi tiết học và giàu lòng yêu thương, gần gũi con trẻ.

Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, Trưởng ban tổ chức hội thi, khẳng định: Các thí sinh tham dự hội thi có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, công phu trong công tác chuẩn bị cả về nội dung cũng như cách thức truyền tải; nghiên cứu sâu, nắm chắc nội dung chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các điều khoản được quy định ở quy chế công tác giáo dục mầm non trong quân đội, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chăm sóc cũng như tổ chức các hình thức giáo dục trên trẻ.

Tham gia hội thi lần này, mỗi thí sinh có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Có người trẻ tuổi đời, tuổi nghề, lần đầu tiên thử sức mình ở hội thi cấp toàn quân; lại có những thí sinh có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi dạy trẻ; hay có những thí sinh vượt cả chặng đường dài hơn 1.500km cùng với con nhỏ... Tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung đến từ Trường Mầm non Nhà máy Z153, người giành giải nhất hội thi, cũng là suy nghĩ của hầu hết các thí sinh: "Ý nghĩa lớn nhất hội thi mang lại là qua đó chúng tôi được học hỏi, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả mà từng đơn vị đang áp dụng".

Là người dành thời gian theo dõi xuyên suốt hội thi, cô Lương Thị Huyền, giáo viên Trường Mầm non Phúc Thuận 1, xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) phấn khởi chia sẻ: "Ngay khi biết Tổng cục Chính trị tổ chức hội thi này, chúng tôi đã "tranh thủ" đề nghị ban tổ chức cho phép được tham dự để học hỏi kinh nghiệm, cách dựng bài cũng như những sáng tạo trong phương pháp giáo dục trên trẻ của các cô giáo trong các trường mầm non quân đội. Sau hội thi, chúng tôi sẽ đem những kinh nghiệm học hỏi được truyền đạt lại cho đội ngũ giáo viên trong trường".

Đánh giá về kết quả hội thi, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, khẳng định: "Thành công của hội thi được bắt nguồn từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đối với công tác giáo dục mầm non. Qua hội thi, cán bộ, giáo viên các đơn vị được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp và đạo đức nghề giáo. Làm tốt công tác giáo dục mầm non trong quân đội là góp phần vào sự nghiệp giáo dục-đào tạo của đất nước; là thực hiện tốt công tác dân vận và chính sách hậu phương quân đội; động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong quân đội yên tâm công tác".

Bài và ảnh: VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tu-hoi-de-se-chia-hoc-hoi-va-siet-chat-doan-ket-646988