Từ Hội đồng Trẻ em đến Quốc hội Trẻ em: Giải pháp để trẻ em 'cất tiếng nói'
Trong 2 ngày 9 và 10/9 vừa qua, phiên họp giả định 'Quốc hội Trẻ em' lần thứ I - năm 2023 đã thành công tốt đẹp. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ trong các vấn đề liên quan tới trẻ em đã được tiến hành ở cấp địa phương, tiêu biểu nhất là mô hình Hội đồng Trẻ em.
Hướng trẻ em thành công dân có trách nhiệm với đất nước
Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần đầu tiên được tổ chức năm 2023 với sự tham gia của 263 đại biểu thiếu nhi từ 63 tỉnh, thành trên cả nước do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thực hiện. Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” được đánh giá đã góp phần thực thi Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Tại phiên họp toàn thể “Quốc hội Trẻ em” diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, các đại biểu trẻ em đóng vai lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, thảo luận, biểu quyết thông qua các nội dung của phiên họp xoay quanh hai vấn đề: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Được biết, để chuẩn bị cho phiên họp giả định xoay quanh 2 chủ đề này, hơn 40.000 lượt trẻ em trên toàn quốc đã tham gia trả lời khảo sát trực tuyến và trực tiếp về các nội dung xoay quanh thực trạng, nguyên nhân và giải pháp của các vấn đề. Các đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của trẻ em địa phương để mang tới thảo luận tại phiên họp và được tập huấn, cung cấp thông tin, kỹ năng cần thiết để tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động trong chương trình phiên họp.
Tham dự phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, sự thể hiện xuất sắc của các đại biểu “Quốc hội Trẻ em” đã cho thấy, mô hình Quốc hội Trẻ em giả định đã thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới. Ý kiến thảo luận của các đại biểu “Quốc hội Trẻ em” và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Trẻ em tự tin hơn với Hội đồng Trẻ em
Từ sự thành công của phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” có thể thấy đã và đang có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan tới trẻ em đã được tiến hành ở cấp địa phương, tiêu biểu nhất là mô hình Hội đồng Trẻ em (HĐTE).
Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã giao Hội đồng Đội Trung ương xây dựng và triển khai thí điểm mô hình HĐTE cấp tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020. Theo nội dung văn bản hướng dẫn xây dựng thí điểm mô hình HĐTE của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì đây là hình thức tổ chức hoạt động thiếu nhi mới do chính trẻ em trực tiếp điều hành nhằm nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.
Năm 2021, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổng kết triển khai thí điểm mô hình HĐTE giai đoạn 2017 - 2020. Sau 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình HĐTE cấp tỉnh và 17 mô hình HĐTE cấp huyện. Trong đó, 5 địa phương thí điểm thực hiện mô hình này gồm Quảng Ninh, Yên Bái, Bình Định, TP HCM, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, kết quả triển khai thí điểm mô hình HĐTE đã cho thấy sự vượt xa mục tiêu ban đầu đề ra, đồng thời nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức.
Đồng hành cùng mô hình HĐTE từ năm 2018, Tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương giới thiệu mô hình HĐTE tại các tỉnh miền núi là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum. Đến nay, 15 mô hình HĐTE tại 5 tỉnh trên đã được thành lập với 543 thành viên đã đóng góp rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của trẻ em, phụ huynh, cộng đồng và các cơ quan liên quan về quyền và bổn phận của trẻ em, quyền được tham gia của trẻ. Trong số 33 đại biểu trẻ em đến từ các vùng dự án của Plan International, 7 em được tín nhiệm giữ các vị trí giả định chủ chốt gồm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL...
Em Trường Giang - Chủ tịch HĐTE tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giả định tại phiên họp toàn thể “Quốc hội Trẻ em” cho biết: “Từ năm 2021, em đã chính thức trở thành thành viên HĐTE tỉnh Lai Châu. Các thành viên của HĐTE được tham gia tập huấn về quyền và bổn phận của trẻ em cũng như các kỹ năng mềm để có thể tổ chức các buổi khảo sát lấy ý kiến trẻ em tại địa phương. Chúng em cũng được học hỏi kinh nghiệm từ các HĐTE khác và được tiếp xúc, gặp gỡ và trình bày ý kiến của trẻ em trong tỉnh với các đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội của tỉnh”.
Em Thanh Thảo, người dân tộc Mông, Phó Chủ tịch HĐTE huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Ban đầu khi mới tham gia HĐTE cấp huyện, em còn khá tự ti, nhưng dần dần em đã hiểu hơn về quyền và bổn phận của trẻ em. Mỗi ngày chúng em tiếp xúc với các bạn cùng trường, cùng lớp nên tìm hiểu về những vấn đề trẻ em đang mắc phải, chắt lọc thông tin và thảo luận với các anh chị trong ban tham vấn để đưa ra ý kiến và giải pháp đề xuất với lãnh đạo địa phương. Em thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được đại diện cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số từ tỉnh Hà Giang tới tham gia phiên họp và đưa nguyện vọng của các bạn tới “Quốc hội Trẻ em” để có những giải pháp chính đáng phù hợp”.
Được biết, với những thành công của mô hình HĐTE, Tổ chức Plan International Việt Nam tiếp tục là đơn vị đồng hành với Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS HCM tiếp tục nhân rộng mô hình đến 63 tỉnh, thành trong cả nước theo kế hoạch Đề án “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em” của Trung ương Đoàn giai đoạn 2023 - 2027.